Tiếng Việt | English

06/09/2018 - 16:16

Cải lương Long An qua những bước thăng trầm

Cải lương Long An qua những bước thăng trầm: Bài cuối: “Cải cách hát ca theo tiến bộ”

Từ ngày 05 đến 19/9/2018, tại Đoàn Nghệ thuật Cải lương (CL) Long An (phường 4, TP.Tân An), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức Liên hoan CL toàn quốc năm 2018. Đây là dịp hội tụ của 25 đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp với 32 vở diễn về tranh tài tại vùng đất có truyền thống văn học - nghệ thuật và là một trong những chiếc nôi của nhạc lễ, nhạc tài tử Nam bộ, góp phần hình thành nghệ thuật CL ở miền Nam về sau này.

Một cảnh trong vở cải lương “Cuộc đời của mẹ

Một cảnh trong vở cải lương “Cuộc đời của mẹ”. Ảnh: Ðoàn nghệ Thuật cải lương Long An

Trải qua quá trình phát triển rực rỡ, cải lương đang mất dần vị thế “độc tôn” bởi quy luật phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ phát triển của công nghệ thông tin. Cải lương ở Long An không ngoại lệ. Ngày 28/4/2018, tại TP.HCM, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật (VHNT) Trung ương và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918-2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”. Kết thúc loạt bài, tác giả muốn thể hiện quan điểm tiếp cận bảo tồn, phát triển của cuộc hội thảo này.

Đôi điều suy nghĩ

Bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng phải chấp nhận những nguy cơ đào thải trong sự phát triển chung của nền văn hóa - nghệ thuật, nhất là trong thời đại ngày nay, khi mà sự phát triển của công nghệ thông tin, các loại hình giải trí khác đã dần tước đi vị thế “độc tôn” của cải lương. Trong khi đó, quá trình chuyển giao thế hệ ở sân khấu cải lương có một khoảng trống về đội ngũ kế thừa, nhất là 3 nhân tố quan trọng làm nên vở cải lương: Tác giả, danh cầm và diễn viên. Cải lương vì vậy đang không theo kịp tiết tấu cuộc sống đương thời để thể hiện những cảm quan mới, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ trong công chúng nghệ thuật.

Trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng chung hiện nay, cải lương Long An có những thuận lợi cơ bản. Đó là được sự quan tâm và định hướng của lãnh đạo tỉnh về nghệ thuật truyền thống này, đầu tư kinh phí để bảo đảm tồn tại và hoạt động, có điều kiện đối nội, đối ngoại, nguồn kịch bản và những trụ cột nghề nghiệp liên kết các thế hệ, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, sự hài hòa, đồng điệu giữa các thế hệ diễn viên,... Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của cải lương Long An là vấn đề kịch mục, đoàn không có tác giả và đạo diễn riêng, phải lệ thuộc bên ngoài và công tác dàn dựng rất tốn kém.

Hai nghị quyết có tác động tích cực và trực tiếp đến đời sống, sự phát triển của nền VHNT cả nước là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ngày 16/7/1998 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xác định nhiệm vụ trọng yếu là “phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người” và Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” chỉ rõ “tài năng VHNT là vốn quý xã hội”. Nghệ thuật cải lương với những đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà suốt 100 năm qua chính là “vốn quý xã hội”. Chính vì vậy, người viết tán thành quan điểm mạnh dạn xác định cải lương là Di sản văn hóa phi vật thể, một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc và cần được Nhà nước bảo trợ nhằm bảo tồn trước nguy cơ bị tác động làm cho suy thoái, mai một.

Về vấn đề quan điểm bảo tồn, trở lại với tên gọi cải lương. Dưới dạng danh từ chung, cải lương (không viết hoa) hay chủ nghĩa cải lương là một học thuyết chính trị chủ trương cải cách thể chế xã hội đang tồn tại; dưới dạng động từ thì có nghĩa cải tiến, cải thiện, tiến bộ hay làm cho hoàn thiện; dưới dạng danh từ riêng, Cải lương (viết hoa) dùng để gọi tên một thể loại sân khấu ở Việt Nam ra đời vào đầu thế kỷ XX. Còn chính thức được gọi riêng cho một kiểu sân khấu mới, theo GS. Trần Văn Khê (Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, 2004, Nxb Trẻ) là do ghép lại từ 2 chữ đầu của 2 câu liễn treo trên bảng hiệu của gánh hát Tân Thinh - Sa Đéc của ông bầu Trương Văn Thông vào năm 1920, mọi người sử dụng dần dà rồi thành thông dụng: Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh. Như vậy, cải lương (không viết hoa) hay Cải lương (viết hoa) thì nội hàm đều là sự vận động và đổi mới (cải tiến, sáng tạo) không ngừng. Cải lương vì vậy từ bản chất và với tên gọi ban đầu của nó cho thấy luôn phải vận động để phù hợp với thời đại mà nó đang tồn tại.

Đi tìm giải pháp

Trên quan điểm đó, thiết nghĩ, Long An trong bảo tồn và phát huy di sản cải lương không thể theo kiểu bao cấp lâu dài vì địa phương còn nhiều khó khăn, cũng không thể theo kiểu tự hào quá khứ, đề cao danh hiệu, mà không có kế hoạch chăm lo phát triển theo đà phát triển KT-XH. Như vậy, chỉ có thể bảo tồn trên cơ sở phát huy.

Trước tình hình trên, Long An có 2 hướng để giải quyết. Một là về những vấn đề cần thiết trước mắt để duy trì và ổn định hoạt động cải lương chuyên nghiệp nhằm kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà. Hai là về lâu dài, từng bước giải quyết có định hướng phát triển nghệ thuật truyền thống này đi đôi với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, an ninh - quốc phòng,... nhằm đáp ứng nhu cầu nghệ thuật truyền thống tỉnh nhà hòa nhập với thời đại chung với yêu cầu phát triển các lĩnh vực của toàn tỉnh.

Từ định hướng đó, thiết nghĩ, giải pháp bảo tồn và phát triển cần chú ý đến các vấn đề sau:

Một, nâng cao năng lực thưởng thức trong công chúng. Theo đó, ngành truyền thông tỉnh cần có chương trình phổ cập kiến thức âm nhạc tài tử, cải lương cho công chúng qua báo, đài với chương trình định kỳ để công chúng có cơ hội nắm bắt, tiếp cận loại hình nghệ thuật truyền thống này. Tổ chức hội, chi hội sân khấu, trung tâm văn hóa, các câu lạc bộ,... ngoài hoạt động chuyên môn nên dành thời gian và điều kiện cho hoạt động phổ cập kiến thức này thông qua tạp chí chuyên ngành, trang thông tin,... Việc nâng cao năng lực thưởng thức nghệ thuật cải lương sẽ tác động tích cực đến các giải pháp khác như hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực; duy trì và tăng cường hoạt động hội diễn/hội thi, góp phần hỗ trợ các câu lạc bộ.

Hai, bồi dưỡng nhân lực, do đặc thù đào tạo diễn viên sân khấu cải lương nên cần có chiến lược bồi dưỡng nhân lực từ xa và có chính sách hỗ trợ việc bồi dưỡng chuyên nghiệp hơn. Bồi dưỡng từ xa là phải tạo ra cho đối tượng sự ham thích bộ môn nghệ thuật này thông qua chương trình đào tạo ngoại khóa ở trường phổ thông và các khóa học chuyên môn ở các câu lạc bộ địa phương; có chính sách hỗ trợ việc bồi dưỡng có tính chuyên nghiệp là tạo cho lớp nhân lực này được vào các trường đại học sân khấu - điện ảnh và các trường đào tạo sân khấu, âm nhạc cổ truyền bậc đại học, cao đẳng để sau này trở thành lực lượng chuyên nghiệp.

Ba, duy trì và tăng cường hoạt động tổ chức, tham gia hội thi, hội diễn.

Bốn, thực hiện mô hình biểu diễn, cần vận động xã hội tạo điều kiện cho những mô hình ban hát hoạt động thường xuyên trong các dịp gia đình cần có âm nhạc để giúp vui hoặc chia buồn trong những đám tiệc, sinh nhật, cưới hỏi hoặc tang gia, giỗ chạp ở địa phương. Sự tương tác này chắc chắn sẽ giúp gia chủ thỏa mãn nhu cầu âm nhạc; đồng thời hỗ trợ hoạt động cải lương có thêm kinh phí hoạt động, nâng cao năng lực biểu diễn bởi niềm đam mê nghệ thuật trong công chúng còn rất cao. Vấn đề là làm cách nào cho phù hợp với tình hình mới.

Thay lời kết

Xin gửi lời tri ân đến các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ qua từng bước thăng trầm lịch sử của đất nước nói chung, nghệ thuật nước nhà nói riêng, suốt đời “tằm trả nợ dâu”, hoạt động và cống hiến nghệ thuật không mệt mỏi để nhạc tài tử và cải lương góp phần làm nên “cốt cách Nam bộ”, trở thành một loại hình nghệ thuật dân tộc đặc trưng đất phương Nam, làm phong phú và đồ sộ kho tàng di sản văn hóa - nghệ thuật dân tộc. Nhiệm vụ của chúng ta ngày nay là làm sao để di sản tinh thần ấy tiếp tục trường tồn và phát huy, đóng góp vào quá trình hội nhập và phát triển của đất nước./.

ThS. Nguyễn Tấn Quốc

Chia sẻ bài viết