Tiếng Việt | English

18/11/2019 - 08:17

Bồi đắp tâm hồn cho học sinh từ những điều rất thực

Suốt cả thời thanh xuân gắn liền với bảng đen, phấn trắng và những nụ cười sáng trong như pha lê của học sinh, cô Phan Thị Lắm - Tổ trưởng bộ môn Văn, Trường THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), có "khối tài sản" vô cùng quý giá, đó là niềm tin yêu, sự kính trọng của bao lứa học trò.

Cô Phan Thị Lắm
Cô Phan Thị Lắm

Cô Phan Thị Lắm chia sẻ: "Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM năm 1988, cô về công tác tại ngôi trường này cho đến nay. Trước đây, cô chỉ làm công tác chủ nhiệm lớp và giảng dạy. Khoảng năm 2000, khi cô Lộc - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, về hưu, cô được phân công giữ chức vụ này đến giờ. Làm cô giáo là mơ ước của cô từ khi còn bé. Thật ra, khi còn đi học, cô cũng học rất khá các môn tự nhiên, nhưng rồi như "duyên nợ", khi vào học chuyên ngành, thầy cô thấy cô có năng khiếu nên đã hướng cô theo chuyên ngành này. Và càng gắn bó, cô càng đam mê và cảm thấy mình phải có trách nhiệm bồi đắp tâm hồn cho học sinh bằng văn, thơ".

Bắt gặp một thoáng buồn trên gương mặt khi trò chuyện cùng cô, chúng tôi hiểu chỉ còn năm học này nữa thôi, cô sẽ rời xa bục giảng và đám học trò thân yêu. Biết rằng cô đã cống hiến hết thời thanh xuân cho học sinh và trường lớp, đến lúc cô được nghỉ hưu, về vui bên gia đình, nhưng đâu đó với cô Lắm như vẫn có chút gì nuối tiếc. Cô tâm sự: "Nhiều lúc, cô buồn, chỉ "tự trách mình" thôi. Tự trách mình vẫn chưa làm hết sức có thể để học sinh mạnh dạn chia sẻ cùng cô những điều còn vướng mắc. Cô biết, dù các em học sinh rất tin yêu mình nhưng có những lúc, một số em vẫn chưa thật sự mở lòng để tâm sự. Đó là điều nuối tiếc duy nhất của cô".

Suốt 31 năm qua, từ khi về Trường THPT Hậu Nghĩa nhận nhiệm vụ đến lúc sắp nghỉ hưu, cô Lắm không ngừng học hỏi thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và tự tìm hiểu, nghiên cứu để có được những hiểu biết, kiến thức phong phú, phù hợp, phục vụ quá trình giảng dạy của mình. Đối với học sinh, cô tin tưởng giao cho các em chuẩn bị những nội dung trong bài học bằng các hình thức phù hợp với tâm sinh lý ở các độ tuổi, giải quyết các tình huống mang tính thực tế, thuyết trình theo chủ đề, kể chuyện,… Nhờ đó mà học sinh yêu thích môn Văn hơn, tâm hồn và trí tưởng tượng của các em cũng ngày càng phong phú hơn qua cách giảng dạy của cô. 

Những tiết học của cô Lắm bao giờ cũng sôi động, cuốn hút

Những tiết học của cô Lắm bao giờ cũng sôi động, cuốn hút

Cô luôn xem học sinh như những đứa con của mình. Mỗi đứa một cá tính, một thói quen, cô luôn gợi mở để chúng có thể tin cậy chia sẻ cùng cô những điều vướng mắc. Huỳnh Thị An Kiều - học sinh lớp 11A2, Trường THPT Hậu Nghĩa, chia sẻ: "Cô Lắm hiền và rất thương yêu học trò. Cô dạy rất dễ hiểu, giọng nói truyền cảm. Người ta thường nói học môn Văn rất nhàm chán, nhưng học với cô Lắm, chúng em rất thích! Bạn nào có chuyện buồn ở gia đình cũng hay tâm sự cùng cô để được nghe những lời khuyên".

Không bon chen, hơn thua với bất kỳ ai, cô Lắm cứ âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, góp phần bồi đắp tâm hồn cho hàng ngàn học sinh. 31 năm đứng trên bục giảng, "tài sản" mà cô có được là mái ấm gia đình với người chồng luôn thấu hiểu, sẻ chia và 2 người con chăm ngoan (người con gái tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin và có việc làm ổn định; người con trai đang học năm thứ 4, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, ngành Công nghệ sinh học). Một đồng nghiệp của cô Lắm cho biết: "Là Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, cô luôn hỗ trợ đồng nghiệp để họ tham gia các hội thi cấp cao hơn, còn mình thì lùi lại phía sau. Bởi thế, đừng hỏi vì sao các đồng nghiệp (có bạn là học trò cũ của cô) đạt các danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, còn cô thì không".

Và ánh mắt cô chỉ rạng rỡ hẳn lên khi được hỏi về thành tích của đám học trò yêu quý. "Hầu như năm nào cô cũng có học sinh đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Cô không nhớ hết có bao nhiêu em đã đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, chỉ nhớ là từ khi về đây cho đến hết năm học này, cô có 2 học sinh đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia và đoạt giải 3” - cô Lắm chia sẻ.

Một kỹ sư giỏi về thực hành nghề kỹ thuật nào đó có thể thiết kế, chế tạo ra một cỗ máy tốt, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Một "kỹ sư tâm hồn giỏi" có thể giáo dục, bồi đắp, đào tạo được nhiều thế hệ học sinh tốt. Chia tay cô Lắm, chúng tôi vẫn nghe như vẳng lời cô: “Muốn hiểu, giáo dục học sinh tốt nhất, hãy gần gũi, chia sẻ để các em mở lòng với mình và từ từ bồi đắp tâm hồn các em từ những điều rất thực”./.

Đông Đông

Chia sẻ bài viết