Tiếng Việt | English

24/01/2019 - 15:30

Bỏ nghề kỹ sư cơ khí về quê trồng ớt

Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, với tấm bằng loại giỏi thuộc chuyên ngành cơ khí, anh Nguyễn Duy Thanh (SN 1985), ngụ ấp Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An sớm được một công ty lớn ở tỉnh Bình Dương nhận vào làm với mức lương khởi điểm tương đối cao. Vậy mà, sau 7 năm làm việc, anh lại quyết định từ bỏ, về quê trồng ớt trong sự ngỡ ngàng của gia đình và bạn bè.

Anh Nguyễn Duy Thanh bên ruộng ớt ứng dụng công nghệ tiên tiến Israel

Anh Nguyễn Duy Thanh bên ruộng ớt ứng dụng công nghệ tiên tiến Israel

Nổi bật giữa các cánh đồng đậu phộng bạt ngàn là vườn ớt 2ha xanh mướt, được phủ bạt ngăn nắp của anh Thanh. Trong khi mọi người tranh thủ trang hoàng nhà cửa đón Tết Kỷ Hợi 2019 thì anh suốt ngày bận rộn với việc chăm sóc vườn ớt sừng vàng Châu Phi để kịp cho thu hoạch vào rằm tháng Giêng.

Hơn 4 năm trồng ớt, anh chưa một lần chọn phương án cho trái thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Bởi, theo kinh nghiệm của anh, vào thời điểm này, nhiều người “đua” nhau trồng, sản phẩm sẽ rơi vào tình trạng quá tải “thừa hàng, dội chợ”, dễ bị thương lái ép giá. Anh Thanh chia sẻ: “Thông thường, tôi sản xuất ớt thu hoạch sau tết từ 15-20 ngày. Thời điểm nghịch mùa, giá ớt trên thị trường khá cao, có năm lên đến 50.000 đồng/kg, nhưng lại rất hút hàng; trong khi đó, nhiều nhà vườn đã thu hoạch trước tết, không còn sản phẩm để cung ứng”.

Theo anh Thanh, sở dĩ anh quyết định từ bỏ nghề kỹ sư, về quê trồng  ớt là vì trong quá trình học tập, nghiên cứu trên giảng đường đại học, rất tâm đắc với quy trình sản xuất nông nghiệp theo công nghệ tiên tiến Israel. Nhờ công nghệ này mà nông sản cho năng suất, chất lượng vượt trội, bảo đảm an toàn sản xuất. “Nhận thấy thanh niên, nông dân trong huyện chủ yếu vẫn canh tác theo hình thức truyền thống mà chưa phát triển  các mô hình tiên tiến, nên tôi quyết định từ bỏ công ty về quê trồng ớt ứng dụng công nghệ Israel. Bước đầu khởi nghiệp, tôi gặp khá nhiều khó khăn về kỹ thuật, công nghệ, điều kiện tài chính cũng như đất đai, khí hậu,… Cũng nhờ có sự giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình của bạn bè, tìm hiểu thêm kỹ thuật từ sách, báo và mạng Internet nên tôi mới có được thành quả như hôm nay”- anh Thanh bộc bạch.

Trung bình 1ha đất nông nghiệp, anh trồng 12.000 cây ớt. Sau 3 tháng chăm sóc, ớt cho thu hoạch, sản lượng đạt 30-40 tấn/vụ (mỗi năm 2 vụ), bán với giá bình quân 20.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, anh còn lãi gần 500 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp theo công nghệ tiên tiến từ Israel chính là canh tác hướng sạch, thân thiện với môi trường, bảo đảm một số nguyên tắc kỹ thuật nhất định: Thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật bảo quản, phân bón và  thuốc có thành phần rõ ràng, hạn chế tối đa phân vô cơ,… Điều đáng khen ở anh, ngoài ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong sản xuất, anh còn dành thời gian tìm tòi, cải tiến các ứng dụng kỹ thuật sao cho đơn giản, phù hợp với địa phương. Đặc biệt, anh chế lại thành công hệ thống tưới nhỏ giọt dễ sử dụng, giá thành rẻ, giảm được chi phí điện, nước, hạn chế tối đa thất thoát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công lao động.

Với hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, mô hình trồng ớt ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến Israel của anh Nguyễn Duy Thanh được nhiều thanh niên, nông dân trong và ngoài huyện đến tìm hiểu, học hỏi và làm theo, bước đầu mang lại hiệu quả, cải thiện cuộc sống. “Hiện, tôi có kế hoạch xây dựng nhà lưới trồng thổ canh ớt với mong muốn xây dựng một dây chuyền khép kín từ đồng ruộng đến bàn ăn. Đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng với năng suất, sản lượng cao, góp phần đưa nông sản Việt vào thị trường khó tính”- anh Thanh chia sẻ./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết