Tiếng Việt | English

29/03/2017 - 20:05

Bình An: Phát triển kinh tế gia đình từ rau nhút

Trồng lúa kém hiệu quả vì vùng đất biền thấp trũng, nước ngập quanh năm, do vậy, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ dân ở xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An mạnh dạn chuyển sang trồng rau nhút để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nhớ lại hơn 10 năm trước, rau nhút được một số ít hộ dân xã Bình An trồng tại những nơi đất quá thấp trũng, đê bao không khép kín.

Tuy nhiên, 4 năm trở lại đây, người dân trồng với số lượng nhiều hơn. Hiện tại, toàn xã Bình An có khoảng 20 hộ trồng rau nhút với diện tích gần 10ha, tập trung chủ yếu tại ấp An Hòa 2. Trong đó, có những hộ như ông Nguyễn Văn Chẩn (2ha), ông Thái Văn Trường (trên 1ha),... Một số hộ ở các ấp còn lại chỉ trồng với số lượng không nhiều.

Trồng rau nhút giúp người dân tận dụng được diện tích đất thấp trũng, canh tác lúa kém hiệu quả

Dù chưa mở rộng diện tích trên toàn xã nhưng trồng rau nhút giúp nhiều nông dân cải thiện cuộc sống, có hộ còn vươn lên thoát nghèo như trường hợp bà Lê Thị Ngà (ấp An Hòa 2) trước đây là hộ nghèo, chồng mất sớm, một mình tần tảo nuôi 2 con.

Nhờ mạnh dạn mở rộng diện tích, đến nay, với 6.000m2 trồng rau nhút, bà có nguồn thu nhập ổn định, không còn là hộ nghèo của xã và đủ khả năng lo cho các con ăn học.

Anh Võ Minh Tấn (ấp An Hòa 2) cho biết: “Gia đình tôi hiện đang thu hoạch 5.000m2 rau nhút, chuẩn bị giao cho thương lái tại Long An và TP.HCM. Trung bình mỗi đợt thu hoạch, tôi thuê khoảng 10 nhân công lặt và bó rau. Trồng rau nhút ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, đầu ra lại ổn định, nhất là từ tháng 10 âm lịch trở đi, giá rau tăng cao, có khi đạt 20.000-30.000 đồng/kg. Mỗi tháng, tôi thu hoạch 2 lần, có lúc đạt 1 tấn/5.000m2. Hiện tại, với giá trung bình từ 11.000-12.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu lợi nhuận trên 3 triệu đồng/đợt thu hoạch. Tính ra, lãi gấp 2-3 lần so với trồng lúa trước đây”.

Nhờ trồng rau nhút mà nhiều phụ nữ trong xã có thêm thu nhập từ việc lặt, bó rau thuê. Như trường hợp chị Hà Thị Thu (ấp An Hòa 2), gia đình khó khăn, con gái làm công nhân, nhà lại không có đất sản xuất nên thu nhập của chị hiện nay chủ yếu từ việc lặt rau, bó rau thuê cho các hộ trồng rau trong xã vào đợt thu hoạch. Nếu chịu khó làm, mỗi ngày, chị cũng kiếm được 70.000-80.000 đồng tiền chợ.

Một số phụ nữ có thêm thu nhập nhờ lặt, bó rau nhút thuê

Còn với chị Trần Thị Kim Loan (ấp An Hòa 2) thì 2.000m2 của gia đình chị toàn là đất biền, trồng lúa năm nào cũng “thất” nên chị chuyển sang trồng rau nhút được hơn 4 năm. “Mỗi đợt thu hoạch, trừ chi phí, tôi cũng bỏ túi được trên 2 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn bó rau thuê cho các hộ lân cận để có thêm thu nhập với giá 2.000 đồng/kg. Ngày nào làm nhiều, làm giỏi thì cũng được từ 50.000-100.000 đồng, đủ chi tiêu trong gia đình”.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An - Lê Văn Nâu, năm 2013, các hộ trồng rau nhút trên địa bàn xã còn thành lập được Tổ hội nghề nghiệp trồng rau nhút với 7 thành viên, đến nay, thu hút được 14 thành viên và tiếp tục mở rộng diện tích trồng trọt.

Các thành viên thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu nơi thu mua, hỗ trợ nhau khi thu hoạch,... Hội Nông dân cũng thường xuyên quan tâm, tập huấn, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh, cách trồng đạt năng suất cao,... giúp người dân phát triển kinh tế, đặc biệt là tận dụng được diện tích đất xấu, trồng lúa kém hiệu quả.

Rau nhút là loại rau dễ trồng, ít bị rủi ro về giá. Người trồng chỉ cần nắm vững quy trình kỹ thuật, cắm cọc giữ cho rau không trôi dạt, xử lý phân, thuốc an toàn thì hơn 1 tháng là có thể thu hoạch. Nhờ biến cái bất lợi, đất thấp trũng thành lợi thế trồng rau nhút mà người dân xã Bình An cải thiện được cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết