Tiếng Việt | English

08/01/2018 - 20:01

Bỏ điểm cộng để giảm tiêu cực thi cử?

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS, THPT do Bộ GD-ĐT vừa công bố sẽ bỏ quy định cộng điểm khuyến khích khi thi vào lớp 10.

Dự thảo mới đã bỏ khoản 3 Điều 7 của Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ban hành ngày 18/4 năm 2014 về quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Như vậy, điểm thi nghề phổ thông (thuộc phần cộng điểm khuyến khích) sẽ không được tính khi thi vào lớp 10. Điều này khiến nhiều phụ huynh và học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội lo lắng và hoang mang.

Phụ huynh, học sinh hoang mang

Chị Nguyễn Kim Thanh, có con học lớp 9 trường THCS Yên Hòa, (quận Cầu Giấy) chia sẻ, cả phụ huynh và học sinh đang rất lo lắng sau Dự thảo này của Bộ Giáo dục. Bởi mục đích cộng điểm là để khuyến khích học sinh học nghề.

“Nếu thực hiện ngay việc bỏ điểm cộng thi nghề sẽ khiến học sinh và phụ huynh hụt hẫng, hoang mang. Vì vậy, theo tôi nên vẫn giữ việc cộng điểm khuyến khích, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của các con”, chị Thanh nêu ý kiến.

Việc bỏ điểm cộng thi nghề khi tuyển sinh vào lớp 10 của Bộ GD&ĐT khiến nhiều học sinh lo lắng

Còn chị Phạm Thu Hà, một phụ huynh học sinh ở quận Ba Đình cho rằng, lâu nay việc học của các con đã quá vất vả rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán thời gian áp dụng sao cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

“Phần lý thuyết và thực hành của chương trình học nghề khá nặng, học vất vả. Nếu không được cộng điểm nghề thì thật là thiệt thòi cho học sinh”, học sinh Nguyễn Thùy Dương, lớp 9 ở quận Thanh Xuân nêu ý kiến. 

Có giảm tiêu cực trong thi cử?

Theo chương trình giáo dục trung học thì học nghề phổ thông hiện vẫn là môn học bắt buộc học sinh phải hoàn thành để xét tốt nghiệp THCS, THPT. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chương trình học nghề THCS là 70 tiết, THPT là 105 tiết với 11 nghề khác nhau.

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông) cho biết: Hiện nay nhà trường vẫn dành thời gian của các tiết sinh hoạt để học sinh ôn tập lý thuyết nghề.

Theo bà Nguyệt, nên bỏ điểm cộng thi nghề, bởi thực tế việc học nghề hiện nay chỉ là hình thức, chưa mang tính hướng nghiệp cho học sinh.

“Việc bỏ cộng điểm thi nghề nhằm đưa dạy nghề về đúng mục đích đã từng đề ra, giảm tiêu cực thi cử. Việc học nghề, định hướng nghề nghiệp là chính đáng nhưng nên thay bằng hình thức và nội dung khác thì sẽ có lợi hơn cho học sinh”, bà Nguyệt cho hay. 

Được biết, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn chờ quy chế chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo để căn cứ vào đó xây dựng hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 trình UBND TP phê duyệt.

Sự đổi mới nào cũng là cần thiết. Tuy nhiên, việc làm cần có lộ trình cụ thể, tránh gây hoang mang cho cả phụ huynh và học sinh như hiện nay./.

Thy Hạt/VOV.VN

Chia sẻ bài viết