Tiếng Việt | English

22/10/2015 - 19:56

Bộ trưởng Quốc phòng: "Không đi với nước lớn này để chống nước lớn khác"

“Trong hợp tác với các nước, phải hết sức chú ý quan hệ với nước lớn, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc. Nếu quan hệ tốt với cả hai, Việt Nam sẽ giữ được thế cân bằng, độc lập, chủ động. Nguyên tắc là không đi với nước lớn này để chống nước lớn khác” – Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói.

 

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Chiều 22/10, tại phiên thảo luận ở các tổ đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dành gần trọn 1 tiếng đồng hồ trình bày để các đại biểu cùng tổ hiểu rõ hơn về tình hình an ninh quốc phòng của đất nước trong giai đoạn hiện nay. PV Dân trí lược ghi bài phát biểu thẳng thắn, gan ruột của Bộ trưởng Quốc phòng.

“Trong báo cáo mà Thủ tướng trình bày trước Quốc hội vừa qua có đánh giá, quốc phòng - an ninh được tăng cường và chủ quyền quốc gia được giữ vững. Trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược của đất nước, chúng ta có hai nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhiệm vụ xây dựng đất nước chúng ta thảo luận và bàn rất kỹ, từ Trung ương cho tới Quốc hội, cấp ủy chính quyền, hội đồng nhân dân, nhưng riêng nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, đối ngoại thì thông thường trong các báo cáo với Quốc hội cũng chỉ nói tóm tắt những điểm chính thôi. Đây là những vấn đề mà thường thì Bộ Chính trị, rồi các tỉnh thành ủy do cấp ủy, các đồng chí lãnh đạo chỉ đạo theo nguyên tắc tuyệt đối, trực tiếp đối với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước nên không có báo rộng ở Quốc hội.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ cũng phải chủ động cung cấp thông tin và giải trình các phạm vi, lĩnh vực mình phụ trách.

Về tình hình quốc phòng gắn với an ninh đối ngoại có thể thấy, 5 năm vừa qua, tình hình thế giới có những diễn biến mau lẹ, có những cái chúng ta không lường hết được, điển hình như việc xảy ra tại Ukraine, cuộc khủng hoảng di cư, giá dầu giảm sâu... chúng ta cũng không lường trước được hết và thực tế, những diễn biến đó đều ảnh hưởng đến Việt Nam.

Tình hình chung của khu vực chúng ta thì có vấn đề Biển Đông có diễn biến phức tạp. Hoạt động diễn biến hòa bình, gây bạo loạn lật đổ trong nước cũng rất khó lường. Một số tổ chức đã hình thành, tổ chức đối lập với tổ chức chính trị của chúng ta hoạt động khá công khai. Khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tăng lên, tập hợp lực lượng, lôi kéo các nước nhỏ khác có diễn biến khá phức tạp. Nếu xử lý không khéo có thể dẫn đến mất ổn định.

5 năm qua, ở ngoài biển có cũng có nhiều vụ việc phức tạp. Năm 2011 có vụ Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, năm ngoái có vụ giàn khoan 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của chúng ta. Năm 2011 xảy ra vụ Mường Nhé - Điện Biên nên phải xử lý.

Trước tình hình như thế, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đều chỉ đạo trực tiếp điều hành quyết liệt, kịp thời. Riêng vụ giàn khoan, Bộ Chính trị họp tới 12 phiên, 23 ngày để xử lý. Cụ thể như thế thôi những cũng đủ thấy mất bao nhiêu thời gian công sức.

Nhìn lại mục tiêu bảo vệ đất nước thì chúng ta đặt ra cái gì ? Đó là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích quốc gia dân tộc, hòa bình ổn định, xây dựng và đổi mới đất nước. Đấy là mục tiêu đặt ra, bây giờ điểm lại ta có đạt được cái đó không?

5 năm vừa rồi chúng ta đã đạt được những mục tiêu đó.

Kết quả, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ như Thủ tướng báo cáo là “bảo vệ vững chắc” và thực sự chúng ta đã bảo vệ vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, đảm bảo không ai xâm phạm được. Các điểm đóng quân ở ngoài quần đảo Trường Sa có 33 điểm, các khu vực đảo nổi, đảo chìm chúng ta bảo đảm tất, không mất điểm nào.

Khu vực thềm lục địa chúng ta có 15 nhà giàn DK, là nguồn thu dầu khí của đất nước, vẫn đảm bảo tốt. Trong đó ta có sửa chữa, nâng cấp, cải tạo 6 nhà giàn để cho cán bộ, quân nhân ở. Những nhà giàn trước đây xây từ những năm 87-89 chỉ có tuổi thọ 20 năm, bây giờ tuổi thọ gấp đôi, đảm bảo chắc chắn cho nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, không để nước ngoài tới chiếm đóng xen kẽ vào phức tạp. Cái đó chúng ta đảm bảo được.

Chủ quyền vẫn đảm bảo tốt, toàn bộ giàn khoan của chúng ta với mấy chục giếng khoan dầu cũng vẫn được bảo vệ tốt, không có giếng nào ngừng hoạt động. Hoạt động khai thác về nghề cá của ngư dân không ảnh hưởng gì cả. Trong 200 hải lý bà con vẫn đánh cá bình thường, vẫn ra Trường Sa đánh cá bình thường. Những âu tàu chúng ta làm vẫn đang khuyến khích bà con ra đó đánh cá bình thường. Bây giờ có đảo Song Tử Tây cũng có âu tàu rồi, đang làm tiếp ở đảo Đá Tây, rồi chỗ đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn và tiến tới làm một số đảo khác nữa. Ngư dân đánh giá tốt vì đó là những cơ sở vật chất hỗ trợ hậu cần nghề cá. Hạ tầng cải thiện cũng giúp tổ chức các trạm tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên các đảo nổi, đảm bảo cho ngư dân.

Trong hội nhập quốc tế và đối ngoại quân sự, chúng ta luôn luôn giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đóng góp vào đối ngoại Đảng và nhà nước.

Độc lập tự chủ là nguyên tắc vô cùng quan trọng, vì nếu nhận thức lệch lạc, đứng về phía nước lớn này mà quay lưng vào nước lớn khác sẽ dẫn đến những hệ quả phức tạp cho đất nước. Vậy nên chúng ta quán triệt đường lối độc lập tự chủ đóng góp vào tạo môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước.

Trong quan hệ, cần hết sức coi trọng quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới, nhất là quan hệ với Lào, Campuchia. Chúng tôi phải quán triệt cho anh em phải tôn trọng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của bạn. Bạn cũng phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ và chúng ta tin tưởng, không nghi ngờ trong quan hệ với nhau. Cần xác định không thể dùng tư tưởng nước lớn, tư tưởng ban ơn mà chúng ta xác định, giúp bạn là tự giúp mình, mong cho bạn phát triển và tạo điều kiện để giúp bạn trong đào tạo nguồn nhân lực hợp tác biên giới, khắc phục hậu quả chiến tranh, quy tập hài cốt liệt sĩ...

Trong hợp tác với các nước, Việt Nam cũng hết sức chú ý quan hệ với nước lớn, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc. Với Việt Nam, giữ quan hệ với Trung Quốc và Mỹ cực kỳ quan trọng. Nếu quan hệ tốt với cả hai thì chúng ta sẽ giữ được thế cân bằng, độc lập, chủ động. Nguyên tắc là không đi với nước lớn này để chống nước lớn khác. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc lợi dụng lãnh thổ, địa bàn của chúng ta để làm phương hại đến láng giềng an ninh trong khu vực"..../.

Thế Kha/dantri.com.vn

Chia sẻ bài viết