Tiếng Việt | English

22/07/2015 - 09:19

Bộ GD&ĐT cấm, phụ huynh vẫn cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1

Các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, phụ huynh không nên cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định không dạy chữ trước cho trẻ khi vào lớp 1, thế nhưng nhiều phụ huynh vẫn tìm lớp cho trẻ đi học để biết đọc, biết viết trước không sợ con mình sẽ không theo kịp chương trình và bị đuối hơn so với các bạn khác. Theo các thầy cô giáo, phụ huynh không nên cho con đi học chữ trước khi vào bậc Tiểu học.

Gần 1 tháng qua, đều đặn vào chiều thứ Sáu và Chủ nhật, chị Nguyễn Thị Dung ở quận Hoàng Mai, Hà Nội mời gia sư đến dạy con tập đọc, tập viết, chuẩn bị vào lớp 1.

Chị Dung chia sẻ, lý do mà chị cho con học là muốn con làm quen với cách học mới, không bỡ ngỡ trước khi bước vào môi trường mới. Nhiều lúc chị lo lắng nếu không cho con đi học chữ trước, đến khi đi học sẽ không theo kịp được các bạn, dẫn đến tâm lý chán học.

Theo các thầy cô giáo, phụ huynh không nên cho con đi học chữ trước khi vào bậc Tiểu học. (Trong ảnh: Tại một lớp học ở trường mầm non Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội)

Chị Nguyễn Thị Dung nói: “Tôi có cho cháu đi học thêm trước lớp 1. Tại vì tôi muốn cháu đi làm quen với môi trường học tập từ mẫu giáo lên lớp 1. Tôi muốn cháu có sự chuẩn bị trước về kiến thức cũng như về tâm lý. Thứ hai, nhiều nhà đều cho con đi học thêm trước. Vì tôi sợ khi vào lớp 1 con nhà tôi sẽ chậm hơn so với các bạn”.

Không chỉ những phụ huynh có con đầu mà kể cả những gia đình có con thứ hai vào lớp 1 cũng lo lắng về chương trình học của trẻ quá nặng. Học sinh vào lớp 1 sau một kỳ đã phải biết đọc, biết viết trong khi đó với lượng kiến thức như vậy trước kia phải học sinh lớp 2, lớp 3 mới bắt đầu học. Do đó, nếu không học trước để theo kịp chương trình khi bị đuối sẽ rất vất vả cho con học lại, bổ sung kiến thức.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều kiện chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt quy định đối với trẻ vào lớp 1 là không cao. Cụ thể giữa học kỳ 1 học sinh đọc khoảng 15 tiếng/phút; viết khoảng 15 chữ/phút.

Cuối học kỳ 1 đọc khoảng 20 tiếng/phút; viết khoảng 20 chữ/phút. Qua kiểm tra, đánh giá của những năm vừa qua cho thấy học sinh đạt chuẩn rất cao. Không chỉ đối với môn Tiếng Việt bình thường mà ngay cả chương trình công nghệ Tiếng Việt lớp 1 đặt mức yêu cầu cao hơn chuẩn bình thường học sinh vẫn đạt được. Đáng lưu ý là phương pháp này không yêu cầu học sinh phải học trước. Khi trẻ mới vào lớp 1, giáo viên sẽ dạy cho các em những động tác đơn giản nhất như tư thế ngồi viết, ngồi đọc...Việc phụ huynh chưa nắm rõ được phương pháp học hiện nay nên vẫn còn tình trạng cho con đi học trước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Điều này là do tâm lý của phụ huynh học sinh. Ai cũng muốn con mình học giỏi, thậm chí là học giỏi nhất lớp. Giáo viên thấy một số học sinh học trước thì nâng yêu cầu chuẩn lên, đặt quá mức yêu cầu so với bình thường cho nên một số em vất vả học theo. Chúng tôi rất muốn phụ huynh học sinh phải hiểu thật kỹ càng. Tiếp đó, công tác quản lý của các nhà trường phải đảm bảo không có đặt mức yêu cầu cao với mức bình thường để học sinh, phụ huynh học sinh yên tâm không cho con học trước lớp 1”.

Các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, phụ huynh không nên cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1. Vì trước khi 6 tuổi tay của các bé rất yếu. Việc cho con viết sớm hoặc dạy cầm bút sai dễ khiến cho các bé bị dị tật ở tay, khi vào học chính thức cô giáo chủ nhiệm sẽ khó uốn nắn lại được. Khi trẻ đã biết đọc, biết viết trước các cô sẽ không để ý rèn các con cách ngồi, cách viết cho đúng tư thế mà giao ngay bài vở cho trẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học Tâm lý và Giáo dục Việt Nam khuyến cáo: “Bố mẹ lo cho con nhưng phải lo cho đúng cách. Tuyệt đối không được cho con đi học trước chương trình. Lý do là sẽ tác động xấu tới phát triển tâm lý và nhận thức của trẻ. Điều này rất tai hại đối với trẻ”.

Để chuẩn bị tốt nhất cho trẻ khi vào học lớp 1, các bậc phụ huynh chỉ nên cho con làm quen với chữ cái, con số, biết cầm bút đúng cách, tư thế ngồi đúng là đủ. Cùng với đó là trang bị nhiều hơn về tâm lý, các kỹ năng tự phục vụ bản thân, hòa nhập tập thể để sẵn sàng bước vào môi trường tiểu học./.

Thu Hiền/VOV – Trung tâm Tin
 

Chia sẻ bài viết