Tiếng Việt | English

18/02/2018 - 16:20

Bình yên biên giới Tây Nam

Những cánh đồng màu mỡ, những ngôi nhà mới khang trang những chuyến hàng nối đuôi nhau qua lại ở các cửa khẩu, người dân Việt Nam và Campuchia thân thiện, cùng giúp đỡ nhau,... là những hình ảnh minh chứng cho cuộc sống ấm no, bình yên và thắm tình bằng hữu nơi biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Biên giới  “níu” chân người

Chúng tôi trở lại vùng biên giới Long An trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm. Xuôi theo Quốc lộ 62, qua Đường tỉnh 819 rồi vòng về con đường đất đỏ hơn 20km, chúng tôi đến được điểm xa nhất của tuyến biên giới Long An. Dọc theo các đường biên giới giáp nước bạn Campuchia, thấp thoáng là hình ảnh những xóm, ấp nằm bình yên bên những cánh đồng trù phú. 

Người dân biên giới chuyển đổi giống cây trồng

Người dân biên giới chuyển đổi giống cây trồng

Xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng những ngày này nhộn nhịp hơn. Cầu Hữu Nghị 2 nối liền xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An và xã Chàm, huyện TraBeak, tỉnh Prey Veng, Vương quốc Campuchia. Cây cầu vừa là biểu tượng hòa bình, hữu nghị của người dân 2 nước, vừa là nơi chứng kiến hàng trăm lượt người qua lại hàng ngày để làm ăn, buôn bán, vun đắp thêm tình hữu nghị. Người dân 2 bên biên giới tuy khác nhau về quốc tịch, văn hóa, ngôn ngữ nhưng luôn xem nhau như hàng xóm, láng giềng. 

Sáng nào cũng vậy, chị SaRay, nhà cách cầu Hữu Nghị 2 khoảng 5km, đều chạy xe máy qua chợ xã Hưng Điền rồi trở về với lỉnh kỉnh nhiều loại hàng hóa trên xe. Từ ngày có cầu Hữu Nghị 2, hầu như ngày nào, chị cũng qua chợ xã Hưng Điền mua rau, quả, cá, thịt, nhu yếu phẩm bán lại cho người dân địa phương. Vừa ghé Trạm Biên phòng Cửa khẩu phụ Tân Hưng làm thủ tục, chị cho biết: “Nhà tôi không có ruộng, cuộc sống còn khó khăn, để kiếm tiền nuôi 2 đứa con, tôi mở một quán nhỏ, hàng ngày sang Việt Nam mua ít đồ về bán kiếm lời. Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi qua lại làm ăn. Cứ sáng, tôi qua đây, chỉ cần trình giấy tờ tùy thân và làm mấy thủ tục đăng ký đơn giản là các chú bộ đội cho qua, 2 xã biên giới kết nghĩa cùng nhau, giờ không khác nào anh em một nhà” - vừa dứt câu nói, chị nổ máy xe, chào tạm biệt bằng một câu tiếng Việt và nở nụ cười thật tươi trước khi về. 

Xuôi theo con đường tuần tra biên giới dọc theo kênh Cái Cỏ, cách đó hơn 10km là cây cầu Hữu Nghị 1 thuộc xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng. Hàng ngày, 2 cây cầu Hữu Nghị đón hàng trăm lượt người dân các xã biên giới qua lại làm ăn. Khi thì người dân Việt Nam qua buôn bán con trâu, con bò, khi thì những người bạn Campuchia qua làm thuê vừa có thêm thu nhập, vừa học được những kinh nghiệm trong làm ăn phát triển kinh tế. Cũng từ những chuyến đi ấy, không ít gia đình 2 bên kết nghĩa thông gia.

Người dân qua lại biên giới làm ăn

Người dân qua lại biên giới làm ăn

Hành trình xuôi về phương Nam những ngày cuối năm cho chúng tôi nhiều cảm xúc mới lạ. Vừa qua hết phần đất thuộc Long An, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được chính là không khí hối hả của những nông dân trên đồng ruộng cho kịp những công việc cuối cùng để vui ba ngày tết. Những cánh đồng lúa dọc theo đường biên giới tỉnh Đồng Tháp xanh mượt như một tấm thảm nhung. Hàng ngàn hécta lúa Đông Xuân xanh mơn mởn đang reo đùa trong gió xuân. Ruộng lúa xanh tốt, nhiều ngôi nhà mới mọc lên, đường giao thông đi lại dễ dàng, những hình ảnh ấy cứ nối nhau trên suốt đoạn đường gần 30km từ thị xã Hồng Ngự đến Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự. Đến xã Thường Phước 1, chúng tôi ghé tạm quán bên đường, gặp anh SocK Phon, ngụ xã Bi, huyện Pèm Chô. Anh SocK Phon là rể Việt Nam, lấy vợ quê Hồng Ngự. Cứ dăm ba bữa, anh lại về quê vợ, vừa để thăm gia đình, vừa lấy phân bón, thuốc bảo vệ thực vật về chăm sóc những thửa ruộng bên kia biên giới. Anh cho biết: “Nhà tôi có 1ha ruộng nhưng bên ấy điều kiện sản xuất khó khăn hơn ở Việt Nam, muốn mua gì cũng phải qua đây. 

Rồi cứ thế, riết thành quen, tôi cưới được vợ Việt Nam. Bữa nay qua đây, có mấy người bạn nhắn mời tết qua chơi” - nói xong, anh cười thoải mái và khẳng định sẽ đưa vợ con về ăn tết truyền thống ở quê vợ. Cứ thế, một ngày trên vùng đất biên cương của tỉnh Đồng Tháp trôi qua thật nhanh, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về tình đất, tình người, những kỷ niệm của người dân nơi biên giới, như lời anh SooK Phon, “Người dân mình chỉ mong hòa bình, hữu nghị, luôn luôn vui vẻ, thương mến như bây giờ”. 

Tập kết nông sản chuyển về nội địa tiêu thụ

Tập kết nông sản chuyển về nội địa tiêu thụ

Rời Đồng Tháp, điểm đến tiếp theo của chúng tôi là huyện An Phú, tỉnh An Giang. Từ TP.Châu Đốc, theo Quốc lộ 91C, chúng tôi chạy một mạch về huyện biên giới An Phú. Con sông Bình Di qua thị trấn Long Bình hiền hòa trôi nhẹ, phóng tầm mắt nhìn qua bên kia biên giới là Cửa khẩu Chrey Thum, thuộc huyện Koh Thum, tỉnh Kan Dal. Hàng chục năm qua, thị trấn Long Bình trở thành đầu mối giao thương của người dân 2 nước, các mặt hàng gia dụng cho đến hàng hóa nông sản cũng từ đây mà tỏa đi khắp tỉnh An Giang và các vùng phụ cận. Từ lâu, thị trấn này được xem là điểm tập kết và trung chuyển quan trọng đủ mọi loại hàng hóa từ nông sản đến quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm,... giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia. Niềm vui của người dân Long Bình như được nhân đôi khi mới đây, cây cầu Long Bình - Chrey Thum vừa khánh thành, tạo điều kiện thúc đẩy mậu dịch giữa 2 địa phương phát triển cũng như nối thêm sợi dây hữu nghị, đoàn kết. Tỉnh An Giang có đường biên giới dài gần 100km giáp 2 tỉnh: Ta Keo và Kan Dal của Campuchia. Đây cũng là vùng có nét văn hóa phong phú với sự hòa quyện văn hóa riêng của đồng bào các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa cùng nhiều tín ngưỡng, tôn giáo như Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao đài, Thiên Chúa, Tin lành, Hồi giáo,... Nhưng dù là dân tộc nào, tôn giáo nào thì điểm chung dễ nhận thấy là tình đoàn kết, hữu nghị cùng quyết tâm, cố gắng xây dựng quê hương hòa bình, giàu đẹp.

Ấm tình quân - dân

Đi qua từng nơi, từ Long An, Đồng Tháp, An Giang, cái tình, cái nghĩa của người dân biên giới như níu chân người. Và ở đó, còn có một thứ tình cảm rất đỗi thiêng liêng - tình của người lính biên phòng với nhân dân biên giới. Dù trong nhiệm vụ hay trong cuộc sống thường ngày, những cán bộ, chiến sĩ biên phòng và người dân biên giới vẫn gắn bó máu thịt với nhau.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới

Gắn bó với vùng biên giới Tân Hưng, tỉnh Long An hơn 15 năm, Thiếu tá Nguyễn Đình Dựng - Đội phó Đội Kiểm soát hành chính Đồn Biên phòng Sông Trăng, tâm sự: “Mặc dù cuộc sống ở vùng biên còn những khó khăn nhất định nhưng các anh em trong đơn vị luôn bên nhau, đoàn kết một lòng, tận tình giúp đỡ, cùng thực hiện tốt nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Hơn nữa, tình cảm người dân nơi đây dành cho bộ đội cũng giống như người thân trong gia đình mình. Từ đó, động viên cán bộ, chiến sĩ luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ”.

Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Long An - Đại tá Đoàn Văn An cho biết: “Long An có đường biên giới dài gần 133km qua các huyện: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường, tiếp giáp 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia. Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; thường xuyên bám sát địa bàn, tăng cường nắm tình hình, chủ động tham mưu và cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh biên giới, phát triển KT-XH, xây dựng biên giới vững mạnh”. 

Người dân sinh sống dọc theo biên giới chính là “tai mắt” của bộ đội biên phòng. Trong những lần ra thăm đồng hoặc đi giăng câu, thả lưới, nếu phát hiện dấu hiệu đường biên, cột mốc khác với hiện trạng ban đầu, người dân báo ngay cho bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, cho biết: “Không chỉ tôi mà tất cả người dân biên giới, việc tham gia giữ gìn biên giới bình yên cũng như giữ gìn mái ấm gia đình mình. Nghĩ vậy nên tôi vận động người thân, hàng xóm tự quản đường biên, cột mốc, nếu phát hiện có trường hợp người lạ mặt vào khu vực biên giới hay những dấu hiệu hoạt động của các loại tội phạm thì báo ngay cho lực lượng chức năng kịp thời xử lý”.

Bộ đội Biên phòng giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ

Bộ đội Biên phòng giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ

Ông Phạm Công Thành, ngụ xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, phấn khởi nói: “Đời sống của người dân nơi đây được cải thiện nhiều. Hồi trước, tụi tui chỉ quanh quẩn với con cua, con cá nên cuộc sống cứ cầm chừng, đắp đổi qua ngày. Cứ đến tết là ai cũng lo ngay ngáy bởi gánh nặng cơm áo trong những ngày đầu năm. Bây giờ, điều kiện sống được cải thiện hơn trước, không những tập trung vào cây lúa mà người dân còn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng khác như nuôi con trâu, con bò, trồng cây mè, dưa hấu,... Do có thu nhập khá hơn nên cái tết của người dân nơi đây có phần tươm tất hơn trước...”.

Tuy chưa được một lần đi hết biên giới Tây Nam của Tổ quốc, chưa được hiểu hết nỗi niềm của người dân nơi đây để có bức tranh toàn cảnh nhưng những gì chúng tôi cảm nhận được qua những nơi đến cũng đủ thấy ấm lòng. Ở đó có tình cảm quân - dân như cá với nước, có tình hữu nghị bền chặt giúp nhau làm ăn giữa nhân dân 2 nước và đầy ắp tình người với khách phương xa. Và rồi sau chuyến đi, chúng tôi lại thêm yêu những vùng đất miền biên cương này. Một mùa xuân mới đang về trên mảnh đất biên giới Tây Nam của Tổ quốc./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết