Tiếng Việt | English

28/04/2019 - 08:52

Bước tiến trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nhằm hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), những năm qua, tỉnh Long An quy hoạch vùng sản xuất và hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ƯDCNC. Các mô hình này đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Bước tiến quan trọng

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Đinh Thị Phương Khanh, việc ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp là nội dung mới, vốn đầu tư cao nên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt. Vấn đề quan trọng nhất là phải thay đổi được phương thức tổ chức sản xuất; cần thành lập hợp tác xã (HTX), hình thành quy trình sản xuất chung để có sản phẩm đồng đều, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm,... Hiện tỉnh xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp ƯDCNC mang lại hiệu quả: Trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, các mô hình tưới tiết kiệm, mô hình rau thủy canh; mô hình trồng thanh long tưới nhỏ giọt, phun mưa tự động; mô hình trồng lúa; các mô hình nuôi bò,... sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, góp phần nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có những bước tiến đáng kể

Giám đốc HTX Nông nghiệp Trung Trực (huyện Vĩnh Hưng) - Lý Văn Long cho biết: “Thời gian qua, HTX thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC mang lại hiệu quả cao: Giảm lượng giống gieo sạ (trong mô hình chỉ sạ từ 100-120kg/ha, thậm chí có hộ chỉ sạ 40kg/ha, trong khi ngoài mô hình sạ 150-200kg/ha); ít tốn chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật và công xịt trừ sâu, rầy (trong mô hình chỉ xịt 1 lần thuốc rầy, có hộ không xịt rầy, ngoài mô hình xịt từ 2-3 lần thuốc rầy); ít tốn nước (do mặt ruộng được san phẳng nên ít hao tốn nước, dễ chăm sóc); giảm lượng phân bón đáng kể, nhất là đạm (giảm khoảng 50kg Ure/ha); chi phí đầu tư thấp hơn ngoài hô hình khoảng 2,5-3 triệu đồng/ha; đặc biệt là 100% diện tích trong mô hình sạ tập trung đồng loạt đúng lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp nên hạn chế được dịch hại, nhất là sâu năn, rầy nâu; năng suất cao hơn ngoài mô hình khoảng 0,5 tấn/ha,...”.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải thông tin: “Năm 2018, huyện thực hiện 14 mô hình, diện tích mỗi mô hình 50ha. Năm 2019, huyện tiếp tục triển khai 19 mô hình điểm sản xuất lúa ƯDCNC với diện tích 950ha; đồng thời, vận động nhân rộng mô hình nhằm đạt 1.650ha sản xuất lúa ƯDCNC, trong đó, 100% diện tích lúa ƯDCNC sử dụng giống xác nhận; 50% diện tích sản xuất áp dụng biện pháp giảm giống (cấy, sạ không quá 120kg/ha); phấn đấu có ít nhất 30% diện tích sản xuất toàn vùng ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật canh tác lúa theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường”.

Nhằm tăng cường mối liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết sản xuất với HTX, nông dân. Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tâm Nông Việt - Đinh Bạt Quy chia sẻ: “Hiện HTX có khoảng 6.000m2 sản xuất các loại rau, quả có giá trị kinh tế cao như dưa lưới, dưa leo, cà chua bi,... sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của địa phương, ngành chức năng mà HTX tiếp cận thị trường để sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC có đầu ra ổn định, bảo đảm được mục tiêu cung cấp ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng hữu cơ. Đến nay, những sản phẩm của HTX ngày càng khẳng định được chất lượng cũng như thương hiệu của mình với khách hàng. HTX quyết tâm đến cuối năm 2019, sẽ có 2ha nhà màng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và trực tiếp xuất sản phẩm đi nước ngoài”.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh cũng an tâm hơn khi có đầu ra ổn định nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ông Phan Kim Truyết (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) phấn khởi khi vườn thanh long ruột tím hồng hơn 1ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP thu hoạch trúng mùa, được giá. Ông Truyết cho hay: “Nhờ sản xuất theo quy trình ƯDCNC, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm mà tôi đỡ tốn rất nhiều công lao động. Trước đây, khi tưới thủ công phải mất đến 8 công lao động/ngày, nay chỉ mất 2 giờ để hoàn thành công việc, lượng nước tưới cũng giảm đi nhiều, hiện chỉ tốn khoảng 15m3 nước cho 8.000m2 thay vì phải mất đến 35m3 như tưới thủ công trước đây. Ngoài ra, sản phẩm của tôi theo các tiêu chuẩn sạch, an toàn nông sản chứng nhận GlobalGAP. Hiện tôi liên kết với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic - đây là công ty 100% vốn của Hà Lan, chuyên xuất khẩu trái cây đạt chứng nhận GlobalGAP”.

“Ngoài 3 cây trồng chủ lực (lúa, thanh long, rau) thì con bò cũng được tỉnh đầu tư, hỗ trợ và bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể. Việc ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp là một lĩnh vực mới, không chỉ đầu tư nguồn vốn vào thực hiện mà còn phải thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới. Những năm qua, các mô hình sản xuất này đã và đang ngày càng được nhân rộng với những tín hiệu khả quan, mang lại nhiều khởi sắc cho nông dân” - bà Khanh nhận định.

Để hoàn thành mục tiêu

Theo bà Khanh, những năm qua, thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp ƯDCNC, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tỉnh đã tận dụng những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu tập trung ƯDCNC, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp. Quá trình triển khai, ngành nông nghiệp đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, tuyên truyền, vận động nông dân trên địa bàn ƯDCNC trong trồng trọt và chăn nuôi; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ƯDCNC; hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn xúc tiến thương mại, xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ và chuỗi cửa hàng cung cấp sản phẩm an toàn.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có những bước tiến đáng kể

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có những bước tiến đáng kể

Để hoàn thành mục tiêu đề án đề ra, các sở, ngành, địa phương liên quan cần quan tâm hơn nữa, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân hiểu, biết và cùng thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC; tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các mô hình, HTX trong ƯDCNC, duy trì và nhân rộng sản xuất theo lộ trình; tiếp tục hỗ trợ HTX, doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; rà soát, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng trong các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC nhằm bảo đảm cho việc vận chuyển máy móc, hàng hóa được thuận lợi.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai hiệu quả mô hình phát triển nông nghiệp ƯDCNC nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, có nhiều sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm; khuyến khích người dân áp dụng và nhân rộng các mô hình tốt, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, do ngân sách nhà nước có hạn; khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với nông dân, thiết lập và duy trì được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân trong chia sẻ thông tin thị trường, kỹ thuật, kiến thức, chất lượng sản phẩm, giá cả, phương thức giao dịch thanh toán, cung cấp các dịch vụ giống, phân bón và các dịch vụ khác./.

Đến nay, toàn tỉnh Long An có trên 5.404ha lúa ƯDCNC; gần 1.300ha rau ƯDCNC trong sản xuất, đạt 65% kế hoạch; 900ha thanh long ƯDCNC trong sản xuất, có kết hợp hướng dẫn nông dân sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP; hỗ trợ 157 con bò cái sinh sản, đã có 20 bê con được sinh ra, đang theo dõi.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết