Tiếng Việt | English

11/10/2017 - 14:58

Bình Thạnh đi lên từ khó khăn

Về xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An những ngày này, chúng ta cảm nhận được diện mạo mới của một xã vùng biên đang từng ngày “thay da, đổi thịt”. Đời sống của người dân cũng ngày càng ổn định.

Phát huy nội lực

Bình Thạnh là xã biên giới, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Khắc phục những khó khăn đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây luôn tận dụng những điều kiện sẵn có để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Bình Thạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của chương trình đến người dân.

Đường giao thông xã Bình Thạnh đang trong dần được mở rộng và nâng cấpĐến nay, xã đạt 11/19 tiêu chí NTM và gặp khó khăn về tiêu chí giao thông. Xã chỉ có 10-15% tuyến đường liên xã được bêtông; 10km tuyến đường liên ấp, trục chính được rải đá xanh.

Bên cạnh việc quan tâm đến kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, Bình Thạnh còn tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn; thành lập các tổ may gia công, tổ đan lát, lục bình,... Ông Châu Chí Phong, ngụ ấp Gò Vồ Nhỏ, chủ cơ sở may gia công, cho biết: “Năm 2013, tôi thành lập tổ hợp tác may gia công ba lô, túi xách với trên 10 thành viên, chủ yếu là phụ nữ không có việc làm ổn định. Bình quân một ngày, mỗi công nhân có thu nhập trên 100.000 đồng”.

Xác định môi trường là một trong những tiêu chí cần được củng cố thường xuyên, chính quyền và nhân dân Bình Thạnh quan tâm xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp. Qua đó, người dân chủ động làm hàng rào quanh nhà, trồng cây xanh và bỏ rác đúng nơi quy định.

Thay đổi từ một vùng quê

Nói về sự thay đổi của xã, anh Lê Trọng Hữu, ngụ ấp Gò Vồ Nhỏ, cho biết: “Đời sống của người dân xã biên giới Bình Thạnh thay đổi rất nhiều. Trạm Y tế xã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương. Đặc biệt, lộ Bình Hòa Đông và Bình Thạnh được đưa vào sử dụng rút ngắn khoảng cách từ xã đến trung tâm huyện nên người dân rất phấn khởi!”.

Phấn đấu đến năm 2022 đạt chuẩn NTM, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh - Nguyễn Thành Phuâng cho biết: “Hiện nay, hộ nghèo chiếm 5,27%, cận nghèo chiếm 4,64%,... Tỷ lệ này còn khá cao, vì vậy, xã sẽ tập trung thực hiện các biện pháp giảm nghèo, đồng thời kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

Cầu giao thông được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Diện mạo xã biên giới Bình Thạnh ngày càng thay đổi. Tuy nhiên, Bình Thạnh đang đứng trước nhiều thách thức trong XDNTM. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thạnh tiếp tục chung tay vì sự đổi thay của quê hương, phấn đấu xây dựng thành công xã NTM./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết