Tiếng Việt | English

03/01/2018 - 09:28

Buôn lậu thuốc lá, gian lận thương mại rất dễ gia tăng dịp cuối năm

Kinh doanh, vận chuyển hàng lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu vẫn diễn ra phức tạp vào những tháng cuối năm 

Vận chuyển thuốc lá lậu bằng ôtô gia tăng

Dù có nhiều chuyển biến tích cực vào những tháng cuối năm nhưng tình trạng buôn lậu thuốc lá qua biên giới tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến cuối tháng 11/2017, lực lượng chức năng của tỉnh thu giữ gần 2,4 triệu gói thuốc lá. Điều quan ngại, ngoài xe môtô, ghe máy tốc độ cao, thời gian gần đây, các đối tượng sử dụng xe ôtô làm phương tiện vận chuyển thuốc lá lậu vào nội địa tiêu thụ có chiều hướng tăng.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2017, lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường bắt giữ, xử lý 1.000 xe môtô, 155 ôtô là phương tiện vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu. Ngày 12 và 15/9/2017, Công an thị xã Kiến Tường bắt giữ 2 đối tượng: Võ Đình Thành (SN 1976), thường trú phường An Hòa, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế và Lâm Văn Cường (SN 1974), thường trú phường Vĩnh Quang, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, sử dụng xe ôtô tải biển kiểm soát 68C-030.45 vận chuyển 11.490 gói thuốc lá ngoại.

Hay tối ngày 15/9/2017, Công an thị xã Kiến Tường phát hiện, tịch thu 21.000 gói thuốc lá lậu giấu trong các cuộn rơm chất trên xe ôtô tải biển kiểm soát 62C-078.11 do Nguyễn Thanh Hùng (SN 1970), hộ khẩu thường trú khu phố 1, phường 1, thị xã Kiến Tường, điều khiển chạy từ hướng biên giới xã Bình Hiệp về trung tâm thị xã Kiến Tường.

Ngoài ra, các đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu bằng xe ôtô rất manh động, sẵn sàng chống đối lực lượng khi bị phát hiện. Trong đó, ngày 12/10/2017, tại xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, xe của Đội Quản lý thị trường số 1 bị xe ôtô chở hàng lậu đâm thẳng vào gây hư hỏng nặng. Còn theo thông tin từ lực lượng biên phòng Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, ngày 07/11/2017, lực lượng trinh sát biên phòng phát hiện ôtô (loại 12 chỗ ngồi) nghi vấn chở thuốc lá lậu nên ra tín hiệu dừng xe kiểm tra nhưng tài xế bỏ chạy theo đường tỉnh 839 và đâm vào xe máy của người dân đậu bên lề đường, kéo lê dưới gầm khoảng 4km mới dừng lại sau khi phương tiện bốc cháy. Tiến hành kiểm tra, lực lượng biên phòng phát hiện khoảng 15.000 gói thuốc lá lậu trên xe.

Theo Thiếu tá Lê Trọng Tình - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây (Đức Huệ), một trong những nguyên nhân sử dụng xe ôtô chở thuốc lá lậu diễn ra nhiều vì vận chuyển được số lượng lớn; rút ngắn thời gian, đoạn đường vận chuyển; giảm chi phí, số đối tượng tham gia vận chuyển. Xe ôtô sử dụng làm phương tiện vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là xe thuê. Theo đó, ngành chức năng hầu hết chỉ xử phạt hành chính, còn xe trả lại cho chủ.

“Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu, vận chuyển thuốc lá điếu bằng xe ôtô trong thời gian qua có dấu hiệu gia tăng vì Tòa án nhân dân Tối cao ban hành văn bản hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp không xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm và không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong thị trường nội địa kể từ ngày 01/7/2015 đến ngày 01/01/2018” - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường - Nguyễn Anh Việt cho biết.

Lực lượng biên phòng (Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây) tạm giữ xe ôtô là phương tiện vận chuyển thuốc lá lậu

Ngăn chặn gian lận thương mại trong dịp Tết

Trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kém chất lượng, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Theo thống kê, từ đầu năm đến hết tháng 11/2017, toàn tỉnh kiểm tra gần 15.400 vụ, trong đó, phát hiện hơn 3.600 vụ vi phạm (kinh doanh, vận chuyển hàng lậu gần 1.700 vụ, hàng kém chất lượng hơn 50 vụ, hàng giả nhãn hiệu gần 20 vụ, gian lận thương mại hơn 1.900 vụ). Từ đó, xử phạt hành chính với số tiền 44,2 tỉ đồng, phạt và truy thu thuế 149,9 tỉ đồng để thu nộp ngân sách hơn 196 tỉ đồng,... Qua đó cho thấy, số vụ việc vi phạm được phát hiện liên quan đến kinh doanh, vận chuyển thuốc lá lậu và gia lận thương mại vẫn chiếm tỷ lệ cao với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389, năm 2017, buôn lậu, gian lận thương mại vẫn xảy ra khá phức tạp. Vào thời điểm gần Tết Nguyên đán 2018, nguy cơ gia tăng lại càng cao hơn. Riêng tháng 11, lượng chức năng liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu thuốc lá với quy mô 10.000-20.000 gói và phát hiện 323 vụ vi phạm gian lận thương mại.

Quản lý thị trường tạm giữ một lô hàng không rõ nguồn gốc

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng kế hoạch, đề nghị các sở, ngành và địa phương tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời điểm cuối năm. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường - Nguyễn Anh Việt cho biết, Ban Chỉ đạo 389 triển khai và đề nghị các sở, ngành chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành, các đơn vi trực thuộc tăng cường kiểm tra hoặc tham gia phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của ngành. Chú ý tăng cường kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về sở hữu trí tuệ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

“Đối với lực lượng quản lý thị trường, tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, rượu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Việc tiến hành kiểm tra tập trung ở các địa bàn trọng điểm, trung tâm thị trấn, thị tứ. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng. Chi cục sẽ công khai kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng” - ông Nguyễn Anh Việt cho biết thêm

Từ ngày 01/01/2018, Luật số 12/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành. Luật số 12/2017/QH14, ngày 20/6/2017, sửa đổi, bổ sung Điều 190 và 191 của Luật số 100/2015/QH13 theo hướng, đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

Đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu:

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao (gói, 1 gói = 20 điếu).

2. Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao.

3. Phạt tù từ 8 năm đến 15 năm đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng 4.500 bao trở lên.

Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu:

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao.

2. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao.

3. Phạt tù từ 5 năm đến 10 năm đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng 4.500 bao trở lên./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết