Tiếng Việt | English

03/04/2019 - 11:13

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Không còn là vùng đất đồng hoang, bưng biền đầy cỏ, cũng không còn cảnh “qua sông lụy đò” mà thay vào đó, vùng đất này đang vươn mình trở trành vựa lúa lớn nhất của tỉnh với những cánh đồng lúa trĩu bông mỗi độ ngày mùa. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, những cánh đồng được bao bọc bởi hệ thống đê bao và cả những nụ cười đôn hậu của người dân đang là những gì dễ nhận thấy nhất khi về với huyện Tân Hưng, tỉnh Long An hôm nay. Vùng đất hoang năm nào nay đã trở mình tỉnh giấc sau hành trình 25 năm kỳ diệu.

Kết cấu hạ tầng hoàn thiện sau 25 năm thành lập huyện

Kết cấu hạ tầng hoàn thiện sau 25 năm thành lập huyện

Một thời gian khó

Cách đây vừa tròn 25 năm, vào ngày 24/3/1994, huyện Tân Hưng được thành lập trên cơ sở chia tách địa giới hành chính từ huyện Vĩnh Hưng. Vùng đất Tân Hưng trong kháng chiến chống Mỹ thuộc quận Tuyên Bình, tỉnh Kiến Tường. Đây là một trong những vùng căn cứ địa cách mạng, hành lang chiến lược từ Đông sang Tây, là hậu cứ của các cơ quan lãnh đạo tỉnh Kiến Tường và Khu ủy. Qua các thời kỳ đấu tranh, quê hương bị địch bắn phá, càn quét ác liệt, gây bao đau thương, tang tóc. Phát huy truyền thống cách mạng, mặc dù khó khăn, gian khổ nhưng nhân dân nơi đây vẫn kiên cường bám trụ, dũng cảm, không ngại hy sinh, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, góp phần cùng với tỉnh và cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng. 

Hòa bình lập lại và trong những ngày đầu mới thành lập huyện, Đảng bộ và nhân dân Tân Hưng phải đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức khi nền kinh tế của huyện vẫn mang tính tự cung, tự cấp, đất hoang hóa, nhiễm phèn trên 50%, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kỹ thuật hầu như chưa có gì; không có điện, không nước hợp vệ sinh, giao thông chủ yếu là đường thủy, cuộc sống người dân còn rất nhiều khó khăn; an ninh, trật tự, an toàn xã hội và khu vực biên giới phức tạp,...

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ của huyện và cơ sở còn thiếu, năng lực còn hạn chế, chưa am hiểu hết tình hình địa phương. Tất cả đều ở điểm xuất phát thấp. Đã thế, 2 cơn bão, lụt lớn năm 1994, 1995 và cơn lũ lịch sử năm 2000 càng làm tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng của huyện vốn khó lại càng khó khăn hơn. Phát triển kinh tế, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao đời sống nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Tân Hưng bắt tay vào thực hiện.

Bắt đất phục vụ cuộc sống con người

Trong trí nhớ của mình, ông Lê Văn Thích - nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Hưng, vẫn nhớ như in cái ngày được điều động từ vị trí Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng về làm Bí thư Huyện ủy Tân Hưng với nhiệm vụ kiến thiết, phát triển sản xuất cũng như xây dựng kết cấu hạ tầng cho địa phương. “Thời điểm đó, huyện Tân Hưng gặp vô vàn khó khăn khi hạ tầng gần như chỉ là con số 0. Khoảng 50% diện tích sản xuất nông nghiệp còn bỏ hoang chưa thể khai phá. Người dân chỉ canh tác lúa 1 vụ hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, cuộc sống vất vả,... Khó khăn là thế, vậy mà chớp mắt một cái đã trải qua 25 năm. Những lớp cán bộ đầu tiên cũng chẳng nghĩ Tân Hưng có thể phát triển nhanh đến như vậy” - nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Hưng - Lê Văn Thích tâm sự. Trò chuyện với ông, chúng tôi như “thấm” hơn nỗ lực của những cán bộ cũng như tất cả người dân Tân Hưng trong công cuộc khai phá vùng đất này. 

Hưng Thạnh vươn mình trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Tân Hưng

Hưng Thạnh vươn mình trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Tân Hưng

“Dòng kênh Trung Ương như vết dao sắc lẹm cứa vào từng thớ đất nhiễm phèn, đưa nước ngọt về cho huyện Tân Hưng. Từ dòng kênh này, hàng ngàn người dân cùng máy móc được huy động vào công cuộc bắt đất phục vụ sản xuất. Từng dòng kênh thủy lợi được xẻ ngang, dọc trên khắp vùng Tân Hưng, dẫn nước ngọt về rửa phèn, biến vùng đất hoang thành đất lúa. Đất được cải tạo nhưng thay đổi nếp nghĩ trong sản xuất nông nghiệp của người dân không phải dễ. Người dân vốn xưa nay quen thuộc với cây lúa mùa 1 vụ, nay vận động sản xuất 2 vụ rất khó. Có khi, sạ lúa 2 vụ, người dân nửa đêm lại lén trục xới để sạ lại lúa 1 vụ. Thế rồi, những thành công ban đầu đã tạo bước đệm để vùng đất Tân Hưng vươn mình trở thành vựa lúa lớn nhất của tỉnh” - ông Lê Văn Thích cho biết.

Vươn mình thức giấc

Về Tân Hưng hôm nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những thay đổi vượt bậc, đó là những con đường giao thông thông suốt, hệ thống điện, trường học, trụ sở cơ quan, nước sạch phủ kín các xã trong huyện. Cuộc sống của người dân được nâng lên về mọi mặt. Sức sống mới đang bừng lên trên khắp miền quê Tân Hưng. 

Hưng Thạnh là một trong những xã nghèo trọng điểm của tỉnh thời điểm trước năm 2005, nay đã có những bước tiến vượt bậc. Theo Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thạnh - Nguyễn Văn Hậu, trước đây, xã rất khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Đất rộng, dân thưa khiến những tiềm năng phát triển kinh tế bị lãng quên. Vậy mà chưa đầy 10 năm, Hưng Thạnh vươn mình trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện. “Ngoài những nguồn lực được các cấp đầu tư thì hành trình vượt khó của Hưng Thạnh còn đến từ sự đồng lòng, nỗ lực của chính người dân nơi đây” - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thạnh - Nguyễn Văn Hậu cho biết.

Nông nghiệp trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện

Nông nghiệp trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện

Cũng trên cung đường biên giới, nơi từng được xem là đặc biệt khó khăn, sau chiến tranh biên giới, nạn cướp bóc, mất ổn định an ninh thường xuyên diễn ra, nhưng vùng đất biên giới Hưng Điền nay đã đổi khác. Dọc đường biên giới, bên dòng kênh Cái Cỏ, cụm dân cư và những ngôi nhà khang trang đã hình thành san sát. Cùng với lực lượng vũ trang, mỗi người dân vùng biên chính là một cột mốc sống hàng ngày bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Điền - Trương Đông Hồ, kinh tế của người dân vùng biên nay đã đổi khác, nhiều hộ vươn lên khá giả, hệ thống kết cấu hạ tầng cũng đáp ứng được nhu cầu của người dân. “Thành công lớn nhất chính là việc người dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, bám biên giới giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia” - Chủ tịch UBND xã Hưng Điền - Trương Đông Hồ cho biết.

Những thay đổi trong suốt chặng đường 25 năm thành lập huyện không chỉ gói gọn trong vài nét. Thành công ấy là cả một quá trình, một hành trình vượt khó xây dựng, kiến thiết của mỗi con người Tân Hưng./.

Theo Bí thư Huyện ủy Tân Hưng - Lương Sơn Cầu, nếu năm 1994, diện tích gieo trồng lúa cả năm của huyện chỉ đạt 21.000ha, sản xuất lúa 1 vụ bấp bênh, năng suất thấp với sản lượng chỉ 91.000 tấn thì đến nay, diện tích gieo sạ lúa cả năm lên đến 78.000ha với tổng sản lượng lúa đạt trên 400.000 tấn, đưa Tân Hưng trở thành vựa lúa lớn nhất trong tỉnh.

Thụy Anh - Văn Đát

Chia sẻ bài viết