Tiếng Việt | English

06/11/2015 - 06:32

Bị cáo tham nhũng nghìn tỷ tại Agribank lĩnh án chung thân

Chiều 5/11, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên các mức án cho 11 bị cáo trong vụ án làm thất thoát 966 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6 (Agribank Chi nhánh 6).


Các bị cáo nghe tòa tuyên án   Ảnh: Dân Trí

Hội đồng xét xử tuyên phạt Dương Thanh Cường mức án chung thân đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, mức án chung thân với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; tổng hợp hai mức án là chung thân. Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc bị cáo Dương Thanh Cường bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của Agribank trong vụ án này là hơn 1.100 tỷ đồng.

Theo Hội đồng xét xử, bằng thủ đoạn tinh vi, Dương Thanh Cường cùng đồng bọn đã hai lần dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ, 23 giấy chứng nhận đất tại Bình Chánh để thế chấp tại Agribank Chi nhánh 6 với số tiền gần 800 tỷ đồng. Sau đó, Cường chỉ đạo cấp dưới đến Agribank Chi nhánh 6 để mượn lại các giấy chứng nhận này và tiếp tục thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) để vay tiền. Hội đồng xét xử cho rằng, qua chứng cứ và quá trình xét hỏi tại phiên tòa, hành vi phạm tội của Dương Thanh Cường đã rõ. Bị cáo Dương Thanh Cường từng bị phạt tù 20 năm vì các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Trốn thuế” nhưng sau khi ra tù trước thời hạn, không những không ăn năn hối cải mà tiếp tục thực hiện các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác với tính chất chuyên nghiệp.


“Siêu lừa” Dương Thanh Cường vừa bị tuyên 2 án tù chung thân   Ảnh: Dân Trí

Đối với nhóm đối tượng “giúp sức” Cường trong vụ án này, Hội đồng xét xử tuyên phạt Thái Cường - nguyên Tổng Giám đốc và Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; Lê Sơn Hùng 9 năm tù tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Phạm Hoàng Thọ 4 năm tù về tội “Không tố giác tội phạm” - cả 2 đều nguyên là Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - xây dựng thương mại Thanh Phát.

Đối với nhóm cán bộ Agribank Chi nhánh 6, Hội đồng xét xử cho rằng, dù biết các dự án của Thanh Cường chưa được cấp phép, tài sản thế chấp không đủ điều kiện bảo đảm nhưng Giám đốc Agribank Chi nhánh 6 Hồ Đăng Trung và các cán bộ cấp dưới đã bỏ qua các quy định, cho vay cả trăm tỷ đồng và bị Cường chiếm đoạt. Khi Cường mượn giấy chứng nhận tài sản thế chấp, Hồ Văn Long (nguyên Trưởng phòng Tín dụng Agribank Chi nhánh 6) cùng ba cán bộ tín dụng là Trương Quốc Bảo, Trương Nhật Quang và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy không giám sát tài sản cho mượn, tạo điều kiện cho Cường chiếm đoạt mang sang ngân hàng khác vay tiền.

Hội đồng xét xử tuyên phạt Hồ Đăng Trung, nguyên Giám đốc Chi nhánh mức án 20 năm tù; Hồ Văn Long 19 năm tù; Trương Quốc Bảo 12 năm tù; Trương Nhật Quang 12 năm tù; Nguyễn Hoàng Quốc Thụy 9 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương Lê Thành Công bị tuyên phạt mức án 13 năm về tội “Lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản”; 12 năm về tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tổng hình phạt là năm 25 năm tù. Bị cáo Đỗ Trọng Nhân - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Siêu mẫu Việt, người được xác định đã giúp sức cho Lê Thành Công thực hiện hành vi phạm tội nhận mức án 8 năm tù cho tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.


Bị cáo Lê Thành Công - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương bị tuyên phạt 25 năm tù. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Đáng chú ý, Hội đồng xét xử cũng khởi tố vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại Agribank Việt Nam. Hội đồng xét xử cho rằng, căn cứ vào vào kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Agribank Việt Nam có dấu hiệu lạm quyền trong khi thi hành công vụ khi tự ý cho mình quyền nâng hạn mức cho vay tại các chi nhánh, dẫn đến việc các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, trả lời tại tòa ngày 4/11, ông Nguyễn Thế Bình, nguyên Tổng giám đốc Agribank Việt Nam cho biết, quyết định nâng cấp hạn mức có thể được Hội đồng Quản trị ngân hàng cấp nhưng việc cho vay thế nào hoàn toàn là trách nhiệm của Giám đốc chi nhánh. Theo ông Bình, việc lựa chọn hồ sơ, đánh giá khả năng của khách hàng hoàn toàn do Chi nhánh làm còn Tổng Giám đốc của ngân hàng chỉ căn cứ vào tờ trình thì không thể đánh giá được; Tổng Giám đốc không có quyền đồng ý hay bác tờ trình của Giám đốc các chi nhánh.

Đối với tranh chấp tài sản giữa Agribank Việt Nam và Ngân hàng Phương Nam, Hội đồng xét xử tuyên Ngân hàng Agribank Việt Nam được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án trả lại 13 tài sản mà bị cáo Dương Thanh Cường mang đến ngân hàng thế chấp. Ngân hàng Phương Nam được trả lại 23 tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện Bình Chánh.

Theo cáo trạng, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc di dời những nhà máy xí nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố về các khu công nghiệp, Công ty Dệt kim Đông Phương đã ký hợp đồng với Công ty Phương Nam để hợp tác xây dựng trung tâm thương mại tại số 10 Âu Cơ. Sau đó, Công ty Phương Nam thông báo cho Công ty Dệt kim Đông Phương biết đã chuyển 80% cổ phần thực hiện dự án cho Công ty Bình Phát. Lợi dụng việc thực hiện dự án, từ tháng 10/2010, nhóm các doanh nghiệp và cán bộ Ngân hàng Agribank Chi nhánh 6 đã có hàng loạt vi phạm pháp luật, gây thất thoát cho Nhà nước tổng số tiền lên tới hơn 966 tỉ đồng (tính đến thời điểm khởi tố vụ án vào 9/2012)./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết