Tiếng Việt | English

28/06/2017 - 19:37

Bệnh ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa

Bên cạnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung (UTCTC) cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ (PN). Hiện nay, với các biện pháp tầm soát hiện đại, tỷ lệ chính xác cao, PN có đủ khả năng chủ động bảo vệ bản thân trước nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe từ căn bệnh này.

Nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe phụ nữ

Quyền Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Long An - bác sĩ Đào Kim Ngân thông tin, virus HPV được xác định là nhóm nguyên nhân chính dẫn đến UTCTC. Virus HPV rất dễ lây và chủ yếu lây lan qua đường tình dục. Tất cả PN đang có sinh hoạt tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV. Bên cạnh đó, một số yếu tố được xem là tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển UTCTC: Hoạt động tình dục sớm (trước 18 tuổi), quan hệ với nhiều người, hút thuốc lá và tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục,...

Phụ nữ nên đến cơ sở y tế tư vấn và tầm soát định kỳ nhằm phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc UTCTC cao là nhiều PN vẫn còn chủ quan, ý thức phòng bệnh chưa cao. Trong khi UTCTC có thể xảy ra với bất kỳ PN nào, hay gặp nhất là trong độ tuổi từ 20-45. Đây cũng là giai đoạn cực kỳ quan trọng với nữ giới vì bắt đầu làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình và con nhỏ, phấn đấu trong sự nghiệp của bản thân. Vì vậy, chủ động ngăn ngừa và tầm soát UTCTC là vô cùng cần thiết. Chị Trần Thị Loan (sinh năm 1978, ngụ xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Từ trước đến giờ, tôi chủ quan, không quan tâm đến việc khám phụ khoa. Cách đây khoảng 5 năm, tôi có dấu hiện bất thường nên được bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm PAP để tầm soát UTCTC. May mắn, tôi chỉ viêm nhiễm thông thường và được điều trị khỏi hẳn. Từ đó, tôi thấy được tầm quan trọng của việc xét nghiệm, tầm soát ung thư, bảo vệ sức khỏe bản thân và không trở thành gánh nặng cho gia đình”.

Chủ động tầm soát ung thư

Cũng theo bác sĩ Đào Kim Ngân, để tầm soát UTCTC, PN cần thực hiện phết tế bào CTC - PAP Smear. Phết tế bào CTC được chỉ định trong những trường hợp: Kiểm tra định kỳ cho tất cả PN đã quan hệ tình dục, phát hiện thấy những tổn thương ở CTC khi khám phụ khoa và khi có yếu tố nghi ngờ UTCTC như xuất huyết âm đạo bất thường,...

Bên cạnh đó, xét nghiệm UTCTC với độ nhạy cao (Thin-Prep PAP) ngày càng được ưa chuộng vì đây là bước cải tiến vượt bậc so với phương pháp PAP Smear truyền thống. Đây là phương pháp xét nghiệm thông qua công nghệ chuyển tế bào có kiểm soát bằng màng lọc giúp tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện các tế bào tiền ung thư.

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Long An triển khai phương pháp PAP Smear và Thin-Prep PAP. Bên cạnh đó, một số trung tâm y tế tuyến huyện, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đều có triển khai các phương pháp tầm soát UTCTC. Ngoài ra, việc tầm soát UTCTC cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng của Chiến dịch Truyền thông vận động lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh. Chị Ngô Thị Ngọc Nhung (ấp 3, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước) cho biết, nhờ biết sự cần thiết của việc tầm soát ung thư mà trong các đợt chiến dịch, chị đều tham gia để được kiểm tra sức khỏe sinh sản, trong đó có tầm soát UTCTC.

Ngoài ra, tiêm ngừa HPV cũng là một trong những phương pháp được nhiều PN lựa chọn. Tiêm ngừa giúp hệ miễn dịch cơ thể nhận diện và tiêu hủy virus HPV trước khi virus xâm nhập vào CTC gây bệnh, hoặc trước khi bệnh tiến triển hoàn toàn. Hiện nay, vắc-xin chủng ngừa UTCTC dùng được cho nữ từ 9-25 tuổi. Bên cạnh đó, hàng năm, tỷ lệ mắc bệnh UTCTC ngày càng cao. Tiêm chủng HPV có thể ngăn ngừa UTCTC, đặc biệt, nếu được tiêm trước khi tiếp xúc với virus thì có thể ngăn ngừa UTCTC ở hầu hết PN. Hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng Long An triển khai tiêm ngừa vắc-xin ngừa virus HPV cho nữ giới.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng thông tin: “Nhằm phòng ngừa UTCTC, các cặp vợ chồng cần chung thủy 1 vợ - 1 chồng. Khi tiêm ngừa HPV, các bé gái từ 10-12 tuổi trở lên, đa số chưa tiếp xúc với virus HPV sẽ đạt miễn dịch mạnh nhất để phòng bệnh. Với những PN từ 20-25 tuổi mà chưa kết hôn vẫn có thể tiêm ngừa, nhưng hiệu quả của vắc-xin sẽ giảm đi 1,5 lần. Với những PN trong độ tuổi tiêm phòng HPV hay trên độ tuổi tiêm phòng nhưng đã quan hệ tình dục thì vẫn tiêm được nhưng hiệu quả sẽ giảm xuống. Để đạt lợi ích hoàn toàn của việc tiêm ngừa HPV, PN cần tiêm đủ 3 mũi vắc-xin HPV trước khi có quan hệ tình dục. Về thời gian tiêm, mũi tiêm thứ 2 cách mũi thứ nhất từ 1-2 tháng và mũi tiêm thứ 3 cách mũi tiêm thứ nhất 6 tháng. Năm 2016, tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có 1.076 PN tiêm ngừa HPV, đến tháng 6/2017 là 547 PN.

Test VIA (quan sát cổ tử cung bằng mắt thường với acid acetic) tại Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình

Bệnh UTCTC gây ảnh hưởng nặng nề đến việc sinh sản, nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của PN. Vì vậy, PN nên tiêm vắc-xin HPV để phòng ngừa bệnh UTCTC và tầm soát định kỳ nhằm phòng ngừa và phát hiện sớm UTCTC để điều trị kịp thời./.

- Theo thông tin từ Hội Y học dự phòng Việt Nam, UTCTC là một trong những bệnh ung thư phụ khoa thường gặp ở PN trong độ tuổi 35 trở lên. Tỷ lệ UTCTC đang ở mức báo động ở các nước đang phát triển, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Tại nước ta, ước tính cứ 100.000 PN thì có 20 trường hợp mắc bệnh và 11 trường hợp tử vong.

- Tại Long An, những năm gần đây, việc tầm soát UTCTC cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Chiến dịch Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đợt I/2017 của ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Kết thúc đợt 1 của chiến dịch, toàn tỉnh có 11.830/16.700 PN được xét nghiệm, tầm soát UTCTC.

- Đặc biệt, từ năm 2017, PN tham gia tầm soát UTCTC tại Chiến dịch Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình được thực hiện test VIA (quan sát cổ tử cung bằng mắt thường với acid acetic). Đây là phương pháp sàng lọc hiệu quả và ít tốn kém. Nguyên tắc và cách thực hiện VIA rất đơn giản. Dùng dung dịch acid acetic loãng (3-5%) bôi vào CTC, quan sát bằng mắt thường sau 1 phút, dung dịch acid acetic sẽ làm đông kết protein tế bào tiền ung thư tạo phản ứng trắng trên bề mặt CTC và có thể quan sát bằng mắt thường. Với xét nghiệm VIA, kết quả sàng lọc được trả lời ngay, giảm số lần quay trở lại nhận kết quả. Đây là phương pháp không đòi hỏi kinh phí cao, được thực hiện ngay tại những cơ sở y tế có trang thiết bị đơn giản như trạm y tế xã, phường, thị trấn. Từ đó, giúp nhiều PN có cơ hội tầm soát UTCTC nhiều hơn.

Ngọc Mận-Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết