Tiếng Việt | English

14/11/2017 - 03:20

Bình Tịnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững

Người dân Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trong đó, cây lúa chiếm vị trí chủ lực. Những năm gần đây, người dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu mang lại hiệu quả.

Tìm hướng đi mới

Xã Bình Tịnh có diện tích tự nhiên 726,92ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 491ha. Trước đây, cây lúa chiếm vị trí độc tôn. Tuy nhiên, thời gian qua, thương lái liên tục ép giá lúa ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nông dân. Điệp khúc "được mùa - rớt giá" làm nông dân lo lắng.

Chuyển đổi một số diện tích từ trồng lúa sang trồng hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân xã 

Ông Nguyễn Văn Hòa (67 tuổi) - nông dân ấp Bình Hòa, cho biết: "Hiện nay, trong sản xuất lúa, chi phí vật tư nông nghiệp lớn, tiền thuê nhân công mỗi vụ khá cao, trong khi giá lúa gạo trên thị trường không ổn định, nông dân thường xuyên thua lỗ, may mắn thì huề vốn. Đó chính là lý do nhiều hộ nông dân không còn "mặn mà" với việc trồng lúa. Nhưng muốn chuyển đổi sang cây trồng khác thì phải có vốn, đầu ra sản phẩm và thị trường phải ổn định, nếu không thì cũng lỗ...".

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tịnh - Phan Minh Thắng thông tin: "Để giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, chính quyền địa phương đề xuất huyện, các ngành chuyên môn hỗ trợ vốn, kỹ thuật, mở các lớp tập huấn, tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình hiệu quả ở các địa phương khác. Từ đó, giúp nông dân học tập kinh nghiệm, tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để áp dụng trong sản xuất,... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua tại xã Bình Tịnh góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân".

Trên mảnh vườn hơn 0,7ha trồng thanh long ruột đỏ đã thu hoạch được 2 vụ, anh Bùi Thanh Tâm (49 tuổi) - nông dân ấp Bình Điện phấn khởi: "Tôi chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ hơn 3 năm nay. Trong vụ thu hoạch đầu tiên, sau khi trừ chi phí, tôi lãi gần 20 triệu đồng. So với trồng lúa, thanh long mang lại hiệu quả cao hơn nhiều. Tôi dự định đầu tư mở rộng diện tích".

Chuyển đổi một số diện tích từ trồng lúa sang trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cũng như hộ anh Tâm, hộ bà Nguyễn Thị Hà (53 tuổi), ấp Bình Điện, có lợi nhuận cao hơn khi không trồng lúa mà đầu tư chuồng trại, tham gia tổ chăn nuôi heo theo hướng VietGAP. Hiện, tổ chăn nuôi trên có 30 thành viên. Bà Hà chia sẻ: "Ban đầu, khi dồn tất cả vốn liếng đầu tư chăn nuôi, gia đình tôi cũng lo lắng lắm! Nhưng chính quyền địa phương luôn quan tâm hỗ trợ nông dân: Tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ đầu ra sản phẩm nên người dân rất an tâm".

Hướng đi bền vững

Hiện nay, diện tích sản xuất lúa ở Bình Tịnh chỉ còn 300ha, số diện tích còn lại chủ yếu chuyển sang một số loại cây trồng khác. Trong đó, có 63ha trồng thanh long, chủ yếu là thanh long ruột đỏ (12ha đã cho thu hoạch), còn lại là dừa, bưởi da xanh, ổi, mãng cầu xiêm. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã hiện là 31,5ha. Một số hộ còn trồng lúa nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện về khoa học - kỹ thuật, tham gia cánh đồng “3 giảm, 3 tăng” cũng mang lại hiệu quả cao hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã. Đời sống được nâng lên, người dân Bình Tịnh cũng tích cực hơn trong xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn xã ngày càng khởi sắc./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết