Tiếng Việt | English

18/01/2018 - 20:03

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Ký hợp đồng BOT Cai Lậy tôi không tư túi'

Bị "truy" việc ký hợp đồng BOT Cai Lậy khi còn là thứ trưởng, bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể khẳng định khi đó "không có tư túi, không lợi ích nhóm, không làm cong bẻ sai".

Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể chủ trì họp báo ngày 18/1 - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Trong bối cảnh các trạm thu phí BOT liên tiếp bị phản ứng thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp báo lúc 17h hôm nay 18/1 do bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì, có mặt đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Thông tin truyền thông.

Khó hút đầu tư nếu BOT tiếp tục nóng

Mở đầu họp báo, bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh BOT là chủ trương đúng trong bối cảnh nguồn lực nhà nước hạn chế, cần huy động nguồn vốn xã hội hóa làm giao thông. Nếu không thu hút được thì hệ thống giao thông lạc hậu.

Giai đoạn trước tháng 10/2017, chưa có nghị quyết của Quốc hội nên vẫn cho thực hiện trên các tuyến đường đã có. Từ tháng 10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết chỉ rõ không làm dự án BOT trên đường cũ.

Các trạm BOT làm trên các tuyến đường đã có là nguyên nhân khiến gần đây một số lái xe, bà con, doanh nghiệp phản ứng. Bộ trưởng Thể nhận định phản ứng này là tất yếu. 

"Vì khi triển khai xây dựng thì chưa thu phí. Nhưng khi mấy chục trạm thu phí vận hành cùng lúc, người dân phải trả phí nhiều và có ý kiến phản ánh", bộ trưởng nói. 

Các điểm nóng BOT, theo ông Thể, khởi sự từ cầu Bến Thủy, Nghệ An sau đó lan rộng ra, cao điểm gần đây là BOT Cai Lậy (Tiền Giang), với dư luận đề nghị đưa trạm này về đúng tuyến tránh, dù theo bộ trưởng, quốc lộ 1 qua Cai Lậy cũng được đầu tư nâng cấp cải tạo bằng vốn BOT thay vì ngân sách.

"Tuy nhiên, các dự án BOT nóng không phải là các tuyến tránh nữa mà ở cả các dự án trên quốc lộ. Nóng này bản chất hoàn toàn khác với BOT Cai Lậy", bộ trưởng GT-VT cảnh báo rằng nếu vấn đề trạm BOT tiếp tục nóng lên, sắp tới sẽ khó kêu gọi được đầu tư vào cao tốc Bắc - Nam.

Các giải pháp gần đây, bộ trưởng cho biết, là rà soát giảm giá tại 51/55 trạm BOT, đẩy nhanh quyết toán dự án BOT - nhà đầu tư nào chậm trễ sẽ không cho thu phí, thanh tra các dự án BOT để đảm bảo không có sai, lạm dụng, khuất tất, trong năm 2019 triển khai thu phí tự động...

"Bộ GT-VT sẽ làm hết trách nhiệm của mình để các trạm BOT ổn định lâu dài, thu hút được đầu tư BOT trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Thể nói.

BOT nóng có trách nhiệm của địa phương

Báo Tiền Phong hỏi Bộ GT-VT về tình trạng mất trật tự tại các trạm BOT: "Xin hỏi hợp đồng có ràng buộc trách nhiệm chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh không?"

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh trách nhiệm của địa phương trong đảm bảo an ninh trật tự là rất lớn. 

"Đa số dự án là các địa phương đề xuất và Bộ GT-VT làm phương án, địa phương đồng thuận mới triển khai. Vì vậy, địa phương phải có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự cùng các cơ quan chức năng khác", ông Thể nói.

Báo Tiền Phong tiếp tục nêu việc một số địa phương đòi "dỡ trạm BOT" như Thái Nguyên, Bắc Giang, Cai Lậy (Tiền Giang), muốn biết Bộ GT-VT xử lý tình huống này thế nào.

Bộ trưởng Thể nói: "Dự án BOT có 7 bộ ngành, địa phương tham gia đánh giá, rà soát. Vì vậy, BOT nóng không chỉ là trách nhiệm của Bộ GT-VT mà có cả địa phương. Một số địa phương đề xuất phương án mà Bộ GTVT không có thẩm quyền quyết định hoàn toàn mà phải lấy ý kiến các bộ ngành khác, và có phương án trình Thủ tướng quyết định".

Với các hành vi cản trở giao thông xảy ra tại các trạm BOT, thiếu tướng Trần Sơn Hà - cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an - cho biết hình ảnh xe qua trạm BOT đều được camera lưu lại đầy đủ, khi có yêu cầu của các cơ quan, chính quyền địa phương sẽ cung cấp.

Báo Thanh Niên hỏi về việc xử lý BOT Cai Lậy, bộ trưởng Thể cho biết phải xem xét tổng thể. 

"Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy 1-2 tháng để nghiên cứu phương án tổng thể. Bộ GT-VT đang phối hợp các bộ khác thực hiện. Phương án thì có nhiều nhưng chúng tôi chưa biết Thủ tướng quyết phương án nào. Khi Thủ tướng quyết định sẽ có thông báo chính thức", ông Nguyễn Văn Thể nói.

Đại diện các bộ Công an, Thông tin truyền thông và Văn phòng Chính phủ tại họp báo - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Bộ trưởng thấy trách nhiệm thế nào khi là người ký BOT Cai Lậy?

Báo Tuổi Trẻ: "Một số trạm BOT bị phản ứng, Bộ GT-VT có giải pháp gì để đảm bảo an ninh trật tự khi chưa có phương án giải quyết, để không gây bất ổn xã hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán?"

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "Chúng tôi tiếp thu, xem xét các phản ứng hợp lý của người dân để điều chỉnh cho tốt. Còn phản ứng không chính đáng, ảnh hưởng đến dòng xe lưu thông là trái pháp luật. Bộ GT-VT đã có chủ trương tất cả các trạm xả khi ùn tắc đến bao nhiêu km. Nếu trạm nào không thực hiện chính quyền địa phương xử lý nghiêm.

Có những hành vi cản trở giao thông dẫn đến ùn tắc rất nhanh. Như BOT Cai Lậy 26.000 xe đi qua ngày đêm, vài xe phản ứng dừng một lát thì ùn tắc 5-7km. Chúng tôi xả mà họ không đi thì vẫn ùn tắc kéo dài. Vì vậy nhiều khi người dân phải thông cảm, không phải xả là hết ùn tắc ngay".

Báo Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về vai trò của địa phương: "Chính quyền trước khi thực hiện dự án đã đồng thuận với phương án Bộ GT-VT đưa ra, giờ nhiều nơi lại phủ nhận. Bộ trưởng đánh giá thế nào? Việc này liệu có làm giảm chỉ số niềm tin với nhà đầu tư BOT đường cao tốc Bắc - Nam?"

Việc này, theo bộ trưởng, Bộ GT-VT cũng đã tiếp thu và báo cáo Chính phủ. "Cái nào thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ xử lý. Chính phủ tùy vào các giải pháp, nguồn lực để xem xét cụ thể", ông Thể nói.

Câu chuyện của trạm BOT Tào Xuyên đặt trên quốc lộ 1 để thu cho đường tránh TP Thanh Hóa bị dân phản ứng được báo Tuổi Trẻ nêu ra: "Nhưng các trạm BOT sau này như Cai Lậy lại nhân rộng mô hình trạm Tào Xuyên. Khi làm thứ trưởng Bộ GT-VT, bộ trưởng đã thay mặt Bộ ký hợp đồng một số dự án BOT như Cai Lậy, ông thấy trách nhiệm của mình thế nào, ông có muốn giải thích gì với người dân không?"

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời: "Hiện nay chúng tôi đã dừng nhiều dự án BOT chậm tiến độ, không làm những dự án BOT trên đường cũ, thì không lặp lại như BOT Cai Lậy. Dự án BOT Cai Lậy triển khai trước năm 2016 nên có yếu tố lịch sử. Khi hoàn thành thì vận hành theo chủ trương khi đàm phán thực hiện. Những bất cập như ở BOT Cai Lậy hay các dự án khác được xem xét xử lý cụ thể. Chính phủ sẽ xem xét tổng thể hoặc riêng lẻ với từng dự án.

Về trách nhiệm khi ký hợp đồng BOT Cai Lậy, tôi khẳng định bản thân không có tư túi, lợi ích nhóm, không làm cong bẻ sai. 

Phán quyết thế nào thì thanh tra, kiểm toán, Ủy ban Kiểm tra trung ương đang vào cuộc xem xét toàn bộ dự án BOT quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Cơ quan chức năng sẽ công bố, nói tôi đúng, sai bây giờ tôi cũng không thể nhận thế nào cho đúng".

Phản ứng các trạm BOT đang lan rộng

Từ cuối năm 2017 đến nay, giới tài xế và các doanh nghiệp vận tải đã liên tục phản ứng tại các trạm BOT, đặc biệt ở khu vực phía Nam, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Tiêu biểu trong đó là dự án BOT Cai Lậy (nằm trên quốc lộ 1 thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang), bị phản ứng vì vị trí đặt trạm thu phí bất hợp lý.

Liên tục trong những ngày đầu tháng 12/2017, trạm này lâm vào tình trạng "thất thủ", liên tục xả trạm vì tài xế không chịu trả phí hoặc trả phí bằng tiền lẻ mệnh giá nhỏ, gây ùn tắc nghiêm trọng trên quốc lộ 1.

Đến ngày 4/12, tại cuộc họp của thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tạm dừng thu phí tại trạm BOT Cai Lậy 1-2 tháng để tiếp tục làm rõ mọi vấn đề và giao Bộ GTVT đề xuất phương án.

Tình trạng căng thẳng tương tự cũng xảy ra tại nhiều nơi khác như trạm BOT Ninh An (Khánh Hòa), trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, trạm BOT Sóc Trăng; trạm thu phí T2 thuộc dự án BOT quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, trạm BOT Sông Phan (Bình Thuận)...

Việc các trạm thu phí ùn tắc, liên tục đóng - xả trạm ảnh hưởng đến việc đi lại của nhiều trường hợp như xe cứu thương, xe tang, xe chở hàng đông lạnh...

Bộ GT-VT đánh giá là việc phản ứng của các tài xế tại các trạm BOT đang "lan rộng", với các hành vi điển hình như cố tình không mua vé, dàn hàng ngang, không di chuyển theo hướng dẫn, cố tình gây ùn tắc; tông hỏng barier để vượt trạm; đỗ xe trong phạm vi trạm để lau chùi, rửa xe; đòi lại tiền...

Nói về nguyên nhân, Bộ GT-VT thừa nhận có việc "lựa chọn vị trí đặt trạm và chính sách phí tại một số dự án còn bất cập", cũng như chất lượng dịch vụ kém, đường hư hỏng, xuống cấp không kịp thời sửa chữa./.

Theo Tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích