Tiếng Việt | English

18/09/2015 - 15:32

Cái tâm của một nhà giáo

Nhiều thế hệ giáo viên đã và đang chắp cánh cho những mầm non tương lai trên quê hương. Cô giáo Cao Thị Bé - giáo viên Trường Tiểu học Thanh Vĩnh Đông là một trong những tấm gương sáng về lòng yêu nghề, mến trẻ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Cô Cao Thị Bé vui vẻ, nhiệt tình trong giảng dạy

Sinh ra và lớn lên tại thị xã Tân An (nay là TP.Tân An), tỉnh Long An, năm 1982, cô Cao Thị Bé tốt nghiệp Trung học Sư phạm Long An và bắt đầu sự nghiệp trồng người tại Trường THCS Bình Trinh Đông, huyện Vàm Cỏ (nay là huyện Tân Trụ). Năm 1990, cô về giảng dạy tại Trường Tiểu học Việt Lâm, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành cho đến nay.
Trong những năm 1990, nhiều học sinh bỏ học do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn và nhiều giáo viên phải bỏ nghề vì điều kiện vật chất thiếu thốn. Trước tình trạng đó, cô cùng đồng nghiệp động viên nhau cố gắng bám lớp, bám trường. Mặt khác, nhiều thầy giáo, cô giáo đến tận nhà vận động học sinh trở lại lớp. Cô Bé và một số giáo viên khác còn tích cực tham gia phổ cập giáo dục cho các em lớn tuổi, không có điều kiện đến trường.

Là giáo viên tiểu học, cô luôn chú trọng đến việc rèn kỹ năng dạy tiếng Việt cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 3 do cô phụ trách. Trong chương trình phân môn Luyện từ và câu của khối lớp 3, có nội dung về dấu phẩy. Ở nội dung này, các em thực hành không được, bởi lẽ các bài học và kiến thức không dạy theo lối hình thành kiến thức mà chủ yếu là dạy thông qua các bài tập thực hành. Để giải quyết vấn đề trên, cô liên hệ với các giáo viên trong trường tham khảo ý kiến và dựa vào kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm giảng dạy tìm ra phương pháp tích hợp là dựa vào các kiến thức đã học trước đó, lấy chúng làm cơ sở, điểm tựa để các em học tốt về kiến thức dấu phẩy. Từ đó, học sinh lớp 3 làm tốt các bài tập liên quan về kỹ năng sử dụng dấu phẩy. Cô sẵn sàng đưa kiến thức nghiên cứu được ra trao đổi cùng các đồng nghiệp, giúp nhau cùng tiến bộ.

Qua đó, cô cũng rút ra được bài học kinh nghiệm không chỉ trong giảng dạy phân môn Luyện từ và câu mà ngay cả các môn học khác, giáo viên cần hướng dẫn học sinh vận dụng những kiến thức có trước, đã học vào giải quyết các yêu cầu học tập sau đó. Đây là xu hướng dạy học tích hợp kiến thức mà các chuyên gia xây dựng chương trình đã định hướng.
Bằng kinh nghiệm, lòng yêu nghề, cô đã đoạt giải Sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh xếp loại C, 2 giải Sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng Khoa học cấp huyện xếp loại B và 1 bài Nghiên cứu Khoa học Sư phạm Ứng dụng xếp loại B,...

Tham gia giảng dạy đến nay đã 33 năm, với lòng yêu nghề, cô càng có trách nhiệm với công việc của mình. Cô luôn quan tâm giúp đỡ những học sinh có học lực yếu, phụ đạo các em vào những ngày nghỉ hoặc giờ ra chơi. Nhờ vậy, học sinh lên lớp 100%, học sinh giỏi trong lớp chiếm 35-45%.

Cô còn tận tình giúp đỡ các đồng nghiệp trẻ để họ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Song song đó, cô cũng tham gia xây dựng Trường Tiểu học Thanh Vĩnh Đông trở thành trường chuẩn quốc gia. Đây cũng là niềm mơ ước của cô trước khi về hưu.

Cô Cao Thị Bé nhận được rất nhiều danh hiệu như: 24 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 4 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 4 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen, trong đó có thành tích là giáo viên tiêu biểu giai đoạn 2008-2013 của tỉnh. Đặc biệt, ngày 11-11-2014, cô Cao Thị Bé vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú./.

Lê Ngọc

 

 

Chia sẻ bài viết