Tiếng Việt | English

27/06/2018 - 12:40

Bức tranh muôn mặt về nghề

Điện ảnh Việt Nam về đề tài báo chí không nhiều nhưng mỗi lần lên sóng lại thu hút đông đảo người xem vì câu chuyện xuyên suốt, chủ đạo trong phim là những vấn đề thời sự lúc bấy giờ. Từ những câu chuyện “nóng” ấy, bao khó khăn, vất vả, hiểm nguy, sự đấu tranh nội tâm,... của những “thư ký thời đại” được khắc họa đa chiều, chân thật.

Phim Đàn trời - cuộc chiến  chống tham nhũng ở  vùng miền núi

Phim Đàn trời - cuộc chiến chống tham nhũng ở vùng miền núi

Những câu chuyện thời sự

Phim chính luận vốn khô khan, khó thu hút người xem, nhất là giới trẻ. Nhưng khi Đàn trời - phim chính luận về nghề báo, dài 36 tập, chiếu trên VTV1 được nhiều người đón nhận vì mạnh dạn “chọc thẳng” vào mảng chống tham nhũng.

Một lần được tặng và đọc “Đàn trời” của nhà văn miền núi Cao Duy Sơn, đạo diễn Bùi Huy Thuần - người thích “cày xới” trên mảnh đất phim chính luận cảm thấy tâm đắc với những vấn đề nêu trong tiểu thuyết. Thế là, bộ phim cùng tên được đạo diễn khai sinh.

Tỉnh Bình Lãng (hư cấu) là địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, điều kiện còn nhiều khó khăn nên được đầu tư Chương trình 135. Và xung quanh chương trình này cũng phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Chủ tịch tỉnh - Đinh Xuân Ấn (NSND Hoàng Dũng đóng) cấu kết với Lương Nhân - giám đốc doanh nghiệp thực hiện dự án từ nguồn vốn 135 để bòn rút.

Kịch tính của phim bắt đầu khi Thức - phóng viên của đài phát thanh và truyền hình địa phương vào cuộc điều tra tiêu cực. Cuộc chiến chống tham nhũng của phóng viên vô cùng cam go khi đối mặt với vị chủ tịch tỉnh tha hóa, đầy quyền uy và một giám đốc đài (Tuệ) nhu nhược.

Đinh Xuân Ấn xòe bàn tay quyền lực, bịt miệng giám đốc đài, tạo nên cuộc chiến giữa giám đốc đài với phóng viên và cuộc chiến trong chính nội tâm của ông Tuệ,... Nhưng rồi, cái tốt vẫn lên ngôi, những tiêu cực ở một vùng nông thôn bị đánh bại khi tác phẩm báo chí được gửi và phát sóng qua đài trung ương, sự thật được phơi bày. Cuộc chiến chống tham nhũng của phóng viên tuy gian nan, nguy hiểm nhưng cuối cùng vẫn nhận về “quả ngọt”. 

Nếu Đàn trời thu hút bởi câu chuyện chống tham nhũng thì Nguyệt thực lại là cuộc chiến giữa cách làm báo truyền thống, chân chính với báo lá cải, chuyên đưa tin giật gân, câu lượt view nên đôi khi sai sự thật. Sơn (diễn viên Thiên Bảo) và Hoàng (diễn viên Minh Luân) đều là 2 cây bút năng lực của báo hiện đại nhưng quan điểm làm báo lại ở 2 chiến tuyến khác nhau. Vì thế, họ xảy ra mâu thuẫn dù từng là bạn thân thời đại học. Sơn là một nhà báo chân chính, cây bút phóng sự điều tra, quyết theo đuổi con đường báo chí chính thống; còn Hoàng - cây bút văn nghệ lại cho rằng, làm báo hiện đại phải đáp ứng cao nhất nhu cầu người đọc, biết tiếp cận vấn đề theo cách giật gân nhất để có thể bán báo. Song hành với câu chuyện về cách làm báo thời hiện đại trong Nguyệt thực còn là mối quan hệ giữa truyền thông và giới showbiz, những scandal được tạo dựng bởi những nhà báo lá cải, những góc khuất của ngành giải trí được phơi bày bởi nhà báo chân chính,... Cũng chính mối quan hệ này đẩy cuộc chiến giữa 2 quan điểm làm báo trái chiều lên đỉnh điểm, tạo nút thắt trong phim.

Nêu cao đạo đức nghề nghiệp

Nói đến nghề báo, nhiều người nói “nguy hiểm, vất vả” nhưng không thể hình dung, mức độ hiểm nguy, gian nan thế nào. Trong Đàn trời, nhà báo là đối tượng bị kẻ xấu lợi dụng và trả thù. Giám đốc Tuệ nhiều lần bị Lương Nhân mua chuộc, Thức suýt trả giá bằng mạng sống chỉ vì chống tiêu cực. Hiểm nguy là thế nhưng những nhà báo chân chính như Thức vẫn giữ đạo đức nghề nghiệp, không để sa chân. Hay Sơn trong Nguyệt thực cũng là cây bút bất chấp hiểm nguy, vượt qua cám dỗ đi tìm lẽ phải.

Vì vậy, khi tòa soạn rơi vào khủng hoảng, phát hành giảm, quảng cáo ít, Sơn được chuyển sang làm ấn phẩm phụ Sành Điệu Star để cùng Hoàng “cứu sống” tòa soạn. Không làm báo kiểu lá cải, lăng xê người mẫu, ca sĩ trong giới showbiz từ con số 0 thành ngôi sao, Sơn vạch trần những mặt trái của mảng này. Thế là, bài không được duyệt, chẳng được đăng. Sau nhiều lần bị phê bình, Sơn phải lựa chọn giữa ở lại làm báo theo kiểu thị trường với rời tòa soạn.

Nghĩ đến việc cả tòa soạn đang chèo chống qua giai đoạn khó khăn, Sơn ở lại, từng bước nhập cuộc và liên tục vấp ngã. Tuy buộc phải làm báo kiểu lá cải nhưng trong Sơn, ngọn lửa đam mê làm báo chính thống chưa lụi tàn. Khi được quay lại mảng đề tài yêu thích, anh có loạt bài gây chấn động dư luận liên quan đến vận chuyển nội tạng động vật thối, tẩy rửa, bán ra thị trường. Loạt bài của Sơn đoạt giải Báo chí Quốc gia, tạo uy tín cho tòa soạn. Sơn được đề bạt làm trưởng ban văn hóa - nghệ thuật, ban phóng sự điều tra, nhận nhiệm vụ giúp ban biên tập cải tổ tờ báo theo hướng hiện đại, chất lượng, gần gũi với bạn đọc.

Phim Nguyệt thực - cuộc chiến giữa  quan điểm làm báo chân chính với báo lá cải

Phim Nguyệt thực - cuộc chiến giữa quan điểm làm báo chân chính với báo lá cải

Bên cạnh những nhà báo chân chính, không ít nhà báo trượt chân, sa ngã. Trong Nguyệt thực, Hoàng bảo kê cho giới showbiz, viết nhiều bài báo sai sự thật để hấp dẫn bạn đọc. Điều này trái với đạo đức nghề nghiệp, làm nhiều nhân vật trong bài viết trở thành nạn nhân của sự đàm tiếu trong dư luận. Hay một giám đốc đài (Tuệ) nhu nhược, bắt tay với kẻ xấu để bưng bít thông tin mà phóng viên dày công thu thập trong Đàn trời.

Từ hình ảnh những nhà báo sa ngã này, nhất là hình ảnh giám đốc Tuệ, báo chí được nhìn với một góc khác. Đó là mối quan hệ giữa truyền thông với giới quyền lực như một “phép thử” để kiểm định bản lĩnh, nhân cách, lương tâm nhà báo trước uy quyền, cám dỗ. Và không ít lần, nhà báo phải giằng níu giữa những mối quan hệ, áp lực này. Ông Tuệ sau nhiều cú trượt dài trong nghề cũng thay đổi tích cực khi đứng trước những đồng nghiệp chân chính. Đàn trời vì thế không đơn thuần chỉ là cuộc chiến chống tham nhũng mà còn là cuộc chiến của chính những người làm báo, của cơ quan truyền thông. Người làm báo, nhất là người đứng đầu phải chiến thắng những tư lợi, quan hệ cá nhân để giữ đúng lập trường, quan điểm, đạo đức nghề nghiệp.

Hiểm nguy, vất vả là sự thật không thể chối cãi của nghề báo qua góc nhìn điện ảnh - đó là một đặc thù nghề nghiệp. Bức thông điệp sâu sắc hơn sau Đàn trời và Nguyệt thực là đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Những bộ phim về nghề báo cũng gieo vào lòng người một niềm tin - tin vào những nhà báo chân chính, sẵn sàng đi đến tận cùng sự việc để nhân cái đẹp, dẹp cái xấu./.

Thúy Vy

Chia sẻ bài viết