Tiếng Việt | English

28/09/2016 - 16:44

Bỏ cuốc cày, tải đạn ra tiền tuyến

Đó là những người con gái tuổi mười tám, đôi mươi từng oằn vai tải đạn, tải gạo ra tiền tuyến phục vụ bộ đội chiến đấu. Họ, những người chân yếu tay mềm nhưng sẵn sàng cõng thương binh về lán trại điều trị, họ đầm mình dưới bùn lầy cùng lực lượng thanh niên đắp đê phòng thủ tuyến biên giới.

1. Trong căn nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Mượn tại ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An vẫn còn bức ảnh một thời bà và những người bạn gái cùng xóm tham gia vào đội dân công hỏa tuyến. Với bà, đây là một thời đáng tự hào dù phải trải qua bao gian lao, vất vả.

Khi mới tròn 18, được lệnh, người con gái ấy bỏ lại ruộng đồng, lên đường tải đạn. Trong mưa bom, lửa đạn của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, bà và đồng đội tải trên vai 4-5 trái cối, hàng chục kilôgam lương thực, thuốc men, đi bộ ròng rã gần 100 cây số, vượt bưng biền, băng rừng,... đưa lương thực, vũ khí ra chiến trường.

Không những tham gia dân công hỏa tuyến, bà còn vận động bạn bè, người thân, rủ chị em trong xóm cùng đi tải đạn. Chính trong những ngày tháng gian khổ ấy, tình yêu giữa cô dân công hỏa tuyến và anh bộ đội địa phương nảy nở; để rồi, sau khi mặt trận yên tiếng súng, họ nên duyên vợ chồng, có với nhau 4 mặt con.


Những nữ dân công hỏa tuyến tải đạn trong chiến tranh biên giới Tây Nam (Ảnh tư liệu)

Giờ hơn 60 tuổi nhưng khi nhớ về thời tham gia dân công hỏa tuyến, bà Mượn thấy như trẻ lại và bao ký ức ùa về, bà chia sẻ: Hồi đó, cứ bộ đội hành quân bao nhiêu là chúng tôi hành quân bấy nhiêu, có khi đi suốt ngày đêm, qua tới Campuchia. Trước khi lên đường, đội dân công của xã tập trung nghe phổ biến kỷ luật và cung cách vận tải bộ đường xa, bảo đảm bí mật, sức khỏe, an toàn và hiệu quả.

2. Chiến tranh biên giới Tây Nam là cuộc xung đột quân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Campuchia Dân chủ. Cuộc chiến có nguyên nhân từ các hoạt động quân sự của quân Khmer Đỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam từ năm 1975-1978. Việt Nam cố gắng giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao, nhưng Khmer Đỏ từ chối đàm phán, buộc ta phải chuyển sang sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc xung đột.

Cũng như bao làng quê của các tỉnh giáp biên giới Campuchia, thanh niên xã Mỹ Thạnh Đông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong những ngày tháng đó, cùng bạn bè trong xóm, cô gái Trần Thị Kim Tuyết hăng hái tham gia dân công hỏa tuyến, ngày đêm đắp đê tuyến phòng thủ biên giới.

Đồng khô cỏ cháy, nước uống khan hiếm, bom đạn rơi như mưa,... vậy mà bằng sức người, con đê phòng thủ được hoàn thành chạy dài đến xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Sau khi hoàn thành tuyến đê, có lệnh huy động thêm lực lượng dân công tải đạn, gạo, tải thương binh, cô thôn nữ Kim Tuyết lại tình nguyện tham gia cùng hàng trăm dân công trong xã gánh gạo, tải đạn ra chiến trường. Giờ đây, khi con cháu trưởng thành, những câu chuyện về một thời khói lửa vẫn được bà kể lại nhiều lần như cách giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" cho con cháu.


Cựu nữ dân công hỏa tuyến Nguyễn Thị Mượn vui vầy bên các cháu

3. Khi được hỏi về thời gian tham gia dân công hỏa tuyến, bà Nguyễn Thị Ngẫm, ở ấp 3, xã Mỹ Thạnh Đông như được tiếp thêm sức mạnh, bỏ lại phía sau những cơn đau khớp, những vất vả, lo toan của cuộc sống để kể về một thời hào hùng, cống hiến sức trẻ cho quê hương, đất nước.

Bà kể, khi đó, phải tận dụng quần áo cũ may thành những cái bao để cho gạo vào, buộc lại rồi cho vào 2 thúng gánh. Hàng mấy tháng trời gánh gạo đi bộ liên tục có đến cả ngàn kilômét, ai cũng bị chai cả vai nhưng với tinh thần tất cả cho tiền tuyến nên đoàn dân công không từ nan, cất bước trong những ngày nắng như đổ lửa hay khi mưa rừng bất ngờ đổ xuống phải nhanh chân tìm chỗ trú, che chắn cho gạo khỏi ướt. Ngoài tải gạo, đoàn còn tham gia tải đạn sang Campuchia.

Những câu chuyện về nữ dân công hỏa tuyến tải lương thực, đạn dược cho chiến trường biên giới Tây Nam của hơn 40 năm trước minh chứng tinh thần dân tộc, quyết mang sức mình cống hiến khi đất nước bị xâm lăng. Tuy không trực tiếp cầm súng nhưng công lao của họ mãi mãi được tôn vinh vì góp phần làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, chính quyền địa phương đang hoàn tất thủ tục đề nghị các chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến theo Quyết định số 49/20115/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hy vọng, chính sách này sẽ làm ấm lòng những nữ dân công hỏa tuyến, người đã đem sức trẻ, lòng nhiệt huyết cống hiến vì nền hòa bình của đất nước./.

Vân Anh

Chia sẻ bài viết