Tiếng Việt | English

15/02/2018 - 21:26

Bữa cơm sum vầy, đong đầy hạnh phúc

Chiều cuối năm, bao bộn bề tạm gác lại, nhường chỗ cho sự sum vầy, những nụ cười bên mâm cơm đầm ấm. Bữa cơm chiều cuối năm không đơn giản là bữa cơm sum họp mà còn là dịp để những người con xa quê trở về bên mái ấm gia đình.

Bữa cơm gia đình luôn được gia đình ông Dương Văn Á duy trì

Với gia đình ông Dương Văn Á, ngụ ấp Tân Thanh A, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An bữa cơm gia đình luôn được duy trì. 4 người con của ông đều có gia đình riêng và ở gần nhau nên nhiều năm qua, cứ mỗi buổi chiều, mỗi gia đình lại mang đến một món, cùng quây quần bên mâm cơm ấm áp, đong đầy hạnh phúc.

Riêng bữa cơm chiều cuối năm thì đặc biệt hơn khi tất cả thành viên trong gia đình, dù đi công tác, đi học hay làm ăn xa đều tụ họp về đầy đủ. Ông Dương Văn Á cho rằng: “Bữa cơm chiều cuối năm là dịp để gia đình đoàn tụ, sum vầy, cùng nhau ôn lại chuyện năm cũ và chia sẻ dự tính trong năm mới. Đối với trẻ nhỏ, đây là dịp vui chơi, sum họp để “biết mặt anh, mặt em, người trên, kẻ dưới” trong gia đình, họ hàng. Khi cháy hết ba tuần hương, các thành viên trong gia đình cẩn trọng bưng mâm cỗ dâng cúng tổ tiên trên bàn thờ xuống, cả nhà sum vầy bên nhau”.

Bữa cơm chiều cuối năm với nhiều món ăn truyền thống

Cùng gia đình sum vầy trong bữa cơm chiều cuối năm, chị Dương Thị Thu Thủy không nén được niềm xúc động. Là con dâu trong gia đình nên tết năm nào, chị cũng chuẩn bị nhà cửa thật gọn gàng, sạch sẽ cùng các loại: Bánh, mứt, hương, hoa, rượu và mâm ngũ quả chưng lên bàn thờ tổ tiên với hy vọng năm mới đầy tài, lộc, bình an.

Chị Thủy chia sẻ: “Trong khói hương trầm thơm ngát, bên mâm cơm với những món ăn quen thuộc như thịt kho tàu, khổ qua hầm, dưa cải, củ kiệu,... con, cháu thành kính báo với ông bà, cha mẹ những việc làm trong năm, từ học hành, làm ăn đến chuyện tình cảm, thể hiện hiếu nghĩa. Cha, mẹ tôi cũng không quên nhắc nhở con, cháu phải phát huy truyền thống quê hương, gia đình, trong đó, phải giữ gìn truyền thống chúc tết, thăm hỏi ông bà”.

Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Oanh, ngụ xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, hơn 20 năm qua, dù đi làm xa quê nhưng năm nào, chị cũng tranh thủ về dọn dẹp nhà cửa, cùng các thành viên trong gia đình chuẩn bị bữa cơm chiều cuối năm. “Bưng chén cơm mà lòng thấy bình yên! Bao nhiêu, lo toan thường ngày tan biến, nhường chỗ cho những niềm vui, những câu chuyện tâm tình. Hạnh phúc từ gia đình tuy giản dị nhưng thật chân thành, ngọt ngào và đầm ấm biết bao!” - chị Oanh bộc bạch.

Cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình chọn mua bánh tét, bánh ít, bánh chưng về cúng ông bà, tổ tiên. Còn gia đình chị Oanh, mỗi năm, cứ sau bữa cơm tất niên, cả nhà lại quây quần bên nhau cùng đón giao thừa và canh nồi bánh tét, bánh ít do mẹ gói. Anh chị em cùng nhau chuyện trò, hỏi han và vui sướng khi thấy nụ cười hạnh phúc của cha, mẹ hiền bên những đứa con ngoan, trưởng thành.

Bữa cơm chiều cuối năm là bữa cơm sum vầy, đong đầy hạnh phúc, nét đẹp văn hóa, in đậm trong tâm thức người Việt, trở thành sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình với nhau mỗi khi tết đến, xuân về./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết