Tiếng Việt | English

29/01/2019 - 09:22

Buôn lậu giảm mạnh nhưng gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng vẫn phức tạp, tinh vi

Từ sự quyết liệt và phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, công tác phòng, chống gian lận thương mại (GLTM), hàng gian, hàng giả và buôn lậu (BL) năm 2018 đạt hiệu quả tích cực. Nhất là hoạt động BL tiếp tục được kiềm chế, giảm mạnh so với năm 2017.

Lực lượng biên phòng bắt giữ, tịch thu thuốc lá lậu

Lực lượng biên phòng bắt giữ, tịch thu thuốc lá lậu

Buôn lậu giảm mạnh

Năm 2018, hoạt động BL trên tuyến biên giới của tỉnh được kiểm soát, kiềm chế, giảm mạnh so với năm 2017. Một số địa bàn, luồng, tuyến là điểm nóng về BL trước đây được lực lượng chức năng chốt chặn, triệt phá, đồng thời không để phát sinh, hình thành các tụ điểm, luồng, tuyến BL mới. Ngoài ra, các đối tượng là đầu nậu BL, vận chuyển thuê được lực lượng công an lập danh sách, phối hợp chính quyền, đoàn thể địa phương quản lý, giám sát, tuyên truyền, vận động, cảm hóa. Từ đó, giảm số đối tượng tham gia BL, tiếp tay cho BL trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trong từng thời điểm, trên một số tuyến, địa bàn biên giới của huyện Đức Huệ, một số đối tượng BL ngoài tỉnh, câu kết, móc nối các đối tượng BL tại địa phương, sử dụng xe ôtô (loại 4-7 chỗ) vận chuyển thuốc lá số lượng lớn, chạy tốc độ cao, gây nguy hiểm cho lực lượng thi hành công vụ và người dân khi tham gia giao thông.

Theo số liệu thống kê, năm 2018, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 1.161 trường hợp BL, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, nhập lậu, giảm 591 trường hợp so với năm 2017 (1.161 vụ/1.752 vụ), số lượng thuốc lá thu giữ giảm so với năm 2017 là 715.502 gói (hơn 1,9 triệu/hơn 2,6 triệu gói). Hoạt động BL qua biên giới không còn xảy ra trường hợp đối tượng sử dụng xe gắn máy 2 bánh, xuồng máy vận chuyển thuốc lá chạy thành từng tốp từ 5-7 xe, chạy với vận tốc cao.

Theo nhận định, hoạt động BL tập trung chủ yếu trên tuyến biên giới huyện Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Mặt hàng nhập lậu chủ yếu vẫn là thuốc lá điếu, đường cát, nước giải khát do nước ngoài sản xuất. Ngoài ra, 6 tháng cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh phát sinh tình hình nhập lậu các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, quần áo,... các lực lượng chức năng của tỉnh, địa phương đã phát hiện, bắt giữ một số vụ, tịch thu nhiều hàng hóa có giá trị.

Theo đánh giá của ngành chức năng, thuốc lá ngoại sau khi được một số đối tượng mang vác qua biên giới rồi sử dụng xe môtô, ôtô (loại 4-7 chỗ) vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Thời gian hoạt động chủ yếu vào ban đêm, thời điểm có nhiều phương tiện lưu thông (từ 5-7 giờ hoặc từ 17-20 giờ). Lúc đối tượng hoạt động luôn cho người theo dõi lực lượng, khi bị phát hiện, bắt giữ thì bỏ lại phương tiện, hàng hóa chạy thoát thân. Trong quá trình vận chuyển, đối tượng thường xuyên thay đổi biển kiểm soát hoặc sử dụng các biển kiểm soát giả nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Như vụ bắt giữ xe ôtô vận chuyển thuốc lá vào lúc 17 giờ, ngày 27/8/2018, tại khu vực ấp 1, thuộc địa bàn xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ. Vào thời điểm trên, Công an huyện Đức Huệ mật phục, bắt giữ xe ôtô màu trắng, nhãn hiệu HYUNDAI (loại 4 chỗ), biển kiểm soát 51G-453.16 vận chuyển 9.000 gói thuốc lá điếu nhập lậu. Xác minh nhanh, xác định ôtô trên có biển kiểm soát đăng ký 51G-393.58.

Ngoài việc sử dụng phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng, đối tượng BL rất manh động khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Điển hình như vụ việc xảy ra vào ngày 13/9/2018, trên địa bàn huyện Tân Hưng. Vào khoảng 23 giờ, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phát hiện phương tiện vận chuyển hàng nhập lậu nên dừng phương tiện để kiểm tra, đối tượng điều khiển phương tiện không chấp hành mà lái xe tông vào lực lượng để trốn chạy làm phương tiện của tổ kiểm tra hư hỏng nặng. Qua vụ việc cho thấy, đối tượng BL hiện nay rất manh động, gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ và người tham gia giao thông.

Gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, kém chất lượng vẫn tinh vi, phức tạp

Tuy nhiên, tình hình GLTM trong lĩnh vực thuế, hải quan vẫn còn diễn ra phổ biến, phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, mức độ vi phạm nghiêm trọng, làm thất thu ngân sách nhà nước. Trong đó, một số trường hợp vi phạm được phát hiện, xử phạt, ấn định thuế lên đến 10 tỉ đồng. Các hành vi gian lận: Khai và nộp hồ sơ hải quan không đúng thời hạn quy định, khai không đúng các nội dung trên tờ khai hải quan, vi phạm quy định về quản lý nguyên liệu, vật tư, sản phẩm gia công dẫn đến hàng hóa thực tế tồn kho thiếu so với hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, khai thiếu số tiền thuế phải nộp; kê khai, xác định không đúng các căn cứ tính thuế theo quy định làm giảm số thuế phải nộp; kê khai khấu trừ đối với hàng hóa dịch vụ mua vào không tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Trong khi đó, SXKD hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động SXKD phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng vẫn diễn ra ngày càng tinh vi hơn, gây thiệt hại cho nông dân, ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc trong dư luận. Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm 15/12/2018, các lực lượng chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý 24 trường hợp SXKD phân bón giả không có giá trị sử dụng, công dụng (tăng 24 trường hợp so với năm 2017); 79 trường hợp kinh doanh phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng (tăng 3 trường hợp so với năm 2017).

Ngoài ra, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng còn phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực: Đo lường, chất lượng; an toàn thực phẩm; vi phạm về nhãn hàng hóa, điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Hàng hóa không rõ nguồn gốc, chứng từ bị ngành chức năng tạm giữ

Hàng hóa không rõ nguồn gốc, chứng từ bị ngành chức năng tạm giữ

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được, so với năm 2017, công tác đấu tranh chống BL, GLTM, hàng giả của lực lượng chức năng các sở, ngành, địa phương có sự tập trung, quyết liệt hơn. Hoạt động thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nhóm ngành hàng, mặt hàng ảnh hưởng đến đời sống, gây bức xúc dư luận (BL, SXKD phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; lĩnh vực an toàn thực phẩm,...).

Các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng có sự tổ chức, thực hiện hiệu quả hơn. Điển hình: Đội QLTT số 9 phối hợp Tổ 389 thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế bắt giữ phương tiện ôtô vận chuyển 6.300 gói thuốc lá ngoại vào ngày 19/3/2018; Đội QLTT số 9 phối hợp Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây bắt giữ xe ôtô vận chuyển 5.000 gói thuốc lá ngoại ngày 07/02/2018; Đội QLTT cơ động phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra cơ sở sản xuất phân bón giả, tịch thu 260 bao phân bón giả (tương đương 13.000kg),...

Ngoài ra, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; hình thức, nội dung tuyên truyền sâu, rộng, phong phú hơn. Mặt trận, đoàn thể và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tham gia, phối hợp tích cực chính quyền thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. Điển hình như UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Công ty BAT Việt Nam tổ chức hội nghị tuyên truyền công tác đấu tranh phòng, chống BL thuốc lá,... ./.

Năm 2018, ngành chức năng kiểm tra hơn 17.600 vụ, trong đó, phát hiện hơn 3.000 vụ vi phạm. Cụ thể, kinh doanh, vận chuyển hàng lậu 1.161 vụ, hàng kém chất lượng 79 vụ, hàng giả chất lượng 24 vụ, giả nhãn hiệu 8 vụ, gian lận thương mại 1.765 vụ. Qua đó, tạm giữ, tịch thu hơn 1,9 triệu gói thuốc lá, 54.500kg đường cát, hơn 1.800 thùng nước giải khát, 528 xe gắn máy, 120 ôtô. Cơ quan điều tra đã khởi tố 55 vụ, 62 đối tượng.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết