Tiếng Việt | English

05/02/2019 - 17:45

"Bóng hồng" sau những chiếc đầu lân

Mỗi dịp xuân về, giữa rực rỡ sắc màu là tiếng chập chả rộn rã của các đoàn lân, sư, rồng - biểu tượng cho sự may mắn và thịnh vượng. Đoàn lân biểu diễn những bài múa đẹp, mạnh mẽ, đầy hứng khởi. Vì yêu cầu sức khỏe, người biểu diễn lân, sư, rồng hầu hết là nam giới. Tuy nhiên, đâu đó trong đội ngũ ấy, vẫn có những cô gái “chân yếu tay mềm”, dịu dàng, nữ tính.

“Giấc mơ của con trai!”

Đến nay, có hơn 4 năm, Nguyễn Thị Phúc Hậu (TP.Tân An) theo đuổi nghệ thuật múa lân, sư, rồng. Từ khi còn là học sinh cấp 2, Hậu đã thấy mình có niềm say mê đặc biệt với bộ môn này. Lúc ấy, mỗi lần xem múa lân, Hậu như “uống cạn” từng động tác và ấp ủ giấc mơ được một lần chạm tay vào chiếc đầu lân rực rỡ. Vì là nữ nên Hậu không dám thổ lộ với ai về suy nghĩ của mình bởi hằn sâu trong suy nghĩ nhiều người, lân, sư, rồng chỉ dành cho con trai! Hậu kể: “Hồi đó, có một anh ở gần nhà em tham gia Câu lạc bộ (CLB) Lân, sư, rồng Long Hoa Đường. Mỗi ngày, nhìn thấy anh ấy đi tập, em thích quá nên rủ đứa em họ theo xem mấy anh tập luyện. Rồi em lén xin vô tập”. Năm nay, Hậu 18 tuổi, có 4 năm tập luyện và vô số lần biểu diễn cùng các anh em trong CLB từ sân khấu đến ngoài trời, từ dịch vụ đến phục vụ miễn phí. Hậu nói, càng tập, càng theo đuổi, càng thấy mình gắn bó.

Ngày còn đi học, Hậu vừa học, vừa dành thời gian tập luyện, hôm nào được nghỉ mà có biểu diễn là hôm ấy có mặt Hậu. Bất kể ngày đêm, chỉ cần CLB có tiết mục là có mặt cô gái nhỏ này. Hậu nói, “không biết tại sao mình lại “phải lòng” bộ môn chỉ dành cho con trai này, mà chỉ biết rằng, mỗi khi nghe tiếng trống, chập chả là trong lòng lại rộn ràng không yên”. 

Múa lân, sư, rồng đòi hỏi người múa vừa phải có kỹ thuật, vừa phải có thể lực tốt, nên với nữ cũng có đôi phần hạn chế. Nhiều động tác các bạn nam tập vài lần đã thành thục thì Hậu phải tập đi tập lại nhiều lần. Mỗi bài múa là tổng hòa nhiều động tác nên để theo đuổi múa lân lâu dài, Hậu phải hết sức kiên trì. Hậu kể, những ngày đầu tập luyện, do chưa quen nên thường đau ê ẩm cả người. Chiếc đầu lân nhìn thì đẹp nhưng cầm đến mới biết là rất nặng, vừa giữ đầu lân, vừa múa thực sự không hề dễ. Hậu chia sẻ: “Em là nữ, nên khi múa cùng các bạn nam trong nhóm thường được “cưng”, nhường cho đứng vị trí đầu, đỡ vất vả hơn, nếu đứng đuôi lân, nhiều động tác phải nâng bạn diễn lên, nặng lắm!”. Khi tập luyện động tác khó hoặc trên cao, Hậu luôn được anh em trong CLB giúp đỡ tận tình. Nói về sự quan tâm đó, Hậu cười: “Ở đây, mọi người thân thiết với nhau như anh em trong nhà. Mỗi lần em tập trên cao là ở dưới, mấy anh đứng thành vòng tròn, để lỡ có té thì đỡ cho kịp. May mà em chưa bị té lần nào!”. 

Nữ nhân duy nhất  của lân, sư, rồng Long An

Mặc dù chưa bị té lần nào nhưng tai nạn trong tập luyện và biểu diễn là không thể nào tránh khỏi. Những ngày mới tập, việc bị bong gân, trật khớp, sưng tay, chân là chuyện bình thường. Thời điểm đó, Hậu mang vết thương về nhà mà không dám nói vì sợ gia đình cấm cản. Thấy con gái quá say mê, mẹ Hậu dần ủng hộ cho con được thỏa lòng với những mơ ước của mình.

Với Hậu, múa lân trở thành một phần trong con người em và CLB Lân, sư, rồng Long Hoa Đường trở thành gia đình thứ hai của em. Ở đó, “cô em út” của CLB được học võ, học múa lân và học cả cách cư xử, nói năng để sống sao cho được nhiều người yêu mến. CLB cho em được thực hiện ước mơ và thỏa đam mê của mình. CLB cũng dạy em những bài học về tình anh em và lòng nhân ái. Hậu nói: “Em không nhớ mình đã đi cùng CLB bao nhiêu lần biểu diễn và có bao nhiêu kỷ niệm buồn, vui nhưng có lẽ, những lần biểu diễn miễn phí mỗi dịp tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em vùng sâu là khiến em khó lòng quên được. Đó thường là những chuyến đi xa, vất vả nhưng vui lắm!”. Có lẽ, chính niềm vui ấy là động lực, “mối dây” níu chân Hậu ở lại với CLB và bộ môn nghệ thuật múa lân, sư, rồng. 

Anh Trà Ngọc Hải - Quản lý CLB Lân, sư, rồng Long Hoa Đường, cho biết: “Hậu vừa trở lại tập luyện cùng CLB thời gian gần đây để chuẩn bị cho các chương trình phục vụ tết sau 1 năm đi làm xa. Thời gian trước, ngoài Hậu ra, CLB có một thành viên nữ nữa nhưng do hoàn cảnh gia đình, thành viên ấy không thể tiếp tục tham gia sau gần 5 năm gắn bó. Giờ đây, Hậu là thành viên nữ duy nhất của CLB và gần như là “bóng hồng” duy nhất trong bộ môn nghệ thuật múa lân, sư, rồng của tỉnh”. 

Khi tiếng trống, chập chả vang lên, Hậu xuất hiện trong bộ trang phục múa lân, tay cầm chắc chiếc đầu lân sặc sỡ, nét mặt rạng ngời. Khi bài biểu diễn bắt đầu, người xem chỉ còn thấy những đường múa đẹp mắt của chú lân vừa mạnh mẽ, vừa dễ thương, không ai nhận ra bên trong ấy là một cô gái “chân yếu tay mềm”, có nụ cười tỏa sáng. 

Cuộc sống sẽ còn nhiều thay đổi nhưng đam mê trong cô gái trẻ thì vẫn còn nguyên đó khi em cứ hay nhắc đi nhắc lại: “Sau này, dù có đi làm ở đâu, tết em nhất định sẽ về để còn kịp tập, đi biểu diễn cùng anh em trong CLB!”./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết