Tiếng Việt | English

06/08/2018 - 09:26

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Đây là một trong những điểm nổi bật, đáng lưu ý của Luật An ninh mạng (ANM).

Các hành vi bị nghiêm cấm

Điều 8, Luật ANM quy định, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động KT-XH, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;...

Hay, thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ ANM để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi;...

Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng

Nhằm bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng, Luật ANM quy định, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ANM;...

Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp ngoài nước quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Luật ANM cũng quy định về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng bằng điều luật cụ thể: Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM thuộc Bộ Công an để xử lý.

Luật cũng yêu cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của luật này và pháp luật về trẻ em. Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Cơ sở pháp lý quan trọng

Luật ANM có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở pháp lý để bảo vệ an ninh quốc gia; xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật như chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các hành vi xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; các hành vi phát tán thông tin gây hại cho tổ chức, cá nhân; các hành vi xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; các hành vi tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng và liên quan như sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử...

Việc ban hành luật nhằm bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đây là hệ thống thông tin khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ xâm phạm nghiêm trọng ANM. Việc bảo vệ ANM đối với hệ thống thông tin này được giao cho lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM, trực tiếp là lực lượng ANM thuộc Bộ Công an, lực lượng Tác chiến Không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng. Để bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước, Luật ANM cũng giao Chính phủ quy định cụ thể việc phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, các bộ, ngành chức năng trong việc thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Ngoài ra, việc ban hành Luật ANM còn nhằm phòng, chống tấn công mạng. Luật ANM là văn bản luật đầu tiên quy định khái niệm của hoạt động “tấn công mạng”. Theo đó, “Tấn công mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử”. Đồng thời, Luật cũng quy định các nhóm hành vi cụ thể liên quan tấn công mạng tại Điều 17, 18, 19, 20 và Điều 21; quy định cụ thể các nhóm giải pháp cụ thể để phòng, chống tấn công mạng, quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan chức năng, chủ quản hệ thống thông tin.

Theo quy định của Luật ANM, Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện công tác bảo vệ ANM đối với thông tin, hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý và phối hợp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về ANM của Bộ, ngành, địa phương./.

Hồng Anh (lược ghi Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích