Tiếng Việt | English

06/01/2017 - 09:29

Bí thư Tỉnh ủy Long An – Phạm Văn Rạnh: Tham nhũng phải được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi

Thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), năm 2016, công tác PCTN, lãng phí trên địa bàn tỉnh đạt một số kết quả. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh về vấn đề trên.


Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh

° PV: Xin ông vui lòng cho biết, điều gì ông cảm thấy hài lòng và chưa hài lòng về kết quả thực hiện PCTN, lãng phí trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Phạm Văn Rạnh: Với quyết tâm của Đảng bộ, sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, công tác PCTN, lãng phí của tỉnh đạt một số kết quả thể hiện trên các lĩnh vực:

Các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên tổ chức tốt việc tuyên truyền với hình thức phong phú, trong đó có thi tìm hiểu pháp luật về PCTN. Qua đó, nhận thức của cán bộ, công chức, đảng viên về PCTN được nâng lên, góp phần quan trọng trong đấu tranh ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện đồng bộ, kết quả các giải pháp PCTN theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Kế hoạch số 28-KH/TU của Tỉnh ủy mang lại những kết quả khả quan.

Cụ thể, cải cách thủ tục hành chính được tập trung thực hiện, từ đó, tham nhũng trên một số lĩnh vực được kiềm chế. Long An đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật.

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện quyền tự chủ, chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc biểu dương, khen thưởng các nhân tố tích cực trong công tác PCTN, lãng phí được thực hiện kịp thời. Các chế độ định mức, tiêu chuẩn mua sắm tài sản công, quy hoạch, đào tạo được thực hiện công khai, minh bạch trong các cơ quan, đơn vị,...

Việc công khai tài sản, thu nhập theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện công khai tại cơ quan, đơn vị; không có trường hợp nào phải xác minh tài sản, thu nhập.

Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đặc biệt thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, tạo thuận lợi cho công dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Các cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, địa phương. Việc chuyển vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định 158/2007/NQ-CP của Chính phủ được các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố quan tâm thực hiện; việc thanh toán tiền lương, thu nhập qua tài khoản thực hiện tốt. Thời gian qua, Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí xảy ra trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, tôi vẫn chưa hài lòng trước một số hạn chế của công tác PCTN. Tỉnh ủy thẳng thắn đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Một số đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt một số giải pháp phòng ngừa; việc kê khai tài sản tương đối tốt nhưng chưa thực hiện thẩm tra, xác minh tài sản, thu nhập; chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra ở một số ngành, địa phương chưa thường xuyên.

Vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí được phát hiện, xử lý còn ít, chưa thỏa đáng, gây nghi ngờ trong dư luận. Công tác cán bộ còn bất cập, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, quy định thời gian chuyển đổi và đối tượng cần chuyển đổi còn nhiều khó khăn đối với một số cơ quan, đơn vị.

Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của cơ quan, đơn vị còn yếu, rất ít trường hợp tham nhũng được phát hiện qua phê bình, đấu tranh xây dựng nội bộ. Việc xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý hành chính.

Hiện chưa có cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, do vậy chưa đủ mạnh trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí. Trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao.

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn mang tính hình thức. Tình trạng tham nhũng vặt, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền còn diễn ra ở một số lĩnh vực, gây bất bình trong xã hội.

Việc phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu. Điện thoại đường dây nóng tuy có triển khai nhưng còn nhiều hạn chế, chưa phát huy tác dụng. Cán bộ làm công tác nội chính của cấp huyện chỉ là kiêm nhiệm, không có chế độ, không được tác nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ của công tác nội chính và PCTN. Công tác thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực nội chính và PCTN cũng chưa được quy định cụ thể.


Ngày 12/11/2016, Bí thư Tỉnh ủy – Phạm Văn Rạnh tiếp Đoàn công tác số 7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có buổi kiểm tra, giám sát tỉnh Long An về việc thanh tra; khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ảnh: Phong Nhã

° PV: Vậy nguyên nhân của những hạn chế trên là gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Rạnh: Những nguyên nhân chủ yếu là: Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở, dễ bị lợi dụng. Bộ máy hành chính còn cồng kềnh; phân công, phân cấp chưa thật rõ ràng, rành mạch; cải cách hành chính chưa tốt.

Quy định về trách nhiệm người đứng đầu thiếu cụ thể, chưa khuyến khích họ tích cực, chủ động trong phát hiện, xử lý tham nhũng xảy ra trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.

Nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền chưa phát huy được hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong công tác đấu tranh PCTN. Vai trò của các cơ quan dân cử, truyền thông và nhân dân trong PCTN chưa được phát huy đầy đủ.

° PV: Ông có thể cho biết thêm về phương hướng, nhiệm vụ PCTN, lãng phí trong thời gian tới?

Ông Phạm Văn Rạnh: Để thực hiện hiệu quả công tác PCTN, lãng phí với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật nhằm tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong công tác PCTN, lãng phí tập trung vào những nhiệm vụ: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác PCTN, lãng phí, phát huy vai trò người đứng đầu; xem kết quả công tác PCTN là tiêu chí để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi tổ chức Đảng, năng lực quản lý và điều hành của chính quyền.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN, lãng phí. Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thường xuyên mở chuyên trang, chuyên mục nhằm huy động toàn xã hội vào cuộc trong đấu tranh PCTN.


Báo Long An thường xuyên mở chuyên trang, chuyên mục nhằm huy động toàn xã hội vào cuộc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Đức Thuận

Tập trung thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, đây là một trong những giải pháp căn cơ của phòng ngừa tham nhũng được thể hiện trong các lĩnh vực: Tiếp tục thực hiện tốt công tác kê khai minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định. Thực hiện công tác chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức với các chức danh, lĩnh vực nghề nghiệp phải chuyển đổi theo quy định tại Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công chức, viên chức. Nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ, xử lý công chức, viên chức nhũng nhiễu, vô cảm, tiêu cực.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý vi phạm: Tăng cường kiểm tra, thanh tra PCTN, lãng phí trên một số lĩnh vực nhạy cảm; đôn đốc công tác điều tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Tăng cường giám sát việc xử lý sau thanh tra; xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xem tố cáo là một kênh quan trọng trong phát hiện hành vi tham nhũng. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tham nhũng theo đúng quy chế phối hợp, nhất là giữa các cơ quan Ban Nội chính, Kiểm tra, Thanh tra, Điều tra, Kiểm sát, Tòa án.

Thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương tại Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa nội dung PCTN, lãng phí vào sinh hoạt chi bộ thường kỳ hàng tháng và là tiêu chí phân tích, nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm.

Tăng cường các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; phát huy vai trò của UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, của báo chí, cử tri và nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức và cá nhân tích cực trong đấu tranh PCTN, lãng phí.

Hiện nay, Trung ương có chủ trương cho phép Ban Nội chính Tỉnh ủy mua tin chống tham nhũng từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng/tin tùy theo tính chất vụ việc và chất lượng thông tin, tài liệu và để bảo đảm bí mật tuyệt đối cho người cung cấp tin. Hiện Ban Nội chính Tỉnh ủy thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin qua số máy (072)3 667 766.

Từ những kết quả, kinh nghiệm thời gian qua, với ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà, tin tưởng rằng, công tác PCTN thời gian tới tiếp tục có chuyển biến tích cực, tham nhũng phải được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân.

° PV: Xin cảm ơn ông!./.

Hải Đăng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết