Tiếng Việt | English

20/06/2018 - 11:07

Cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng

Năm 2013, người dân bỏ ra 22.000 tỉ đồng mua thuốc lá (TL). Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm của 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 nhóm bệnh do TL gây ra là 23.139 tỉ đồng. Thu ngân sách từ thuế TL là 16.965 tỉ đồng.

Nghiện thuốc lá thực thể - dược lý là khi việc hút thuốc trở thành một nhu cầu cần thiết, không thể cưỡng lại vì thiếu nicotine sẽ thiếu tập trung. Ảnh minh họa

Nghiện thuốc lá thực thể - dược lý là khi việc hút thuốc trở thành một nhu cầu cần thiết, không thể cưỡng lại vì thiếu nicotine sẽ thiếu tập trung. Ảnh minh họa

Các dạng nghiện thuốc lá

Nghiện TL là trạng thái rối loạn tâm thần - hành vi do tương tác giữa cơ thể với nicotine trong TL. Biểu hiện của nghiện TL là cảm giác thôi thúc, buộc người nghiện phải hút TL để cảm thấy sảng khoái, không khó chịu vì thiếu thuốc. Hành vi hút TL vẫn tiếp tục dù người nghiện biết rõ hay thậm chí bị ảnh hưởng do các tác hại của TL.

Nghiện TL tâm lý là hút thuốc để tìm kiếm các hiệu ứng tâm thần kinh như sảng khoái, hưng phấn, tăng khả năng tập trung. Mỗi người nghiện TL tâm lý khác nhau, tùy hoàn cảnh, không gian, thời gian và nhu cầu hiệu ứng tâm thần kinh.

Nghiện TL hành vi là hút thuốc như một phản xạ có điều kiện chứ không phải do nhu cầu cơ thể thực sự thiếu nicotine. Hành vi hút TL xuất hiện trong các tình huống cụ thể, lặp đi lặp lại, theo đúng thứ tự trong thời gian dài như sau khi ăn cơm xong, khi uống cà phê,...

Nghiện TL thực thể - dược lý là khi việc hút thuốc trở thành một nhu cầu cần thiết, không thể thiếu, không thể cưỡng lại trong cuộc sống, do đó, cơ thể người nghiện cần nicotine để có thể hoạt động bình thường. Thiếu nicotine sẽ xuất hiện các triệu chứng của hội chứng cai thuốc như thèm hút mãnh liệt; cảm giác kích thích, bứt rứt, căng thẳng; không tập trung; buồn bã, lo lắng; thèm ăn; rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng này sẽ biến mất khi hút TL trở lại.

Nghiện TL có các dạng như trên mà thủ phạm gây nghiện là nicotine. Khi có nicotine, người hút sẽ cảm thấy an tâm, sảng khoái, yêu đời, thư giãn, tập trung, tăng hiệu quả lao động trí óc, giảm cân. Khi thiếu nicotine sẽ mất ngủ, trầm cảm, giảm hưng phấn, cáu gắt, bứt rứt, lo âu, giảm tập trung, ớn lạnh, sốt, thèm ăn. Hậu quả, người nghiện phải tiếp tục hút TL để duy trì những cảm giác dễ chịu, tránh những cảm giác khó chịu.

Người nào hút thuốc lá cũng sẽ nghiện?

Không hẳn người nào hút TL cũng sẽ nghiện hút. Sự khác biệt này là do gen quy định. Các tế bào thần kinh và thụ thể nicotine không đồng nhất giữa các cá thể và vì thế sẽ phản ứng khác nhau khi tiếp xúc nicotine.

Một số người, thụ thể trơ với nicotine nên nicotine không gây ra hiệu ứng tâm thần kinh, do đó sẽ không nghiện. Một số khác, ngay lần đầu tiên tiếp xúc nicotine, thụ thể nicotine phản ứng mạnh, gây nhiều hiệu ứng tâm thần kinh và khởi phát con đường gây nghiện TL.

Không thể tiên đoán ai là người không tiếp ứng với nicotine nên tốt hơn hết là đừng bao giờ thử.

Hút bao nhiêu điếu/ngày thì không gây nghiện?

Theo kết quả nghiên cứu của Tobacco Control 2002, người ta có thể trở nên nghiện TL khi hút 2 điếu/tuần. Thanh, thiếu niên nghiện rất nhanh, hút càng sớm thì nguy cơ nghiện càng cao. Nữ dễ nghiện hơn nam.

Tùy theo đặc điểm thể chất do gen quy định sẽ quyết định mức độ nhạy cảm của thụ thể nicotine trong não với nicotine trong TL làm cho nghiện TL có thể xảy ra ở người này mà không xảy ra với người khác.

Khi thụ thể nicotine nhạy cảm, quá trình nghiện bắt đầu từ điếu thuốc đầu tiên chứ không nhất thiết đến khi hút nhiều điếu mới gây nghiện.

Thuốc nào ít hại hơn?

Người hút tẩu hút “nông” hơn nhưng “nhiều” hơn sao cho phần thuốc ở đầu ống không bị tàn đi. Các chất gây ung thư trong khói TL tiếp xúc nhiều, lâu ở niêm mạc vùng họng và miệng hơn nên gây ung thư.

Khói thuốc lào qua nước trước khi vào cơ thể. Hàm lượng hắc ín trong khói thuốc lào thấp hơn trong khói TL điếu nhưng lượng oxyde carbon (CO) lại cao hơn dễ gây ngộ độc CO.

TL cuộn có hàm lượng nicotine và hắc ín nhiều gấp 3-6 lần so với TL điếu công nghiệp có cùng trọng lượng nên độc hại hơn TL điếu công nghiệp.

Điếu xì gà kích thước lớn hơn và được bọc bằng lá của cây TL chứ không phải bằng giấy như trong điếu TL. Lượng nicotine trong 1 điếu xì gà nhiều gấp 10 lần, amoniac nhiều gấp 20 lần, kim loại Cadmium nhiều gấp 10 lần trong 1 điếu TL. TL trong điếu xì gà cũng có nhiều nitrate hơn, là tiền chất của một chất gây ung thư rất mạnh là N-nitrosamines.

Hút thuốc lá "nhẹ" an toàn hơn?

Những loại TL “nhẹ”, có lượng nicotine và hắc ín thấp hơn TL điếu thông thường nên các nhà sản xuất quảng cáo các loại TL này an toàn hơn, nhưng đây là một quảng cáo gây nhầm lẫn. Lượng chất độc đo được trong điếu TL khác với lượng chất độc đi vào cơ thể. Cách hút nông, sâu khác nhau dẫn đến lượng chất độc đi vào cơ thể nhiều, ít khác nhau.

Do lượng nicotine trong TL “nhẹ” hơn nên người hút thuốc sẽ hút sâu hơn, nhiều hơn để bù trừ lượng nicotine thiếu, như vậy, lượng chất độc có trong TL theo đó cũng đi vào cơ thể với lượng không hề kém so với hút TL điếu thông thường.

Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều 32 của nghị định quy định về hành vi vi phạm về bán sản phẩm TL.

Theo đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không treo biển thông báo không bán TL cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán. Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi bán TL cho người chưa đủ 18 tuổi hoặc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán TL.

Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về trưng bày TL tại điểm bán hàng. Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bán TL bằng máy bán TL tự động hoặc bán TL tại các địa điểm có quy định cấm; bán TL phía ngoài cổng các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, THPT, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.

Nghị định 158/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, ở Điều 50 quy định, nếu vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo TL.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích