Tiếng Việt | English

04/01/2016 - 19:59

Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường cao tốc

Ngoài việc phát triển các tuyến cao tốc, Bộ GTVT còn chú trọng phát triển trục đường sắt Bắc - Nam và nâng cấp các cảng hàng không quốc tế…

“Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, ngành GTVT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hoàn thành vượt các mục tiêu phát triển đã được Nghị quyết xác định cho giai đoạn tới hết năm 2015” – Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ, công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; Triển khai nhiệm vụ năm 2016 do Bộ GTVT tổ chức chiều 4/1 tại Hà Nội.

Theo đó, bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước thời gian qua đã có những chuyển biến hết sức rõ nét. Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác. Các tuyến đường cao tốc, nhiều công trình cầu hiện đại, các cảng hàng không quốc tế, cảng biển được nâng cấp xây dựng mới đồng bộ đã góp phần nâng cao năng lực vận tải, giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.


Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng mới được đưa vào khai thác trong năm 2015.

Đến cuối năm 2015, Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo nâng cấp 1.394 km quốc lộ 1 và 419 km đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên bằng nguồn vốn NSNN kết hợp nguồn vốn xã hội hóa với tổng mức vốn đầu tư lên tới hơn 116.000 tỷ đồng (Trong đó, mức vốn huy động từ các nhà đầu tư hơn 54.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 46% tổng mức vốn đầu tư các dự án).
Riêng trong năm 2015, Bộ GTVT đã khởi công, triển khai thi công mới 51 công trình, dự án. Trong đó, có 15 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng số vốn huy động trên 45.000 tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch năm 2015. Hiện đã hoàn thành, đưa vào khai thác 112 công trình, dự án.

Với mức đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông nói trên, tổng cộng các nguồn vốn dự kiến giải ngân năm 2015 là hơn 87.136 tỷ đồng (chiếm khoảng 30,5% các nguồn vốn dự kiến giải ngân của cả giai đoạn 2011-2015). Kết quả giải ngân đạt 89.907 tỷ đồng (chiếm khoảng 26,33% giá trị giải ngân của cả giai đoạn 2011-2015), vượt 11,77% kế hoạch. Trong đó, các nguồn vốn NSNN và TPCP giải ngân đạt 51.694 tỷ đồng, vốn ngoài NSNN giải ngân đạt 38.213 tỷ đồng.

Song song với việc khai thác hiệu quả các công trình giao thông hiện có, thời gian tới Bộ GTVT tiếp tục triển khai cũng như chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường cao tốc. Tập trung nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; Nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc - Nam khổ 1.435 mm, điện khí hóa, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160 - 200 km/h.

Cùng với đó, Bộ GTVT tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế; xây dựng các công trình để khai thác an toàn, có hiệu quả các cảng hàng không khác, đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Triển khai đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023.

Nhờ những nỗ trong thời gian qua, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 9 bậc so với năm 2014 và tăng 36 bậc trong 5 năm qua (năm 2010 ở vị trí thứ 103)./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết