Tiếng Việt | English

27/09/2017 - 09:46

Buồn vì lũ nhỏ

Cách nay hơn 1 tháng, người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa,... phấn khởi khi lũ về sớm và mực nước cao hơn so cùng kỳ. Bởi, lũ về mang theo nguồn lợi thủy sản dồi dào, giúp người dân có thêm thu nhập từ khai thác sản vật mùa nước nổi. Thế nhưng, sau thời gian về nhanh, nước lũ chững lại, nông dân lại đón một mùa lũ buồn.

Mùa nước nổi (mùa lũ) là hiện tượng tự nhiên nhưng không phải là thiên tai. Mùa lũ được xem là mùa “ăn nên làm ra” của người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười.

Cực mà vui!

Theo giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, chúng tôi tìm đến cánh đồng hẹ nước ở ấp 5. Trên đồng, có hơn 30 nông dân lặn ngụp nhổ từng bụi hẹ nước.

Người dân thu hoạch hẹ nước tại ấp 5, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa

Chị Dương Thị Hằng, người có thâm niên gần 10 năm nhổ hẹ nước, chia sẻ: “Nghề này gắn bó với chúng tôi lâu lắm rồi! Lũ về, bà con ấp 5 lại rủ nhau đi nhổ hẹ. Người nhổ giỏi được trên 400.000 đồng/ngày. Ngày nào đi, chúng tôi phải thức dậy từ 3 giờ sáng, nấu cơm mang theo rồi bơi xuồng vào cánh đồng hẹ, hết nhổ lại rửa. Cực vậy nhưng ai cũng vui, bởi kết thúc mùa lũ, người nào cũng “bỏ túi” vài chục triệu đồng!”.

Từ lâu, cánh đồng hẹ nước ở ấp 5, xã Tân Lập được xem là “cánh đồng vàng” của người dân nơi đây mỗi khi mùa lũ về. Sau khi vừa thu hoạch lúa, chủ đất vệ sinh đồng ruộng, bơm nước vào để hẹ tự phát triển.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập - Phạm Văn Luật chia sẻ: “Cánh đồng hẹ cho thu hoạch hơn 3 tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động vào mùa nước nổi. Hiện, ở ấp 5 có trên 15ha hẹ nước, bình quân mỗi hécta, chủ ruộng bán cho thương lái với giá 10 triệu đồng. Sau đó, thương lái thuê nông dân nhổ hẹ với giá 6.000 đồng/kg. Nhờ có mùa lũ mà người dân nơi đây có thêm thu nhập, góp phần trang trải cuộc sống”.

Rời “cánh đồng vàng”, chúng tôi tiếp tục đến thăm những người du cư theo mùa nước nổi từ các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp đang neo ghe cặp bờ kênh 79 hoặc che tạm chòi lá trên đê để có chỗ nghỉ ngơi sau một đêm mưu sinh vất vả.

Mùa nước nổi giúp nhiều người có thu nhập từ nghề bắt ốc

Vợ chồng ông Lê Thanh Tuấn (quê ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), cho biết: “Khoảng tháng 7 âm lịch, gia đình tôi và một số gia đình trong xóm xuống ghe sang Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa đặt lọp, giăng lưới kiếm cá,... Ban đêm, vợ chồng tôi chạy xuồng vào những cánh đồng nước ngập sâu để đặt lọp, ban ngày thì đan lọp bán cho người dân xung quanh. Có năm, tôi kiếm được vài chục triệu đồng nhờ lũ”.

Buồn vì lũ nhỏ 

Mùa lũ là mùa “ăn nên làm ra” của những người giăng câu, giăng lưới, hái bông điên điển, hẹ nước,... Thế nhưng, năm nay lại lũ nhỏ khiến cho những người mưu sinh theo lũ buồn thiu. Xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng là vùng “rốn” lũ của huyện, vậy mà đến nay, vẫn còn nhiều cánh đồng nước chưa “bò” đến.

Ông Trần Văn Nhái, ngụ ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, ngao ngán: “Mấy năm lũ lớn, cá về thấy ham lắm! Người mua, kẻ bán tấp nập cả bến sông. Cá được đựng trong cần xé, đổ ra từng đống. Đầu mùa, “nhắm” lũ lớn, tôi mua 40 tay lưới, mỗi tay 120.000 đồng. Vậy mà đến nay, nước chưa ngập ruộng, lấy gì giăng lưới!?...”.

Còn chị Nguyễn Thị Bé Hai, ngụ ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, chia sẻ: “Lũ nhỏ nên cá linh, cá lóc, bông điên điển, cua đồng,... ít lắm! Đầu mùa, thấy mực nước lũ cao, tôi “mạnh tay” mua 150 cái lọp, trên 4 triệu đồng, chuẩn bị đặt cua, đặt cá nhưng nước “chưa lên đã xuống” nên chưa thu hồi được vốn, lấy đâu mà có dư!”.

Ông Trần Văn Nhái ngán ngẩm: “Nước chưa ngập ruộng, lấy gì giăng lưới!?…”

So với những năm trước, năm nay, nước lũ về sớm hơn. Song, sản vật mùa nước nổi vẫn rất khan hiếm, nhiều người mưu sinh mùa lũ ngán ngẩm tìm nghề khác mà sống.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Mấy năm gần đây lũ về thấp, thậm chí không về làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Nhiều gia đình còn lâm vào cảnh nợ nần vì mượn tiền đầu tư mua dụng cụ đánh bắt thủy sản mùa nước nổi nhưng không lấy lại được vốn”.

Năm nay, lũ vẫn về, vẫn mang theo sản vật nuôi sống người dân miền sông nước. Tuy nhiên, lũ không còn hào phóng như xưa. Điều đó khiến cho một số người mưu sinh theo lũ đành bỏ nghề giăng câu, đặt lọp, nhưng họ vẫn đau đáu nhớ về những mùa lũ lớn./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết