Tiếng Việt | English

06/02/2017 - 19:19

Bức tượng đồng đội được tạc bằng lòng mến phục

Ông là cựu chiến binh, một thời trai trẻ có mặt khắp các chiến trường, trong đó có Đồng Tháp Mười. Hòa bình lập lại, ông lặng lẽ làm người “gìn giữ” lịch sử!


Bức tượng "Nam bộ kháng chiến" trong sân nhà ông Tô Kường

Dọc theo Quốc lộ 62 về thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An nhiều người ngạc nhiên khi thấy bức tượng 2 chiến sĩ trong sân một căn nhà nằm ven đường. Đó là tượng “Nam bộ kháng chiến” trong sân nhà cựu chiến binh Tô Kường. Bức tượng do chính ông Kường thiết kế, thi công và đăng ký bản quyền.

“Bức tượng này được tạc dựng dựa trên một sự kiện lịch sử có thật tại Đồng Tháp Mười, dựa vào trận phục kích đoàn tàu chiến hạm của thực dân Pháp trên sông Vàm Cỏ Tây tại ấp Cả Nổ, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa (cũ) vào giữa năm 1946. Lúc đó, Chi đội 14 của ta do đồng chí Hai Nhỏ chỉ huy được trang bị súng đại liên, trung liên, tiểu liên, súng kíp, súng hỏa mai và một khẩu thần công Minh Mạng là hỏa lực chính. Sau khi nghiên cứu địa hình, ta phục kích địch trên sông Vàm Cỏ Tây, đoạn thuộc ấp Cả Nổ, xã Tân Thành. Với khẩu thần công, các chiến sĩ Vệ quốc đoàn khai hỏa bắn trúng tàu địch, địch bắn trả quyết liệt, vừa bắn, vừa chạy qua trận địa”- ông Kường nhớ lại.


Ông Tô Kường nghiên cứu về tạc dựng tượng

Đối với ông Kường, tinh thần chiến đấu, sự anh dũng của lực lượng ta là điều đáng khâm phục, mang khí phách Nam bộ và cần được gìn giữ. Ông giải thích: “Với một khẩu thần công thời Minh Mạng, có 25 viên đạn mà các chiến sĩ ta dám đối đầu với đoàn tàu chiến hạm 12 chiếc của địch. Tinh thần ấy cần được phát huy và gìn giữ”.

Chính vì trăn trở đó, người cựu chiến binh lặng lẽ sưu tầm các tư liệu lịch sử về trận đánh, nghiên cứu những chi tiết từ chính sử đến dã sử, tìm gặp các nhân chứng lịch sử còn sống trong và ngoài huyện để có những mảnh ghép chân thật nhất về trận đánh. Sau gần 7 năm miệt mài sưu tầm, tìm kiếm, ông Tô Kường gặp được 4 nhân chứng lịch sử từng tham gia, chứng kiến và biết về trận phục kích trên sông Vàm Cỏ Tây năm xưa. Như “bắt được vàng”, ông lặn lội đến gặp từng người, lắng nghe, ghi chép chi tiết những lời kể và nhờ địa phương chứng nhận tính xác thực.

Cách đây khoảng 10 năm, việc đi lại chưa thuận tiện như bây giờ nhưng ông Kường vẫn kiên trì với công việc của mình. Có hôm, đi mấy chục cây số đến nhà nhân chứng lịch sử thì người ấy lại đi vắng, ông đành quay lại vào hôm sau. Ông Kường kể, đó là thời điểm mà ông chưa dám nói với ai, kể cả vợ về ý định của mình: “Bà ấy cứ thấy tôi hay đi là hỏi nhưng tôi chỉ nói là đi thăm người bạn, không dám nói gì vì tôi cũng không chắc kết quả việc mình đang làm”.

Suốt 7 năm, ông tích lũy được kha khá tư liệu về trận đánh, lúc đó, ông mới dám nghĩ đến việc thiết kế và dựng tượng dựa trên những kiến thức mà mình thu thập được. Ông Kường chia sẻ, ông muốn bức tượng phải mang đầy đủ ý nghĩa, tiêu biểu cho trận phục kích bằng súng thần công Minh Mạng nói riêng và tinh thần kháng chiến anh dũng của lực lượng ta thời bấy giờ nói chung. Ông cho biết, khẩu thần công trên bức tượng lấy nguyên mẫu khẩu thần công được dùng trong trận phục kích, hiện đang được đặt tại Bảo tàng tỉnh. Tất cả các chi tiết: Ngọn đuốc, lá cờ đến ngọn tầm vông,... đều mang ý nghĩa riêng. Trong đó, ông đặc biệt chú ý đến khuôn mặt của tượng.

Ông cho biết: “Các chiến sĩ ngày trước, đặc biệt là Vệ quốc đoàn, ai cũng trẻ, có nhiều người đẹp lắm. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh họ, có người chưa tròn 18 tuổi, mắt sáng, mũi cao,... Họ đẹp, họ trẻ, và họ đã hy sinh. Có người từ bỏ bút nghiên theo tiếng gọi sơn hà đi kháng chiến. Đó là lý do vì sao tôi “vắt” trên túi áo của bức tượng cây bút. Còn 5 chiếc lá sen, tôi nghĩ, đó chính là biểu tượng tiêu biểu nhất cho Đồng Tháp Mười”.


Ông Tô Kường làm thêm một tượng “Nam bộ kháng chiến” thu nhỏ đặt trong hiên nhà

7 năm sưu tầm tư liệu, ông Kường mất thêm 6 tháng vừa tìm hiểu, vừa tiến hành tạc tượng. Ngày đó, ý kiến vừa đưa ra không nhận được sự đồng tình từ phía gia đình, bởi chẳng ai tin một cựu chiến binh ngoài 60 tuổi, chẳng có chút nền tảng nào về nghệ thuật, hình khối có thể tạc dựng thành công một bức tượng! Vậy là ông Kường tiếp tục lặng lẽ với công việc của mình, bằng niềm tin sâu sắc và khát khao mãnh liệt được lưu giữ, ghi nhớ về chiến tích nổi bật của những người đồng đội anh hùng năm xưa.

Suốt hơn 6 tháng, ông tỉ mẩn với công việc của mình, đúc, dựng từng centimet tượng. Vì thiếu kinh nghiệm nên mọi thứ chỉ bắt đầu bằng quan sát thực tế, chỉ riêng khuôn mặt, ông Kường phải chỉnh sửa vài chục lần. Cuối cùng, bức tượng hoàn tất, ông đặt tên cho tác phẩm của mình là “Nam bộ kháng chiến” và trân trọng đặt trên bệ cao trong sân nhà mình. Tính cả bệ thì chiều cao tượng khoảng 5m. Trên thân bệ, ông ghi lại chi tiết trận phục kích trên sông Vàm Cỏ Tây. Và cửa cổng nhà ông lúc nào cũng mở hờ như để tiếp đón mọi người đến tham quan.

Những dòng chữ trên bệ tượng giúp người xem hiểu rõ hơn và ghi nhớ một trong những chiến công của những chiến sĩ cách mạng ta ngày trước. Và ông Tô Kường đang ấp ủ làm thêm một điều gì đó để giúp mọi người biết thêm nhiều, hiểu thêm rõ về sự anh dũng của quân và dân Đồng Tháp Mười trong thời kỳ kháng chiến.

Không sinh ra, cũng không lớn lên ở Đồng Tháp Mười, nhưng người cựu chiến binh Tô Kường dành cả tình yêu cho mảnh đất này. Bằng nỗ lực của riêng mình, ông đang góp phần gìn giữ lịch sử hào hùng của dân và quân Đồng Tháp Mười một cách ý nghĩa và thiết thực./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích