Tiếng Việt | English

30/06/2020 - 21:20

Bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ

Con tôi 4 tuổi, học mẫu giáo. Vừa rồi, chiều rước con về, thấy bé khoe được cô giáo cho cây kẹo rồi hí hửng mở ra ăn. Đoạn đường từ trường về nhà hơn 3km, bé cứ dáo dác tìm thùng rác để bỏ vỏ kẹo. Thấy thế, tôi bảo hay con cứ vứt xuống đường, sẽ có người quét rác. Thằng bé lắc đầu: “Xả rác là xấu, gây ảnh hưởng môi trường sống và cô lao công sẽ vất vả dọn rác”. Đứa trẻ 4 tuổi chắc chưa hiểu thế nào là ảnh hưởng đến môi trường sống nhưng hàng ngày được cô giáo dạy, bé biết được đó là hành động xấu, không được làm. Từ nhỏ, trẻ đã được dạy phải bảo vệ môi trường bằng cách không xả rác bừa bãi, biết trồng và chăm sóc cây xanh,… vậy sao một số người lớn lại thiếu ý thức, “vô tư” xả rác, khạc nhổ ra môi trường? 

Đã có rất nhiều cuộc vận động, đợt ra quân kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường, thế nhưng, việc nâng cao ý thức người dân không thể có kết quả trong “ngày một ngày hai” mà cần phải bền bỉ tuyên truyền và phát động những đợt thi đua. Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, chi hội phụ nữ đến tận nhà tuyên truyền, vận động hội viên phân loại rác tại nguồn để thuận tiện hơn trong việc xử lý rác, góp phần bảo vệ môi trường. Theo đó, các gia đình phân loại rác hữu cơ và vô cơ riêng, những loại phế thải có thể tái chế được phân loại riêng để tái chế. Tuy nhiên, việc chưa đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý rác khiến việc phân loại rác tại nguồn không hiệu quả khi xe rác thu gom chung cả 2 loại rác và đưa đi xử lý. Song, đến nay, nhiều người vẫn giữ thói quen phân loại rác, nhất là các phế thải có thể tái chế nhằm hạn chế rác thải nhựa.

Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta, thế nên mỗi người hãy cùng chung tay thực hiện từ những việc làm nhỏ nhất để môi trường sống được cải thiện./.

Khắc Thanh

 

Chia sẻ bài viết