Tiếng Việt | English

17/10/2018 - 21:05

Bỏ phố về quê làm bà chủ

Họ là những nữ cử nhân quyết định rời phố thị về quê lập nghiệp. Mỗi người một hoàn cảnh, một lựa chọn nhưng có chung tâm huyết và sự nhẫn nại dành cho con đường mình đã chọn.

Chủ trang trại heo ứng dụng công nghệ cao

Đến nay, chị Lê Thị Tuyết Trang, ngụ ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có hơn 4 năm làm nghề chăn nuôi heo nái và heo thịt. Từ chăn nuôi nhỏ, lẻ 1-2 con heo nái để bán heo giống, giờ đây, chị là chủ trang trại heo với hơn 20 con nái, chuyên cung cấp heo thịt và heo giống ra thị trường. Nói về hành trình 4 năm gầy dựng trang trại, chị Trang chỉ tóm tắt trong vỏn vẹn 1 câu: “Nhẫn nại và quyết tâm học hỏi”.

Chị Lê Thị Tuyết Trang trong trang trại của mình

Tốt nghiệp đại học, vì hoàn cảnh gia đình, chị Trang và chồng rời thành phố về quê lập nghiệp. Chị bắt đầu nuôi heo để có thêm thu nhập lúc ở nhà chăm sóc con nhỏ. Những ngày đầu, việc chăn nuôi gặp không ít khó khăn, phần vì chị chưa quen, phần vì không có kinh nghiệm nên hết lứa heo này đến lứa heo khác gặp trục trặc. Nhưng sự quyết tâm trong chị không cho phép mình bỏ cuộc!

Miệt mài học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, tích lũy kiến thức từ sách vở và qua Internet, chị quyết định chuyển từ nuôi heo truyền thống sang hình thức nuôi heo công nghiệp, ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi. Chuồng trại được đầu tư nghiêm túc và tính toán chi tiết nhằm hạn chế diện tích và giúp bảo đảm vệ sinh chuồng trại.

Cũng bằng cách tự học, chị Trang từ một người không biết gì về chăn nuôi, hiện giờ như một “bác sĩ thú y”. Một mình chị chăm sóc cả trang trại heo, chỉ cần nghe tiếng heo kêu, chị biết heo đang gặp vấn đề gì. Chị Trang chia sẻ: “Tôi nghĩ, kết quả hiện nay là do chúng tôi đã quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn, không nản chí bỏ ngang vào lúc giá heo sụt giảm. Chúng tôi đều là người trẻ, tốt nghiệp đại học nên luôn “hừng hực” khí thế chinh phục cái mới. Chúng tôi có nền tảng để tự học, tự tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi bằng nhiều cách khác nhau, nhờ vậy mà học hỏi được nhiều, ứng dụng vào trang trại của gia đình”.

Thăm trại heo của chị Trang, chúng tôi không ngạc nhiên khi chị là một chủ trang trại thành công. Trại heo diện tích không quá rộng nhưng cách tổ chức rất logic. Heo mẹ, heo con, heo thịt đều có khu vực riêng. Trại sạch sẽ, vệ sinh, có bảng theo dõi chi tiết từng đợt heo. Nhờ vậy, trang trại của chị mang lại hiệu quả cao, hạn chế đến mức thấp nhất thất thoát trong quá trình chăn nuôi. Nói đến thành công, chị Trang khiêm tốn không nhận mình đã thành công, nhưng trang trại heo thực sự mang đến cho gia đình chị cuộc sống ổn định và dự tính mở rộng trong tương lai. Nữ cử nhân ngành kinh tế đã chứng minh được một điều, chị không hề sai khi “bỏ phố về quê” sau khi tốt nghiệp một trường đại học danh giá tại TP.HCM.

Bà chủ bếp

Cũng “rời phố thị về quê” sau khi nhận bằng đại học, chị Nguyễn Thị Quỳnh Như, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, “gom góp” cho mình kha khá thành công trên con đường đã chọn. Bằng bàn tay khéo léo và đam mê nấu nướng, chị chọn nghề làm bánh. Với sự tinh tế và sáng tạo của người phụ nữ, chị Quỳnh Như tạo ra nhiều loại bánh vừa ngon, lạ miệng, lại vừa đẹp mắt. Chị kể: “Tốt nghiệp đại học, tôi lập gia đình và sinh con. Vì biến cố,tôi phải nghỉ làm, ở nhà tận tâm chăm sóc con. Lúc ấy, tôi nghĩ mình cần tìm công việc gì đó để có thêm thu nhập. Vậy là tôi học làm bánh!”.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Như với sản phẩm bánh bông lan trứng muối, bánh rau câu sinh nhật,... được trang trí cầu kỳ, đẹp mắt

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Như với sản phẩm bánh bông lan trứng muối, bánh rau câu sinh nhật,... được trang trí cầu kỳ, đẹp mắt

Trước khi học, chị tìm hiểu kỹ thông tin các loại bánh, lớp học và lựa chọn lớp phù hợp nhất cho mình. Sau khi hoàn thành các lớp cơ bản, chị lại mày mò tự học trực tuyến để nâng cao tay nghề và tìm cảm hứng sáng tạo cho các “tác phẩm” của mình. Giờ đây, chị Quỳnh Như có thể làm được nhiều loại bánh: Rau câu sinh nhật, bánh bông lan trứng muối, bánh bò thốt nốt,... Mỗi loại bánh đều có công thức riêng, đòi hỏi người làm phải thật khéo léo mới có thể cho ra những sản phẩm hoàn hảo nhất. Chị Quỳnh Như vui vẻ: “Đối với tôi, làm bánh giờ đây như một đam mê, ngày nào không được làm bánh là ngày ấy tôi cảm thấy buồn. Tôi đặt hết tâm tình vào từng sản phẩm nên luôn muốn bánh mình làm ra phải thật hoàn hảo”. Chính vì vậy, chị chọn những loại nguyên liệu tốt cho sản phẩm của mình, ưu tiên sử dụng màu và hương liệu nguồn gốc thiên nhiên: Màu xanh lá dứa, màu hồng lá cẩm, thanh long, màu biếc hoa đậu, màu nâu của cà phê,... Chị nói: “Sử dụng màu tự nhiên có thể cực hơn một chút, nhưng bánh sẽ ngon và lành hơn”.

Từ nguồn vốn vay của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã nhận ủy thác, chị đầu tư mua lò nướng, khuôn bánh để phát triển nghề nghiệp của mình. Là người trẻ, chị tận dụng tuyệt đối các tiện ích của công nghệ thông tin. Bánh chị làm chủ yếu được bán qua mạng xã hội. Mỗi sản phẩm rao bán đều bảo đảm tiêu chí: Ngon, đẹp và an toàn nên lượng khách ngày càng tăng. Chị chia sẻ: “Hầu như ngày nào tôi cũng làm bánh giao cho khách. Mạng xã hội là kênh quảng cáo và phân phối chính của tôi hiện tại. Nó khá hiệu quả!”.

Giờ đây, chị Trang, chị Quỳnh Như đã đạt những thành công nhất định. Các chị chứng minh được một điều, phụ nữ “chân yếu, tay mềm” nhưng khi có sự quyết tâm và kiến thức thì lựa chọn nào cũng mang đến thành công!

Phương Phương - Như Ý

Chia sẻ bài viết