Tiếng Việt | English

19/05/2019 - 19:46

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo di chúc Bác Hồ

Đảng cần phải chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau và coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết.

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đưa ra thảo luận trong phiên toàn thể Hội thảo khoa học quốc gia có chủ đề “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”, diễn ra sáng 19/5 tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Ông Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Hội thảo, nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hết sức coi trọng vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng và đặc biệt quan tâm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Trong Di chúc, ngay sau phần nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Trên tinh thần đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tiếp tục thảo luận sâu về 3 chuyên đề chính: “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sối văn hoá  cho thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Phong trào hoạt động cách mạng-môi trường thực tiễn sinh động để đào tạo, bồi dưỡng thanh niên theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”; và “Xây dựng đôị ngũ cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” và việc rèn luyện lề lối, tác phong cán bộ Đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

PGS. TS Trần Xuân Bách đã chỉ ra những thuận lợi của thế hệ trẻ ngày nay, trong đó có việc được tiếp cận với những kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ hàng đầu trên thế giới. Chính vì thế, theo PGS. TS Trần Xuân Bách, thế hệ trẻ ngày nay cần đi sâu tìm tòi, nghiên cứu khoa học để thúc đẩy đất nước nhanh chóng bắt kịp với tốc độ phát triển chóng mặt của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trên toàn cầu.

Các đại biểu cũng đã lắng nghe GS. TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trình bày về mô hình công dân thông minh, công dân toàn cầu của các nước tiên tiến như Singapore, Hàn Quốc, Canada..., trong đó đề cao yếu tố công dân học tập.

Theo GS. TS Phạm Tất Dong, xã hội Việt Nam cần phải thay đổi liên tục để bắt kịp với xu hướng này dù đây không phải là vấn đề mới mà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập sau Cách mạng tháng 8/1945 khi muốn đẩy mạnh việc học tập tại gia đình và trong cộng đồng.

"Sau Cách mạng tháng 8/1945, khi về thăm Thanh Hóa, Người đã chỉ thị cho Thanh Hóa phải thực hiện tỉnh kiểu mẫu. Phải làm cho mỗi gia đình trở thành "gia đình học hiệu" và mỗi người biết chữ phải là "tiểu giáo viên", GS. TS Phạm Tất Dong nói.

Liên quan đến vấn đề xây dựng nội dung và phương thức của phong trào hành động cách mạng thanh niên trong tình hình mới, ông Vũ Mão, nguyên Bí Thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS HCM, nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là phải biết áp dụng những bài học quý giá của các phong trào cách mạng trước đó như Ba sẵn sàng, Năm xung phong, Ba xung kích làm chủ tập thể... vào hoàn cảnh cụ thể ngày nay. Điều cốt lõi là phải khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường trong tình hình mới. Mãi mãi ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ:

"Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên".

Tuy nhiên, một số diễn giả cũng đặc biệt lưu ý về những diễn biến phức tạp trong xã hội có thể ảnh hưởng đến tinh thần phấn đấu của thế hệ trẻ, làm phai nhạt lý tưởng và sự cầu tiến của họ. Điều này đặc biệt nguy hại trong bối cảnh thế giới đang vận động nhanh chóng với những diễn biến hết sức khó lường, việc thiếu sự trui rèn đạo đức cách mạng cũng như không chịu tiếp thu kiến thức khoa học để phát triển bản thân có thể khiến thanh niên Việt Nam trở nên tụt hậu và khó thích nghi với tình hình mới./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết