Tiếng Việt | English

06/04/2016 - 18:36

Bữa tiệc với những người con biển đảo Lý Sơn

Tôi vừa dự đám hỏi của đứa cháu trai tại một xóm chài ở ngoại ô thị xã biển La Gi (tỉnh Bình Thuận). Ngồi cùng bàn với tôi là những người nói rặc giọng Quảng Ngãi. Bên tôi là ông Hai Võ, chủ hôn phía cô dâu. Ông “xã giao” với tôi: Bà con tui đây đều dân đảo Lý Sơn. Anh có đến Lý Sơn bao giờ chưa? Tôi nói chưa, dù có đi qua tỉnh Quảng Ngãi mấy lần mà không ghé đảo Lý Sơn nổi tiếng được.

Ông nói nổi tiếng chi hè? Tui thấy nó bình thường lắm. Nó có 2 hòn đảo, hòn Lớn và hòn Bé. Hồi xưa, cây ré - cùng họ cây gừng - mọc trùm lên đảo, nên có tên cù lao Ré. Cù lao có 5 ngọn núi mà nguyên thủy đều là miệng núi lửa, gọi Ngũ Linh. Ngọn Thới Lới cao nhất, lên đỉnh núi này nhìn vô thấy bóng đất liền và ở đất liền nhìn ra cũng thấy bóng núi tít chân mây.

Trên mặt đảo đầy dấu vết núi lửa lẫn với đất đá nguội lạnh là thứ thổ nhưỡng cho cây tỏi, cây hành, củ nhỏ mà chất lượng tuyệt vời không đâu có được. Bọn tui sống ở đây, lớp đi biển, lớp làm rẫy. Đất đảo không thể trồng lúa, chỉ trồng khoai, bắp, đậu, mía, tỏi đen, tỏi trắng, hành tím - đều là đặc sản nổi tiếng của đảo từ bao đời nay.

Hồi trước, sống trên đảo, nước ngọt không đủ uống, phải tắm nước biển, da rít chịt hè. Nay nhờ có tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) xây nhà máy lọc nước biển ra nước ngọt đủ để dân trên đảo sinh hoạt. Hàn Quốc còn giúp 2 máy phát điện lớn nên đảo có điện. Có điện, nước, thắng cảnh, di tích,… Có đặc sản rượu hải sâm, tôm hùm, cua huỳnh đế,...

Một góc bến cá La Gi

Dọc bãi biển có nhiều bãi đá kéo ra biển, đứng trên đá nhìn nước trong xanh có đủ loại cá bơi lội. Có hang Câu, hang Cò, hang Kẻ Cướp,… thu hút khách du lịch trong nước, nước ngoài ra đảo Lý Sơn ngày càng đông, Tết Bính Thân rồi đông quá sá.

Tôi hỏi, đảo Lý Sơn diện tích chưa tới 10km2 mà có hơn 23.000 cư dân, vậy chỗ đâu ở cho đủ? Cậu thanh niên ngồi cạnh ông Hai Võ, nói dạ, chen chúc nhau ở, bác à. Dân cố cư trên đảo coi đây là đất thiêng, là tiền đồn của quần đảo Hoàng Sa. Ngư dân đảo Bé, đảo Lớn quanh năm chỉ đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa.

Ông Hai Võ cắt ngang, bảo thằng ni là ngư phủ mới lên 10 đã đi khơi về lộng trên biển Hoàng Sa. Tôi hỏi bà con có gặp tàu cá Trung Quốc nghênh ngang đâm va, cướp phá gì không? Cậu kia nói có chứ bác. Mình chịu nhịn, nó cứ ngang ngược làm tới. Nhưng mà đây là biển đảo của ông cha mình chớ có mắc mớ gì nó đâu.

Ông Hai Võ nói tổ tiên bọn tui nằm dưới biển đó. Trên đảo có 3 xã An Vinh, An Hải, An Bình; xã mô cũng có các nhà thờ cổ kính từ 300-400 năm nay của các dòng họ thờ tổ tiên là dân binh đội Hoàng Sa, Bắc Hải với “trời nước minh mông, người đi thì có mà không thấy về” vì lẽ “Hoàng Sa đi có về không. Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”. Chừ con cháu chỉ biết ông bà qua các mộ gió (không có hài cốt) và bài vị ở nhà thờ họ tộc, ở Âm Linh tự.

Hồi nớ, mỗi người đi mang theo chiếc chiếu với 3 sợi dây mây. Ra Hoàng Sa có bị bão tố hay tai nạn gì mà chết thì người còn sống bó xác trong chiếu thả biển, van vái ơn Trời phù hộ cho xác người chết trôi vào đất liền đặng vợ con chôn cất. Mà xác chìm đáy biển thì trôi vô bờ răng đặng.

Dân đảo thờ thần, thờ Phật, thờ ông Nam Hải cúng kiến hàng năm đều có tiền nhân đi làm chủ 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngày 14 và rằm tháng 3 (sắp tới rồi) là lễ hội Khao lề thế lính do các dòng họ sống lâu đời trên đảo hùn nhau tổ chức cúng tế, nổi trống hội lễ, thả thuyền và hình nhân ra biển, trôi theo sóng nước để thế cho lính đội Hoàng Sa, Bắc Hải.

Tôi góp ý: Theo sử liệu thì từ thời các chúa Nguyễn - thế kỷ 16 trở đi- ấn định số lượng đội Hoàng Sa 70 suất và chỉ lấy người ở xã An Vĩnh. Hằng năm cứ vào tháng 2 (âm lịch) là đội xuất hành với 5 chiến thuyền vượt biển Đông ra Hoàng Sa và Trường Sa thu nhặt hóa vật của tàu bị nạn và tìm kiếm hải vật cho tới tháng 8 mới quay về nạp cho triều đình.

Còn đội Bắc Hải là để tăng cường nhiệm vụ trên đây, do đội Hoàng Sa kiêm quản. Đội này chỉ lấy người ở thôn Tư Chính và xã Cảnh Dương thuộc tỉnh Bình Thuận, hoạt động ở khu vực phía Nam - từ Bắc Hải, Côn Lôn đến các đảo trên vùng biển Hà Tiên. Đọc Địa chí Bình Định, thấy sau khi nhà Tây Sơn lấy được Quảng Nam đến Bình Thuận (cuối năm 1773), thì biển Đông với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa liền được quân Tây Sơn kiểm soát.

Chiến thuyền Đại hiệu của thủy binh Tây Sơn

Địa chí Bình Định có chép một tư liệu đáng chú ý: “Niên hiệu Thái Đức năm đầu đến năm thứ 15 (1778-1792) và niên hiệu Cảnh Thịnh năm đầu đến năm thứ 9 (1793-1801). Khi ấy, John Barrow là phái viên của phái bộ Macartney đi từ nước Anh sang Trung Quốc, ghé qua Đà Nẵng vào tháng 6 năm 1793 (triều vua Quang Toản).

Họ ghi nhật ký A Voyage to Cochinchina, in the year 1792-1793 (Một chuyến du hành tới xứ Đàng Trong, vào những năm 1792-1793), mô tả: Tàu thuyền xứ Đàng Trong có nhiều kiểu dáng khác nhau, được dùng vào việc buôn bán ven biển, chài lưới, thu lượm hải sản và tổ yến trong nhóm quần đảo gọi là Paracels (Hoàng Sa)…”.

Vậy rõ ràng, nhà Tây Sơn vẫn xác lập chủ quyền vững chắc trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Người Việt vẫn thực thi chủ quyền liên tục trên 2 quần đảo này hơn 400 năm qua. Sách Tàu Thánh Vũ Ký của Ngụy Nguyên (1794-1857) ghi: “Di thuyền (thuyền của quân Tây Sơn) cao, to hơn thuyền Trung Hoa, trên đặt nhiều súng, hoành hành lâu năm trên mặt biển và nếu quân nhà Thanh gặp thì cũng khó có thể địch nổi”.

Lại có thêm bằng chứng cho thấy sự hùng mạnh của thủy binh Tây Sơn khi làm chủ các quần đảo giữa biển Đông kia! Tôi đi Huế xem triển lãm ở Thành Nội với rất nhiều hiện vật, hình ảnh, bản đồ…; đặc biệt các loại thuyền chiến thời Gia Long, Minh Mạng trở đi.

Những thuyền chiến từng làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa có chạm hình lên các cửu đỉnh bằng đồn - tượng trưng cho vương quyền triều Nguyễn. Còn ở Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) có mô hình các loại thuyền chiến Đại hiệu trông rất có uy lực. Tàu chiến Tây Sơn có loại tải trọng đến 900 tấn, chở được voi chiến hoặc 700 lính và 60 cỗ “thần công đại bác”,…

Ông Hai Võ nâng ly với tôi và nói mời anh đi Lý Sơn quê tui chơi. Lý Sơn chỉ cách TP. Quảng Ngãi hơn 15 hải lý, tàu cao tốc chạy khoảng 2 tiếng là tới. Anh ra đó để coi Lý Sơn là tiền đồn nơi đầu sóng ngọn gió, ngư dân bám biển, mở thế trận nhân dân, làm tai mắt cho các lực lượng của ta đấu tranh nếu có tàu nước ngoài vi phạm an ninh quốc gia trên biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tôi nhận lời mời của ông chủ hôn họ đàng gái. Họ đúng là những người con của biển đảo quê hương!./.

Quang Hảo 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích