Tiếng Việt | English

17/08/2016 - 09:44

Bình đẳng giới ở những gia đình nông dân

Dù là những nông dân chân chất, quanh năm lam lũ với ruộng đồng nhưng họ vẫn hiểu rằng, bình đẳng giới là một nhân tố quyết định hạnh phúc gia đình.

Cùng trò chuyện về bình đẳng giới, ông Bùi Thành Trọng, 68 tuổi, ở ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An nói rằng: “Trong nhà, vợ tôi là người đứng chủ hộ chứ không phải tôi. Nhưng tôi không quan trọng việc chồng hay vợ làm chủ hộ vì là vợ chồng thì ai là chủ hộ cũng như nhau”.

Đó là suy nghĩ thoáng, thể hiện sự bình đẳng, tôn trọng vợ của ông Trọng, chứ xã hội bây giờ, còn nhiều đàn ông với suy nghĩ “làm chồng, làm cha, làm trụ cột gia đình thì phải làm chủ hộ”.

Lập gia đình từ năm 1979, khi ông Trọng đang làm Công an xã Đức Tân và vợ là Bí thư Đoàn Thanh niên xã. Đến năm 1981, khi con gái đầu lòng chào đời, vì cuộc sống khó khăn nên vợ chồng ông xin nghỉ, về nhà làm ruộng và chăn nuôi. 3 con gái nữa lần lượt ra đời nên cuộc sống mỗi lúc một khó khăn.

Ông Trọng cho biết: “Cuộc sống tuy nghèo nhưng tôi luôn mong muốn các con học hành đến nơi, đến chốn. Nhiều người còn nghĩ, con gái không cần học nhiều nhưng theo tôi, con gái hay con trai đều phải học hành đàng hoàng để có nghề, mai này ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, 4 cô con gái của tôi bây giờ đều có việc làm, có gia đình riêng hạnh phúc”.

Khi vợ bận việc, ông Bùi Thành Trọng chơi với cháu ngoại để bà an tâm làm việc

Sau mấy năm làm ruộng, nuôi vịt và heo hiệu quả, ông mua đất, cất nhà khang trang. Từ khi các con có cuộc sống riêng, đời sống kinh tế của vợ chồng ông ổn định. Bây giờ, khi tuổi ngày càng cao, 2 vợ chồng ông quây quần trong ngôi nhà ấm áp và lấy công tác xã hội là niềm vui.

Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp nên vợ ông thường đi sinh hoạt, hội họp, tham gia công tác vận động. “Những lúc đó, ông ấy ở nhà trông cháu ngoại, làm việc nhà để tôi đi. Nói chung, ở nhà, 2 vợ chồng đều chia sẻ mọi việc với nhau, nếu ai rảnh thì làm thay người kia. Ngoài ra, mọi việc lúc nào cũng được vợ chồng bàn bạc đi đến thống nhất chứ không tự ý quyết định. Điều này làm cho chồng, vợ đều cảm nhận được sự tôn trọng lẫn nhau trong gia đình” - bà Lê Thị Dựa - vợ ông Trọng chia sẻ.

Vợ chồng chị Trần Thị Thanh Thúy, 38 tuổi, ở ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa cũng là một trong những gia đình thực hiện tốt bình đẳng giới. Việc vợ chồng bình đẳng, tôn trọng, chia sẻ nhau được anh chị thực hiện một cách tự nhiên chứ không phân công rạch ròi.

“Nếu vợ chăm con thì chồng nấu ăn. Chồng bận sửa xe thì vợ đưa rước con, lo chuyện cơm nước. Gần 20 năm chung sống, 2 vợ chồng tôi cứ chia sẻ cùng nhau mọi việc như vậy chứ không nề hà, phân công cụ thể: Đưa con là nhiệm vụ của chồng hay giặt giũ, cơm nước là nhiệm vụ của vợ. Như vậy sẽ khiến cả 2 tổn thương và cảm thấy không được yêu thương” - chị Thúy cho biết.

Ngoài giúp vợ những công việc nhà, anh Nguyễn Công Chinh - chồng chị Thúy còn suy nghĩ: “Nam nữ bây giờ bình đẳng, đàn ông tham gia công tác xã hội được thì phụ nữ cũng nên tham gia. Vì vậy, tôi luôn ủng hộ vợ tham gia sinh hoạt trong Chi hội Phụ nữ ấp để vợ được ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người, học hỏi được nhiều điều hay, điều tốt trong cuộc sống”.

Ủng hộ vợ không phải là lời nói suông mà anh luôn thể hiện bằng hành động. Gia đình anh sống bằng nghề buôn bán, sửa xe Honda nên công việc khá bận rộn, nhưng khi vợ vắng nhà đi hội họp, anh sắp xếp việc nhà chu tất nên vợ an tâm khi tham gia công tác xã hội.

Cuộc sống gia đình sẽ mãi trong ấm, ngoài êm khi vợ chồng luôn tôn trọng, yêu thương nhau. Chính bình đẳng giới là sợi dây nối dài hạnh phúc gia đình và gắn kết yêu thương./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết