Tiếng Việt | English

28/02/2017 - 17:13

Bến Lức: Tổng kết mô hình canh tác lúa hiệu quả, bền vững, giảm phát thải

Qua đánh giá, mô hình giảm được 30kg giống/ha so với ruộng đối chứng; năng suất cao hơn ruộng đối chứng 0,5 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng hơn 2 triệu đồng/ha.


Đại biểu và nông dân dự buổi tổng kết

Ngày 28/02/2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An phối hợp Ban Quản lý Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (gọi tắt là VFD) tỉnh Long An tổ chức tổng kết mô hình “Canh tác lúa hiệu quả, bền vững, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu” tại ấp 8, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Đến dự có ông Brian Bean – Đồng Giám đốc Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam, ông Nguyễn Công Chức – Trưởng Hợp phần thích ứng của VFD, ông Trịnh Hoàng Việt – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, đại diện các ban, ngành, đoàn thể huyện, xã, cùng gần 50 hộ nông dân trong xã.

Mô hình được trình diễn tại hộ ông Nguyễn Văn Bé trên diện tích 0,5ha, lượng giống sạ 120kg và chọn diện tích 0,5ha làm đối chứng, lượng giống sạ 150kg, cùng sử dụng giống lúa RVT.

Trong quá trình tham gia mô hình, các hộ dân được hướng dẫn lý thuyết và thực hành ra đồng theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa từng giai đoạn theo quy trình “1 phải, 6 giảm”. Được sự hỗ trợ của Dự án, mô hình trình diễn đã sử dụng phân hữu cơ sinh học – Tabimix 2, chế phẩm phân hủy rơm rạ - Sumitri, nấm trắng, xanh – thiên địch tàng hình để giảm phát thải khí nhà kính, an toàn cho môi trường và người sử dụng.


Tham quan thực tế tại mô hình trình diễn

Qua đánh giá, mô hình giảm được 30kg giống/ha so với ruộng đối chứng. Năng suất cao hơn ruộng đối chứng 0,5 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng hơn 2 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, mô hình trình diễn còn bố trí các mật độ sạ giống như: 80kg/ha, 100kg/ha, 120kg/ha, 180kg/ha để giúp nông dân dễ so sánh, đánh giá kết quả giữa ruộng trình diễn và ruộng đối chứng.

Thông qua mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật, làm thay đổi một số thói quen canh tác cũ như sạ trừ hao lúa chết, trừ hao ốc ăn, … Đồng thời, dựa trên kết quả đánh giá này để xây dựng và nhân rộng mô hình ở những nơi đủ điều kiện, liên kết sản xuất xây dựng cánh đồng lớn gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần cùng nông dân chuyển đổi cách sản xuất lúa theo hướng hiệu quả, bền vững./.

Lê Hạnh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích