Tiếng Việt | English

30/12/2017 - 19:32

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những thách thức?

Bên cạnh những cơ hội mới, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt.

Thuật ngữ "Công nghiệp 4.0" (Industrie 4.0) lần đầu được nhắc đến vào năm 2011, tại Hội chợ Hannover. Tháng 10/2012, Nhóm Công tác về Công nghiệp 4.0 của Đức đệ trình chính phủ nước này một loạt khuyến nghị về thực hiện Công nghiệp 4.0, như chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người.

Hiện nay, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.

CMCN lần thứ tư là kỷ nguyên công nghiệp lớn lần thứ tư kể từ cuộc CMCN lần đầu tiên (từ 1784), với phát minh ra động cơ hơi nước; lần thứ hai (từ 1870), với phát minh ra động cơ điện; lần thứ ba (từ 1969), với phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử. Cuộc CMCN 4.0 được mô tả như là sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trong lĩnh vực kỹ thuật số, sinh học, vật lý, và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp.

CMCN 4.0 là trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn. (Ảnh minh họa: KT)

Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 là trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn. Trong lĩnh vực sinh học, CMCN 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Trong lĩnh vực vật lý sẽ là robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano.

Bên cạnh những cơ hội mới, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt. Với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, người máy càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi.

Ưu điểm làm việc 24/24, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… của robot cũng đang đe dọa đến sự tương quan trong việc sử dụng lao động là người thật hay người máy. Mặt trái của CMCN 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động.

Trong cuộc cách mạng thứ tư, sẽ có sự kết hợp giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. Những công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, đồng thời cũng thách thức ý niệm về vai trò thực sự của con người.

Những công nghệ này có tiềm năng kết nối hàng tỷ người trên thế giới, gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động cho các tổ chức, doanh nghiệp, tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay thậm chí là khôi phục lại những tổn thất mà các cuộc CMCN trước gây ra.

Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã đặt ra vấn đề này theo các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với những lao động văn phòng, trí thức, lao động kỹ thuật. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, có thể sẽ chậm hơn. Trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi. 

Những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ CMCN 4.0 sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sống và hệ lụy của nó sẽ là những bất ổn về chính trị. Nếu chính phủ các nước không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làn sóng công nghiệp 4.0, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu là hoàn toàn có thể. Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet cũng đặt con người vào nhiều nguy hiểm về tài chính, sức khoẻ. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động ngay đến các nước Mỹ, Canada, và các nước tiên tiến châu Âu với các hệ quả như sau: nhiều người được thừa hưởng thành quả từ công nghệ tiên tiến mang lại, như xe tự lái sẽ phổ biến và tiện lợi, công nghệ in 3D được ứng dụng trong y học với ưu thế về kỹ thuật tạo hình…; nhi phí sản xuất giảm xuống, hàng hóa trở nên rẻ hơn; nhiều người bị mất việc làm vì sản xuất được tự động hóa một cách triệt để; nhiều ngành truyền thống sẽ thất thu do thay đổi về phương thức và công cụ sản xuất; người ta phải định nghĩa lại công việc và phân công lại việc làm trong xã hội.

Tại các nước kém phát triển, công nghệ cũ sẽ tiếp tục tràn sang, mức độ ô nhiễm môi trường sẽ tăng cao, những việc nặng nhọc và nguy hiểm cần có sự hiện diện của con người được duy trì và gia tăng. Công việc mà máy móc tự động làm được sẽ biến mất. Các ngành thủy sản, chăn nuôi truyền thống rất khó cạnh tranh do thực phẩm nhập khẩu có giá rất rẻ và an toàn. Những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là có ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng.

Các chuyên gia đã chỉ ra những mối lo ngại về khả năng các tổ chức, doanh nghiệp có thể sẽ chưa sẵn sàng đón nhận các công nghệ tối tân hay các chính phủ sẽ gặp khó trong việc tuyển dụng người cũng như quản lý các công nghệ này một cách toàn diện. Công nghệ mới sẽ dẫn đến những thay đổi về quyền lực, gây ra những lo ngại về an ninh cũng như về khoảng cách giàu nghèo.

Trong lịch sử, các cuộc CMCN đều xảy ra với bất công gia tăng kéo theo hàng loạt những chuyển dịch lớn về chính trị cũng như thể chế. CMCN châu Âu hồi thế kỷ 19 đã dẫn tới sự phân cực giàu nghèo và ngay sau đó là 100 năm đầy biến động, bao gồm cả sự lan tỏa của chủ nghĩa dân chủ, quyền lợi công đoàn hay những thay đổi về luật thuế cũng như an sinh xã hội.

Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc cách mạng này sẽ có lợi cho tầng lớp giàu hơn là người nghèo, đặc biệt là những lao động trình độ thấp. Viễn cảnh này không hề khó dự đoán.

Có thể ở thời điểm hiện tại, các hệ thống chính trị, xã hội hay kinh doanh chưa thực sự sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển đổi mà cuộc cách mạng này sẽ mang lại, nhưng trong tương lai, những biến đổi sâu sắc trong cơ cấu xã hội sẽ là điều tất yếu xảy ra./.

CTV Hương Giang/VOV.VN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích