Tiếng Việt | English

01/08/2018 - 10:31

Bình Hòa Nam - Vùng đất chết đã hồi sinh

Là vùng kháng chiến cũ, sau hơn 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An thay da, đổi thịt. Vùng đất chết năm nào giờ đã hồi sinh.

Bia truyền thống tại Nhà Văn hóa xã Bình Hòa Nam

Bia truyền thống tại Nhà Văn hóa xã Bình Hòa Nam

Căn cứ cách mạng năm xưa

Trong kháng chiến chống Pháp, Bình Hòa Nam là nơi đóng quân của các cơ quan đầu não Khu 7, Khu 8 và Khu 9 do Trung tướng Nguyễn Bình trực tiếp chỉ huy. Tại khu vực ấp 1, kênh Lò Đường, quân giặc sát hại dã man 64 người, trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ mang thai. Nơi đây từng được nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang về thăm và phát động xây dựng bia truyền thống.

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bình Hòa Nam là căn cứ của Tỉnh ủy Long An và lực lượng vũ trang Quân khu 7. Địch đánh phá rất ác liệt, rải chất độc da cam, biến nơi đây thành vùng trắng.

Đời sống người dân được nâng lên là điểm nhấn trong chương trình xây dựng nông thôn mới  của xã Bình Hòa Nam (Trong ảnh: Ông Tư Thượng (bìa phải) trò chuyện với Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Nam - Đào Văn Hên)

Đời sống người dân được nâng lên là điểm nhấn trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Bình Hòa Nam (Trong ảnh: Ông Tư Thượng (bìa phải) trò chuyện với Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Nam - Đào Văn Hên)

Ông Nguyễn Văn Thượng (Tư Thượng), ngụ ấp 3, nhớ như in giặc rải chất độc da cam năm 1965. Ông kể: “Nhiều lần, máy bay của giặc rải chất độc màu trắng, người dân phải đi tản cư, đất đai bỏ hoang vì không sản xuất được. Em tôi bị nhiễm chất độc da cam, sinh ra 2 người con bị dị tật”.

Hiện nay, trong khuôn viên Nhà Văn hóa xã, tấm bia truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 7 như lời nhắc nhở các thế hệ hôm nay, mai sau mãi ghi nhớ công ơn những người ngã xuống vì màu xanh hòa bình, từ đó khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống, góp phần xây dựng quê hương giàu, đẹp.

Từng ngày đổi mới

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân trở về Bình Hòa Nam, tích cực khai hoang, phục hóa ruộng đồng. Vùng đất chết năm nào giờ là cánh đồng bát ngát màu xanh.

Ông Tư Thượng - nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, hồi tưởng: “Lúc mới trở về, cuộc sống rất khó khăn, vườn hoang, ruộng trống, đường đi không có,... Vượt qua gian khó, người dân thử nghiệm nhiều loại cây trồng trên vùng đất này với hy vọng mang lại hiệu quả cao”. Đầu năm 2003, khi xã phát động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, người dân tích cực chuyển từ cây lúa, tràm sang trồng chanh, ổi. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền quan tâm thực hiện chương trình Về nguồn, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nên bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân nâng lên.

Cầu giao thông được xây dựng kiên cố, người dân đi lại thuận lợi hơn

Cầu giao thông được xây dựng kiên cố, người dân đi lại thuận lợi hơn

Chủ tịch Hội Nông dân xã - Đào Văn Hên phấn khởi: “Toàn xã có trên 2.000ha chanh chuyên canh, ngoài ra còn có thanh long, đu đủ, ổi, khoai,... mang lại thu nhập cao cho nông dân. Hội vận động nông dân thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã để nông sản có đầu ra ổn định hơn”.

Chủ tịch UBND xã - Lê Thị Kim Ngân thông tin: Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người 11 triệu đồng/năm thì nay tăng lên hơn 40 triệu đồng/người/năm. Năm 2018, xã vận động xã hội hóa xây dựng thêm 3 nhà tình nghĩa và 4 nhà tình thương, sửa chữa 15 nhà tình nghĩa và tạo điều kiện cho 23 hộ nghèo có nhà ở. 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường”.

Chợ Bình Hòa Nam đang được xây dựng

Chợ Bình Hòa Nam đang được xây dựng

Đặc biệt, từ khi Đường tỉnh 816 đi qua địa bàn xã được đầu tư, đường giao thông nông thôn của 3 ấp đều được cứng hóa, xóa cầu tạm, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi hơn. Anh Đào Văn Minh, ngụ ấp 1, chia sẻ: “Nhờ mạnh thường quân hỗ trợ, Nhà nước và nhân dân cùng làm đường, cầu giao thông, đời sống người dân được nâng cao. Hàng ngày, tôi đi làm rất thuận tiện, không còn vất vả như trước nữa”.

Chủ tịch UBND xã - Lê Thị Kim Ngân bộc bạch: “Các thế hệ sinh ra và lớn lên sau ngày quê hương giải phóng rất tự hào khi nghe cha, anh kể về những năm tháng kháng chiến. Chúng tôi luôn phát huy truyền thống ấy, phấn đấu xây dựng vùng kháng chiến cũ trở thành xã nông thôn mới”./.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết