Tiếng Việt | English

02/01/2020 - 14:29

Bến Lức: Cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp

Tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An các cơ quan, đơn vị quan tâm, nắm bắt tình hình, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN) và có nhiều sáng kiến, cách làm hay, thiết thực trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp đối với người dân, DN.

Trên 98% hồ sơ giải quyết đúng hẹn

Anh Lê Công Thân, ngụ ấp Voi Lá, xã Long Hiệp, vừa đến Trung tâm Hành chính công (TTHCC) huyện thực hiện thủ tục chuyển nhượng đất đai. Được hỏi có hài lòng với cung cách phục vụ của cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa” hay không, anh Thân chia sẻ: “Rất hài lòng qua thái độ giao tiếp, phục vụ của công chức, viên chức. Đặc biệt, nếu người thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) chưa hiểu rõ các thủ tục sẽ được hướng dẫn rất tận tình. Đây là một trong những chuyển biến rõ nét ở bộ phận “một cửa” tại Bến Lức”.

Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công huyện Bến Lức

Theo Giám đốc TTHCC huyện - Đặng Cửu Long, tháng 3/2018, huyện đưa vào vận hành trung tâm, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân và DN. Hiện nay, trung tâm thực hiện Quy chế xin lỗi cá nhân, tổ chức về việc sai sót, quá hạn trong giải quyết TTHC trên địa bàn huyện. Đồng thời, trung tâm tăng cường hoạt động khảo sát, lấy ý kiến người dân, DN, đánh giá các kết quả khảo sát và đề ra các giải pháp chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân, DN. Qua đó, thái độ giao tiếp, phục vụ của công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tốt. Năm 2019, mức độ hài lòng đối với hoạt động của trung tâm đạt trên 98,8%, tăng hơn 4% so với năm 2018.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận từ 200-300 hồ sơ. Năm 2019, trung tâm tiếp nhận trên 42.000 hồ sơ giải quyết TTHC, gấp đôi so với năm 2018, trong đó, giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 98,13%, tăng hơn 4% so với năm 2018; hồ sơ quá hạn trên 1,7%. Theo ghi nhận, tại Bến Lức, hồ sơ TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai và giao dịch bảo đảm có số lượng hồ sơ giải quyết nhiều nhất, hồ sơ giải quyết trễ hạn thuộc lĩnh vực đất đai.

Ông Đặng Cửu Long cho biết, năm 2020, trung tâm tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc việc giải quyết hồ sơ TTHC bảo đảm đúng thời hạn, giảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn; đồng thời, phối hợp Bưu điện huyện tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

“Ngày không hẹn” ở Nhựt Chánh 

Phó Chủ tịch UBND xã Nhựt Chánh - Phan Minh Trung chia sẻ, mô hình Ngày không hẹn được UBND xã thực hiện từ năm 2014. Mô hình này được thực hiện theo chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện nhằm giảm thời gian thực hiện TTHC của người dân và tổ chức. Theo đó, tại UBND xã, mỗi cán bộ, công chức đều đăng ký thực hiện giải quyết hồ sơ hành chính lĩnh vực mình phụ trách theo phương châm “3 không”: Không trễ hẹn, không gây phiền hà, không bổ sung hồ sơ quá 2 lần. Đặc biệt, vào ngày thứ hai hàng tuần, người dân và tổ chức đến làm các loại hồ sơ hành chính tại bộ phận “một cửa”, nếu mang đầy đủ các loại giấy tờ sẽ được giải quyết xong trong ngày. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (sinh năm 1965, ngụ ấp 1, xã Nhựt Chánh) đến bộ phận “một cửa” của xã để thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh. Chị Thanh Thủy cho biết: “Trước đây, giấy khai sinh của tôi chỉ thể hiện năm sinh, không thể hiện ngày, tháng. Nay tôi đến bộ phận “một cửa” UBND xã thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh có đầy đủ ngày, tháng, năm sinh để thuận tiện cho các giao dịch khác khi cần. Là người dân nông thôn không hiểu biết nhiều về thủ tục giấy tờ, khi đến liên hệ tại bộ phận “một cửa”, tôi được cán bộ tại đây hướng dẫn rất nhiệt tình, tiết kiệm được thời gian”.

Người dân được hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính tại xã Nhựt Chánh

Người dân được hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính tại xã Nhựt Chánh

Năm 2019, bộ phận “một cửa” UBND xã Nhựt Chánh tiếp nhận gần 5.500 hồ sơ giải quyết các TTHC, trong đó lĩnh vực chứng thực gần 4.200 hồ sơ, hộ tịch khoảng 1.300 hồ sơ. Ngoài ra, tại bộ phận “một cửa” còn thực hiện liên thông với huyện giải quyết 269 hồ sơ. Hầu hết hồ sơ thực hiện TTHC tại xã đều đúng hẹn, rất ít hồ sơ trễ hẹn.

Ông Phan Minh Trung cho biết thêm, ngoài mô hình Ngày không hẹn, năm 2018, Nhựt Chánh còn phát động mô hình Nụ cười công sở, 6 biết với phương châm “6 biết”: Biết chào hỏi, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết cảm ơn và biết xin lỗi. Các mô hình này nhằm thực hiện tốt văn hóa công sở, tạo mối quan hệ, giao tiếp ngày càng tốt hơn giữa cán bộ, công chức với nhau và cán bộ, công chức với nhân dân, tổ chức.

Phục vụ nhân dân, thu hút đầu tư

Chủ tịch UBND huyện - Trần Văn Tươi cho biết, Bến Lức xác định, để thúc đẩy phát triển KT-XH trong bối cảnh nguồn lực địa phương chưa đủ mạnh, việc kêu gọi đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến quá trình phát triển chung của toàn huyện. Do đó, huyện luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư với phương châm “thành công của nhà đầu tư là thành công của huyện”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 1.870 DN và chi nhánh trong nước đăng ký hoạt động với tổng vốn đầu tư 22.261 tỉ đồng; 107 DN đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 1,2 tỉ USD. Đồng thời, dân số trên địa bàn khoảng 180.000 người nên nhu cầu về giải quyết TTHC rất lớn. Để tạo điều kiện cho các DN trong và ngoài nước đầu tư vào huyện Bến Lức cũng như phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, lãnh đạo huyện xác định, CCHC là mục tiêu trọng tâm. Theo đó, huyện tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó lấy “yếu tố con người” là trọng tâm để thực hiện đột phá trong cải cách, gắn với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức từ lãnh đạo đến chuyên viên, trên mọi cương vị công tác phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, nêu cao tinh thần vượt qua khó khăn, đoàn kết, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, từ lời nói đến hành động.

UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành huyện và UBND cấp xã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chương trình CCHC. Trong đó, tăng cường phối hợp các đoàn thể tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích; tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát chuyên đề, đặc biệt chú trọng kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành CCHC và Quy tắc ứng xử, thực thi công vụ trên địa bàn huyện; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu hoặc gây khó khăn cho người dân và DN của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị có sự quan tâm, nắm bắt tình hình, nhu cầu của người dân, DN và đề ra nhiều mô hình sáng kiến, cách làm hay, thiết thực trong công tác CCHC. Trong đó, có những mô hình phát huy hiệu quả, được người dân tiếp nhận và phản hồi tốt cần nhân rộng áp dụng đến nhiều đơn vị khác như mô hình 3 trong 1 của Phòng Tư pháp phối hợp Phòng Nội vụ được áp dụng từ năm 2010 đến nay. Đây là sự kết hợp 3 thủ tục đăng ký “Khai sinh, nhập hộ khẩu và đăng ký cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” tại UBND các xã, thị trấn; một trong những mô hình được người dân hết sức hoan nghênh, đồng tình và được nhân rộng trong toàn tỉnh, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1299/QĐ-TTg, ngày 04-8-2014. Xã Thanh Phú có mô hình Trả thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tận nhà do công chức Lao động - Thương binh và Xã hội xã trao tận nhà cho người dân;...

Ngoài ra, Bến Lức còn thường xuyên thực hiện các hoạt động đối thoại với DN bằng nhiều hình thức để tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ chính đáng của DN. Đặc biệt, tháng 4/2017, Chi hội DN trẻ huyện Bến Lức ra mắt và đi vào hoạt động. Đây cũng là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh thành lập chi hội DN trẻ cấp huyện. Chi hội DN trẻ huyện duy trì họp mặt DN 2 tuần/lần với hình thức Cafe doanh nhân. Đây là nhịp cầu để huyện nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của DN. Qua đó, huyện cũng hiểu rõ hơn về những khó khăn của các DN để có hướng hỗ trợ DN. Mặt khác, lãnh đạo huyện thường xuyên đi công tác cơ sở để nắm bắt thông tin và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN.

Ông Trần Văn Tươi cho rằng, những mô hình CCHC ở các xã, đơn vị cấp huyện chính là “hạt giống đỏ” để từng đơn vị, địa phương trong huyện chủ động hơn nữa việc tham khảo, áp dụng nhân rộng phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, địa bàn. Với những nỗ lực trong cách triển khai, người dân, DN trên địa bàn huyện đang đặt niềm tin chính quyền sẽ thực hiện tốt công tác CCHC, hoạt động của bộ máy chính quyền cũng như năng lực cạnh tranh được nâng cao, là điều kiện tốt để thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả hơn./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết