Tiếng Việt | English

15/07/2017 - 05:19

Cà tím không lành như ta tưởng

Cà tím theo y học cổ truyền có vị ngọt tính hàn, hơi độc. Tác dụng mát gan, lợi mật, nhuận tràng... ăn rất tốt cho người bị nóng nhiệt, khô đắng miệng, táo bón...

 

Cà tím - Ảnh: TTTT-GDSK

Song không phải hoàn toàn thế nên người mắc bệnh dạ dày cần lưu ý khi ăn cà tím bởi cà tím có tính hàn, ăn nhiều dễ làm cho dạ dày cảm thấy khó chịu gây ra tiêu chảy nặng.

Bên cạnh đó, những người yếu mệt hoặc bị thấp khớp, đau nhức khi trời lạnh không nên ăn nhiều, thường xuyên, đặc biệt là cà tím chiên rán vì chứa quá nhiều dầu có thể gây viêm tấy... Người bị hen suyễn, mắc bệnh thận cũng không nên ăn cà tím bởi cà tím chứa lượng oxalate cao - loại axit có trong thực vật mà nếu ăn quá nhiều dễ gây sỏi thận.

Mặc dù vậy, cà tím là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Nó đặc biệt hữu ích trong việc điều trị bệnh ung thư đại tràng do cà tím chứa một lượng lớn chất xơ hấp thụ độc tố và hóa chất có thể dẫn đến sự phát triển của ung thư đại tràng. Cà tím chứa nhiều nước và potassium có khả năng kích thích nhịp tim hoạt động tốt.

Ngoài ra, magiê và canxi cùng với vitamin A và C trong cà tím có tác dụng cải thiện cấu trúc xương giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời magiê trong cà tím còn chống lại cảm giác bồn chồn, lo lắng, chứng mất ngủ...

Không ăn quá nhiều cà tím vì trong cà tím có chứa một chất gọi là solanine, có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư nhưng cũng có tác dụng kích thích mạnh mẽ lên các trung tâm hô hấp, có tác dụng gây mê. Do vậy khi ăn quá nhiều cà tím có thể gây độc. Solanine lại hòa tan trong nước không đáng kể nên khi đun sôi vẫn không thể phá hủy được chất này.

Để giảm chất này, khi chế biến cần cho thêm chút giấm sẽ thúc đẩy sự phân hủy của chất solanine.

Không uống nước ép cà tím vì rất dễ xảy ra ngộ độc khi cà chưa được nấu chín. Bởi trong cà tím lại còn chứa một lượng chất nicotine cao hơn bất kỳ loại trái khác, với nồng độ 0,01mg/100g./.

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết