Tiếng Việt | English

21/06/2017 - 03:17

Các quy định pháp luật, nhà báo cần biết

Luật Báo chí (có hiệu lực thi hành 01/01/2017):

Điểm C, khoản 1, Điều 25 về Quyền và nghĩa vụ của nhà báo: “Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”.

Khoản 1, Điều 38 về Cung cấp thông tin cho báo chí: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin”.

Khoản 4, Điều 38 về Quyền bí mật nguồn tin của nhà báo: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.

Khoản 2, Điều 40 về Trả lời phỏng vấn trên báo chí: “Người phỏng vấn phải thể hiện chính xác, trung thực nội dung trả lời của người được phỏng vấn. Người được phỏng vấn có quyền yêu cầu xem lại nội dung trả lời trước khi đăng, phát. Cơ quan báo chí và người phỏng vấn phải thực hiện yêu cầu đó”.

Quy chế phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí (theo Nghị định 09/2017/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành 30/3/2017):

Điều 3 về Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí: Người có thẩm quyền phát ngôn là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao/ủy quyền phát ngôn.

Khoản 1, Điều 9 nếu nhà báo, cơ quan báo chí đăng phát đúng thông tin do người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp, đồng thời ghi rõ tên người phát ngôn, cơ quan của người phát ngôn thì nhà báo không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do người phát ngôn cung cấp.

Bộ luật Dân sự 2016:

Điều 32 Quyền về hình ảnh của cá nhân:
a. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình:
- Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
- Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

b. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh./.

BLA

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích