Tiếng Việt | English

13/06/2020 - 21:35

Bộ trưởng Nông nghiệp: Sớm đưa giá thịt lợn xuống mức hợp lý

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường nhận định không thể kết luận giá thịt lợn sẽ giảm xuống bao nhiêu, nhưng cố gắng để cung cầu gặp nhau sớm và có mức giá phù hợp nhất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình trước Quốc hội một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như giá thịt lợn trên thị trường; tình hình sạt lở hạn hán tại nhiều vùng trên cả nước cũng như việc chi trả dịch vụ bảo vệ rừng.

Đảm bảo lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch COVID-19

Đánh giá khái quát tình hình phát triển ngành nông nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đại dịch COVID-19 đã tác động đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Riêng ở ngành nông nghiệp sự tổn thương ở mức độ gay gắt hơn còn do tác động cực đoan của thời tiết, khí hậu.

Theo Bộ trưởng, năm 2020 có diễn biến thời tiết cực đoan, nhiều điểm rất bất thường. Chưa năm nào cả ba miền Bắc, Trung, Nam vào vụ Xuân đều gặp hạn như năm nay.

Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt qua mốc lịch sử năm 2016. Một điểm nữa, dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, sâu keo mùa Thu, dịch châu chấu châu Phi cũng là những mối đe dọa đối với ngành nông nghiệp.

Trước tình hình trên, trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ đã yêu cầu ngành nông nghiệp, khu vực nông nghiệp, bằng mọi giá phải đạt hai khối chỉ tiêu là lương thực và thực phẩm.

Thực hiện phương châm chỉ đạo chung của Trung ương, ngành cũng như các địa phương, các thành phần kinh tế, bà con nông dân đã có nhiều cố gắng và đạt được mục tiêu lương thực rất đáng mừng.

Trong vụ Xuân ba miền Bắc, Trung, Nam thu hoạch xong 3 triệu ha với sản lượng cao, năng suất bình quân 60 tạ/ha; tổng sản lượng đảm bảo được 20,5 triệu tấn lương thực, đạt mức cao nhất trong vài năm gần đây.

Tính đến hết 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 3 triệu tấn, tăng 5,5 % về lượng; 19 % về giá trị với mức 1,42 tỷ USD.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ giao cho khu vực nông nghiệp nhiệm vụ sản xuất 14,5 triệu tấn thực phẩm bao gồm 5,8 triệu tấn thịt; 8,5 triệu tấn thủy sản các loại; 14,6 tỷ quả trứng; 1,2 triệu tấn sữa.

Đến nay, theo Bộ trưởng, tất cả mục tiêu này đều được ngành nông nghiệp cơ bản đáp ứng trừ việc giá thịt lợn còn cao. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1 % so với cùng kỳ. Đây là sự cố gắng vượt bậc của các thành phần kinh tế dưới sự chỉ đạo chung của cả hệ thống chính trị.

Lý giải chi tiết về câu chuyện giá lợn cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc tới dịch tả lợn châu Phi. Đây là một dịch bệnh rất đặc biệt, hết sức nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn trên thế giới cũng như Việt Nam.

Tháng 8/2018, dịch đã xảy ra lần đầu tiên tại Trung Quốc, sau 18 tháng dịch lan sang 33 nước. Tính đến tháng 12/2019, tổng đàn lợn của toàn thế giới đã bị giảm 12 %. Trung Quốc, quốc gia bị tổn thương nhất, giảm tới 53 %, kéo theo hệ lụy là khủng hoảng thực phẩm, đẩy giá thịt lợn lên cao. Trong quý 1 vừa qua, nước này phải nhập 1 triệu tấn thịt lợn.

Tại Việt Nam dịch tả lợn châu Phi khiến khoảng 6 triệu con lợn bị tiêu hủy, giảm 20 % tổng đàn. Đây chính là nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng biến động giá thịt lợn thời gian qua .

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã có chủ trương phát triển các nhóm thực phẩm khác như gà, thủy sản, trứng.

Cuối năm 2019, nhóm thực phẩm này bù đắp được 760.000 tấn thực phẩm thiếu hụt do lợn bị dịch, do đó đã không xảy ra thiếu thực phẩm.

Tuy nhiên, do mất 20 % tổng đàn lợn trên cả nước và việc phục hồi đàn cần có lộ trình, theo kế hoạch, đến quý 4 tới tổng đàn lợn mới đạt 31 triệu con, bằng số lượng lợn trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Chăm sóc đàn lợn thịt tại trang trại. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đẩy nhanh quá trình khôi phục đàn lợn, tuy nhiên phải đảm bảo tái đàn bền vững, không tái đàn một cách bừa bãi, tránh nguy cơ dịch tả lợn châu Phi quay trở lại. Trong tái đàn cần chú ý tới các hộ nhỏ lẻ, trang trại. Điều này gặp khó khăn vì hiện nay giá con giống rất cao và lợn giống không sẵn.

Để giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp yêu cầu 15 đơn vị chăn nuôi lớn không chỉ chăm lo con giống cho doanh nghiệp mình mà phải cung cấp con giống cho thị trường, đặc biệt là người chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đồng thời, hiện nay rất nhiều địa phương đã ra được các chính sách hỗ trợ người dân chăn nuôi lợn; thành phố Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ tới 4 triệu đồng/con giống; Nghệ An hỗ trợ 2 triệu đồng/con giống.

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị người tiêu dùng lựa chọn các thực phẩm đa dạng, không tập trung sử dụng thịt lợn: “Thịt gà rất tốt, cá tôm, trứng trứng cũng vậy, đều của nông dân cả. Chúng ta san sẻ rổ thực phẩm ra, vừa bổ dưỡng tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực cho một ngành hàng nào,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề.

Cho rằng cần có hướng kiểm soát, không để xảy ra chuyện trục lợi, không để tăng giá và từng bước đưa giá thịt lợn xuống mức hợp lý, Bộ trưởng nhận định, không thể kết luận giá thịt lợn sẽ giảm xuống bao nhiêu, nhưng cố gắng để cung cầu gặp nhau sớm và có mức giá phù hợp nhất.

Ứng phó với tình trạng sạt lở, hạn hán

Đánh giá về tình hình sạt lở, hạn hán tại nhiều khu vực trên cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang gặp một trong những hệ lụy của biến đổi khí hậu và yếu tố thượng nguồn, đó là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển; đặc biệt là ở 744km bờ biển Đông, bờ biển Tây và hai con sông lớn là sông Tiền, sông Hậu.

Theo số liệu do Bộ trưởng cung cấp, có khoảng 242 điểm với chiều 349km sạt lở nghiêm trọng, cần khoảng 18.00 tỷ đồng để ứng phó. Các giải pháp ứng phó sẽ gồm cả các giải pháp mềm như bố trí lại đời sống, kinh tế, sản xuất cho một bộ phận người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng sạt lở.

Sạt lở làm một bên mố cầu Rạch Cam sụp xuống sông, chia cắt giao thông trên đường tỉnh 918, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Đối với tình trạng hạn hán ở vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, một mặt phải bố trí các giải pháp bền vững, đặc biệt là phát triển trồng rừng; cùng với đó là giải pháp công trình lớn như hồ Tân Mỹ của Ninh Thuận với dung tích 220 triệu m3, giúp giải quyết cơ bản bài toán hạn hán của khu vực phía Bắc tỉnh Ninh Thuận.

Một số hồ nữa của Bình Thuận, Khánh Hòa cũng được xây dựng, dự kiến hoàn thành trong tháng 11 tới. Riêng ở khu vực Tây Nguyên sẽ hướng xử lý với việc thiếu hụt 54 hồ như hiện

Về vấn đề chi quỹ dịch vụ môi trường rừng và các nội dung trong công tác rừng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết tổng diện tích rừng trên toàn quốc hiện nay là 14,5 triệu ha với hệ số che phủ tới 42 %. Đây là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị.

Để đạt được điều này, ngành đã tập trung vào hai khối, một là phát triển rừng tự nhiên bằng các cơ chế, chính sách hiệu quả như Nghị định 75 của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, giúp hỗ trợ bà con 15kg gạo/khẩu/ tháng;

Quyết định 886 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, theo quy định về quỹ dịch vụ môi trường rừng, hiện nay, bà con chăm sóc, bảo vệ rừng đang được hỗ trợ 250.000 đồng/ha/tháng. Kinh phí này, theo Bộ trưởng, đã tăng gấp 4,5 lần so với trước đây.

Tuy nhiên, Bộ trưởng hoàn toàn đồng tình với ý kiến cho rằng mức chi này chưa đủ, thậm chí phải tăng gấp mấy lần mới đủ để người dân tham gia giữ rừng bền vững, có trách nhiệm cao.

Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ khảo sát, đánh giá lại để xây dựng một Chương trình phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó có việc tăng mức đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ rừng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích