Tiếng Việt | English

17/11/2015 - 21:02

Bộ trưởng Tài chính: Không có “chạy” mức thu phí dự án BOT

Quy định mức thu phí hoàn vốn dự án giao thông dựa trên đề xuất của Bộ GTVT và hợp đồng BOT nên chưa thấy có hiện tượng “xin - cho”

Liên quan đến ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) về căn cứ xác định mức thu phí hoàn vốn dự án giao thông BOT; cũng như vấn đề liệu có cơ chế “xin - cho” mức thu phí hoàn vốn các dự án này hay không, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã làm rõ điều này trong phần chất vấn và trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo Nghị định số 15 của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng, đề xuất các dự án, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, phê duyệt và công bố dự án, ký kết hợp đồng dự án, quản lý và triển khai xây dựng quá trình khai thác, kinh doanh dự án BOT.

Như vậy, đối với các dự án giao thông thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GTVT. Tuy nhiên, với mỗi dự án giao thồng đều có những điều kiện khác nhau về độ dài xây dựng dự án, địa điểm xây dựng, cấp độ đường… dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án có khác nhau, lưu lượng phương tiện qua lại của từng dự án cũng khác nhau.

“Căn cứ vào tổng mức đầu tư từng dự án, địa điểm đặt trạm, lưu lượng phương tiện qua trạm, dự kiến lưu lượng phương tiện tăng trong những năm tiếp theo… Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ tính toán và xây dựng phương án tài chính của mỗi dự án bao gồm mức thu phí hoàn vốn và thời gian hoàn vốn của mỗi dự án”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định không có hiện tượng “chạy” mức thu phí dự án BOT.

Trên tinh thần này, Bộ GTVT sẽ đàm phán với nhà đầu tư về phương án triển khai dự án và lập hồ sơ, thủ tục xin cấp phép đầu tư và ký kết hợp đồng BOT dự án theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án hoàn thành, căn cứ vào mức thu phí tại hợp đồng BOT, nhà đầu tư có văn bản đề nghị với Bộ GTVT xem xét và đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn của từng dự án.
Trong quá trình xem xét, ban hành Thông tư quy định mức thu phí, Bộ Tài chính theo đúng quy định của pháp luật sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh nơi đặt trạm thu phí, đăng tải thông tin lên cổng thông tin điện tử của Bộ cũng như của Chính phủ để lấy ý kiến, giải trình tiếp thu, hoàn thiện, cuối cùng mới ban hành Thông tư chính thức.

“Có thể hiểu được là quá trình xây dựng, ban hành văn bản thu phí dự án BOT là công khai, minh bạch, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và hợp đồng BOT nên Bộ Tài chính chưa thấy có hiện tượng “xin - cho”, hay nói đúng hơn là có hiện tượng “chạy” các mức thu phí của từng hợp đồng BOT”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Thặng dư bán vốn của SCIC đạt 5.360 tỷ đồng

Cũng tại phiên chất vấn, khi làm rõ quá trình thanh kiểm tra và kiểm toán đối với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong 10 năm qua, cũng như việc tiếp nhận vốn và thoái vốn của đơn vị này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 10 năm qua đã có 9 cuộc thanh tra, kiểm toán độc lập tại SCIC theo quy định.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện tổng cộng thêm 10 lần. “Như vậy công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm toán tại SCIC trong 10 năm qua là đầy đủ và toàn diện. Các kết luận về thanh tra kiểm tra đều được công bố theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra kiểm tra và kiểm toán”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Đối với việc tiếp nhận vốn và thoái vốn, trong thời gian vừa qua, SCIC đã tiếp nhận vốn nhà nước tại 980 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 8.518 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn tại 811 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn nhà nước tại 733 doanh nghiệp, bán bớt phần vốn nhà nước tại 78 doanh nghiệp; bán quyền mua lại 19 doanh nghiệp với tổng doanh thu bán vốn đạt 9.243 tỷ đồng/giá vốn 3.925 tỷ đồng, thặng dư bán vốn đạt 5.360 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, theo quy định, SCIC quy định hạch toán thặng dư bán vốn 5.360 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ. Trong giai đoạn từ 2013 trở về trước, phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ được tiếp tục bổ sung quỹ đầu tư phát triển của SCIC. Từ năm 2013 đến nay, phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ, SCIC nộp vào NSNN theo đúng quy định của Nghị quyết Quốc hội.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ngoài việc tiếp nhận vốn và thoái vốn tương đối tốt, đầu tư của SCIC hiện nay chưa nhiều. Hiện SCIC mới mua Trái phiếu Chính phủ 5.000 tỷ đồng; tham gia đầu tư vào dự án Nhà máy thuốc chữa ung thư với tổng số vốn 525 tỷ đồng với vốn chủ sở hữu là 157 tỷ đồng, trong đó SCIC đóng 77 tỷ đồng (tương đương 49%), hiện dự án đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư.

Ngoài ra, SCIC cũng đầu tư vào dự án Nhà máy nước Sông Đà 2 với tổng số vốn 5.551 tỷ đồng, trong đó SCIC tham gia 100% vốn chủ sở hữu là 1.665 tỷ đồng, dự án đang hoàn thiện để đề xuất đầu tư. Hiện nay, SCIC cũng như đang nghiên cứu tham gia mua cổ phần của Ngân hàng Quân đội (MB)./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích