Tiếng Việt | English

08/02/2019 - 14:05

Bến Lức tự tin hội nhập

Huyện Bến Lức, tỉnh Long An là vùng đất anh hùng trong thời kỳ chiến tranh cũng như trong thời kỳ đổi mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đang chung sức dựng xây một hình ảnh mới hơn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó là một Bến Lức giàu tiềm năng về quỹ đất, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, là “đất lành” cho nhà đầu tư chọn làm bến đỗ.

Thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành tuyến đường kết nối từ Khu công nghiệp Thuận Đạo đến Đường tỉnh 830 - tuyến đường có vai trò kết nối các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đến Cảng Quốc tế Long An

Thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành tuyến đường kết nối từ Khu công nghiệp Thuận Đạo đến Đường tỉnh 830 - tuyến đường có vai trò kết nối các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đến Cảng Quốc tế Long An

Vươn mình lớn mạnh

Kết thúc năm 2018 (sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI), Bến Lức được đánh giá là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc. Theo đó, tăng trưởng kinh tế 17,8% so với năm 2017. Tổng giá trị sản xuất (GO) trên địa bàn năm 2018 đạt gần 83.200 tỉ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - xây dựng (khu vực II), chiếm 88,47% (đạt giá trị 73.590 tỉ đồng), chiếm khoảng 32% so với toàn tỉnh. 

Chia sẻ về kết quả phát triển KT-XH năm 2018, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho rằng: “Để đạt kết quả trên, chúng tôi nỗ lực rất nhiều và thẳng thắn nhìn nhận, khắc phục hạn chế, khuyết điểm của năm 2017. Lãnh đạo huyện, các ngành liên quan luôn lắng nghe, kịp thời giải quyết những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện nghị quyết, chỉ tiêu về phát triển KT-XH trong năm. Đặc biệt, lãnh đạo huyện định kỳ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp (DN) để lắng nghe và kịp thời giải quyết các kiến nghị”.

Với những hành động thiết thực trên, Bến Lức tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng. Về thu hút đầu tư, năm 2018, có 209 DN, chi nhánh trong nước và DN nước ngoài (FDI) đăng ký thành lập, tổng vốn đăng ký 1.879 tỉ đồng, trong đó có gần 97% là DN trong nước. Như vậy, hiện nay, toàn huyện có gần 1.620 DN trong nước với tổng vốn đăng ký 20.728 tỉ đồng và 96 DN FDI với tổng vốn đăng ký 1,2 tỉ USD, chiếm 20% vốn FDI toàn tỉnh. Đặc biệt, nhiều DN trước đây gặp khó khăn, nay phục hồi hoạt động. Bên cạnh việc tiếp nhận các DN mới, nhiều DN trên địa bàn huyện ngày càng tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng giá trị sản xuất, tăng nguồn thu ngân sách. Nhờ đó, tổng thu ngân sách của huyện năm 2018 đạt 545 tỉ đồng, đạt 110,9% so với dự toán pháp lệnh và 106,3% dự toán phấn đấu. 

Bản đồ quy hoạch Bắc Bến Lức

Bản đồ quy hoạch Bắc Bến Lức

Công ty Cổ phần Sản xuất thép VinaOne là một điển hình trong tăng trưởng sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường về chất lượng, thời gian gần đây, VinaOne đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín, hiện đại để sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn ASTM của Mỹ, JIS của Nhật Bản. Với cách đầu tư bài bản về công nghệ, hiện VinaOne trở thành nhà máy sản xuất thép hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh VinaOne, Bến Lức còn có nhiều DN khác: Công ty TNHH Hòa Thành Long An, Công ty Cổ phần Hóa dầu MeKong, các khu, cụm công nghiệp (K,CCN),... ngày càng lớn mạnh, kinh doanh hiệu quả, đóng góp vào giá trị sản xuất của huyện.

Tự tin hội nhập

Bến Lức là huyện trọng điểm của tỉnh, có lợi thế trên 1.282ha đất quy hoạch sản xuất công nghiệp phân bổ cho 11 K,CCN. Theo ông Trần Văn Tươi, thời gian qua, huyện thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên thu hút mạnh nhà đầu tư và dòng vốn đầu tư vào các K,CCN trên địa bàn. Tỷ lệ lấp đầy KCN trên địa bàn huyện đạt 81,35%. Bên cạnh đó, diện mạo của huyện ngày một khang trang, hiện đại hơn bởi các tuyến giao thông do Trung ương, tỉnh đầu tư có tính chất kết nối liên vùng như Đường tỉnh 830 (Bến Lức - Tân Lập), Đường tỉnh 830 (Bến Lức - Đức Hòa) đầu tư theo hình thức BOT, Đường tỉnh 816, 833B,... đã tạo nên lợi thế so sánh để DN tìm đến đầu tư.

Theo nhận định của nhiều nhà đầu tư, Long An được đánh giá có lợi thế lớn thu hút đầu tư, trong đó Bến Lức được chú ý bởi có vị trí địa lý giáp TP.HCM. Đặc biệt hơn, khi Bến Lức được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch khu vực phía Bắc, huyện có sức hấp dẫn hơn, nhiều nhà đầu tư chọn là “bến đỗ”, khu vực này được quy hoạch với tổng diện tích 18.981ha, thuộc 6 xã: Tân Hòa, Lương Hòa, Lương Bình, Bình Đức, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi và khu vực phía Bắc 2 xã: Tân Bửu, An Thạnh. Với quy hoạch như thế, chắc chắn Bến Lức tiếp tục được đánh thức tiềm năng. Bằng chứng là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận KCN Thịnh Phát được mở rộng với diện tích 112,8ha tại xã Lương Bình; đồng thời bổ sung 2 KCN mới vào quy hoạch phát triển KCN của tỉnh với diện tích 650ha. Cả 2 KCN này đều tại xã Lương Hòa và Tân Hòa. Ngoài ra, UBND tỉnh còn cho chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch Bắc Bến Lức ở các xã phía Tây sông Vàm Cỏ Đông gồm 3 xã: Bình Đức, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi để phát triển khu dân cư, đô thị, thương mại ven sông, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa 2 vùng phía Đông và phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy Công ty CP Sản xuất thép VinaOne là một điển hình doanh nghiệp sản xuất lớn, kinh doanh hiệu quả, đóng góp vào giá trị sản xuất của huyện

Hoạt động sản xuất tại nhà máy Công ty CP Sản xuất thép VinaOne là một điển hình doanh nghiệp sản xuất lớn, kinh doanh hiệu quả, đóng góp vào giá trị sản xuất của huyện

Ông Trần Văn Tươi chia sẻ: “Hiện có không ít nhà đầu tư đến từ các tập đoàn lớn chọn huyện để đầu tư nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều vào phát triển KCN, đô thị, thương mại, dịch vụ. Khi thực hiện các dự án này, chắc chắn chúng tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều nhưng vì mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững, môi trường sống văn minh, hiện đại, Bến Lức sẽ luôn đồng hành cùng nhà đầu tư thực hiện đến cùng mục tiêu đề ra trong thời gian tới. Thực hiện tốt mục tiêu này, chắc chắn Bến Lức sẽ tăng thêm cơ hội phát triển về kinh tế. Bến Lức hôm nay tự tin hội nhập với sắc vóc mới”./.

Quy hoạch sử dụng đất huyện Bến Lức hiện hữu có 2.077ha đất khu, cụm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Quy hoạch đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt có 3.547ha trong đó đất công nghiệp tăng 1.470ha, khu vực Bắc Bến Lức 1.440ha. 

Dân cư đô thị hiện hữu đến năm 2018 có 2.843ha đất ở nông thôn và đô thị (nông thôn 2.648ha, đất đô thị 229ha). Quy hoạch đến năm 2020 có 4.016ha, tăng 1.172ha, trong đó khu vực Bắc Bến Lức có chỉ tiêu 610ha để tiếp nhận các nhà đầu tư mới.

Riêng quy hoạch Bắc Bến Lức đến năm 2025 có quy mô 4.700ha đất công nghiệp, 1.610ha dân cư đô thị, thương mại...). Hiện nay, UBND tỉnh cho chủ trương điều chỉnh phần diện tích phía Tây sông Vàm Cỏ để tiếp nhận một số nhà đầu tư lớn, có năng lực như Tập đoàn VinGroup, Ecopland, Vsip... và quy hoạch thêm một số cầu bắc qua sông Vàm Cỏ nhằm thúc đẩy phát triển các xã phía Tây với đường vành đai 4 (ĐT 830) và kết nối TP.HCM.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết