Tiếng Việt | English

27/01/2020 - 14:20

Bứt phá từ phát triển công nghiệp

Vị trí địa lý thuận lợi, chính sách thu hút cũng như cơ chế, chính sách minh bạch, thông thoáng, hạ tầng dần hoàn thiện giúp Long An trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu thư, doanh nghiệp. Điều này cũng tạo đà cho Long An bứt phá đi lên, trở thành địa phương có chỉ số và giá trị sản xuất công nghiệp lớn trong khu vực.

Công nhân thực hiện các thao tác vệ sinh tấm pin mặt trời

Công nhân thực hiện các thao tác vệ sinh tấm pin mặt trời

Phát triển công nghiệp năng lượng 

Trong một lần đến Long An, thăm một vài nhà máy điện năng lượng mặt trời, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng nhận định, Long An có nhiều lợi thế để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và đây sẽ là sự lựa chọn tốt cho “bài toán” năng lượng cũng như sự phát triển kinh tế của tỉnh. 

Nằm cách biên giới hơn 10km, Nhà máy Điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 (TTC1) do Tập đoàn Thành Thành Công đầu tư trên địa bàn xã Mỹ Thạnh Bắc là một trong những đơn vị đầu tiên đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh và kết nối với điện lưới quốc gia 500kV. Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Điện TTC Đức Huệ - Long An - Lê Thanh Vinh chia sẻ: Sau hơn 8 tháng thi công, ngày 08/4/2019, TTC1 kết nối thành công vào điện lưới quốc gia, ngày 20/4-/2019 chính thức vận hành thương mại. Đức Huệ là một trong những huyện khó khăn của Long An nên điều kiện đi lại, vận chuyển vật tư gặp không ít trở ngại. Công trình hoàn thành sau hơn 8 tháng là nỗ lực lớn của hàng trăm kỹ sư, công nhân. Tất cả vì mục tiêu chung là quyết tâm chinh phục gian khó để công trình hoàn thành đúng tiến độ, góp phần tạo nên một ngành nghề mới trong phát triển kinh tế, đó là công nghiệp năng lượng, gắn liền mục tiêu phát triển năng lượng sạch của tỉnh Long An. 

Để có thể kết nối thành công với điện lưới quốc gia và vận hành thương mại, TTC1 lắp đặt 148.500 tấm pin trên diện tích đất gần 50ha. Diện tích đất này trước đây chưa được khai thác hiệu quả trong trồng trọt, cỏ dại mọc nhiều, ngập nước nhưng giờ đây đã thay đổi, như “khoác” lên một “chiếc áo mới” bởi một màu xanh của những tấm pin mặt trời. Công suất thiết kế và vận hành của TTC1 mỗi ngày tạo ra bình quân 200MWh, trị giá gần 500 triệu đồng. Hiện nay, mỗi tháng, TTC1 tạo ra khoảng 6 triệu KWh, 1 năm tương đương 72,8 triệu KWh. 

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết: Hiện nay, có 18 dự án điện mặt trời đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh với tổng công suất 1.400MW. Đến nay, có 5 dự án vận hành thương mại với công suất 240MW, 3 dự án tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh và hòa vào mạng lưới điện quốc gia trong năm 2020. Các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động tạo ra nguồn điện dồi dào phục vụ quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Bên cạnh đó, các nhà máy điện mặt trời góp phần tạo nguồn thu ngân sách của tỉnh một cách bền vững. 

Tăng trưởng cao

Năm 2019, ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh được ghi nhận tiếp tục phát triển ổn định, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần chủ yếu vào tăng trưởng GRDP chung. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành trọng yếu, chiếm đến 45,51% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, đạt giá trị trên 241.770 tỉ đồng (theo giá năm 2010) và tăng 14,83% so với năm 2018. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 15,04% so với năm 2018, có 55/75 sản phẩm công nghiệp có sản lượng tăng và tăng cao như gạch xây dựng, sơn tường, sản phẩm gỗ, giày da, vải thành phẩm, sản phẩm nhựa, dược phẩm, sắt - thép thành phẩm, chỉ sợi các loại, điện thương phẩm, gạo,... 

Thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, năm 2019, diện tích đất công nghiệp lấp đầy tăng thêm 65 ha. Đến nay, Long An có 16 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 2.277ha, lấp đầy hơn 85%. Các KCN thu hút 1.514 dự án đầu tư, trong đó có 731 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 4.144 triệu USD và 783 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 84.385 tỉ đồng. Hiện có 21 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với tổng diện tích 1.081,2ha, lấp đầy đạt 89,7%, thu hút 544 dự án với tổng vốn đầu tư trên 15.635 tỉ đồng, trong đó có 60 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 209 triệu USD. Đặc biệt, năm 2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập 6 CCN mới với diện tích 218,7ha, vốn đầu tư đăng ký 3.689 tỉ đồng; lũy kế đến nay có 51 CCN có chủ trương đầu tư hạ tầng với tổng diện tích 2.571ha. 

Long An đang tập trung hỗ trợ nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng, sớm hoàn thiện hạ tầng ít nhất 6 K,CCN vào đầu năm 2020, kêu gọi đầu tư những năm tiếp theo. Các K,CCN còn lại đã có chủ trương đầu tư, tỉnh cũng tập trung nguồn lực hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục, hoàn thiện hạ tầng. Hy vọng, với những định hướng, quy hoạch trong phát triển công nghiệp đang đi đúng hướng sẽ là một trong những đòn bẩy để Long An phát huy lợi thế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giải quyết tốt an sinh xã hội; đồng thời, góp phần không nhỏ trong chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa các ngành hàng sản xuất và giá trị ngày càng cao. 

Theo ông Lê Minh Đức, bứt phá trong sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao là nhờ đa số doanh nghiệp từng bước nỗ lực hội nhập, xây dựng thương hiệu và tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm trong khu vực và toàn cầu; sự đóng  góp của các dự án điện mặt trời, các sản phẩm công nghiệp truyền thống. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa lẫn nước ngoài, tăng trưởng vượt mục tiêu dự kiến.  

Cụ thể như, kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Khoa Kỹ sinh vật Thăng Long (huyện Đức Hòa), ngành nghề chính là sản xuất thức ăn dành cho tôm và cá tiêu thụ trong, ngoài nước năm 2019 đạt sản lượng tiêu thụ khoảng 400.000 tấn, doanh thu 400 triệu USD. Hay Công ty TNHH Samduk Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa) có tổng vốn đầu tư lên đến 25 triệu USD. Nếu những năm đầu thành lập, năng lực sản xuất của công ty này chỉ đạt 1,8 triệu đôi giày/năm thì năm 2019, số lượng giày sản xuất tăng lên trên 3 triệu đôi. Theo dự kiến, năm 2020, công ty phấn đấu tăng sản lượng lên 6,5 triệu đôi và mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. 

Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, có tính bứt phá (Trong ảnh: Một góc khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc)

Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, có tính bứt phá (Trong ảnh: Một góc khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc)

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, có tính bứt phá do hiệu ứng tích cực từ các chính sách, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô kịp thời, hiệu quả của Chính phủ kết hợp sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh; các cơ quan chuyên môn, các địa phương đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai các biện pháp tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và tuyển dụng lao động, tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. 

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết, để duy trì đà phát triển công nghiệp cũng như tạo bước đột phá mạnh hơn, năm 2020, Long An tiếp tục tập trung kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Tỉnh kiên quyết thu hồi chủ trương đối với các nhà đầu tư chậm triển khai để chọn các nhà đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện nhằm có thêm nhiều khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư lớn đi vào hoạt động nhằm tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích