Tiếng Việt | English

21/04/2017 - 21:05

Cải thiện chỉ số PCI cần đi vào chiều sâu

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2016, Long An đứng ở vị trí thứ 15 trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thuộc nhóm Tốt với 60,65 điểm (tụt 6 bậc và giảm 0,21 điểm so với năm 2015). Nguyên nhân tụt giảm điểm số, thứ hạng được các ngành chức năng nhìn rõ và tập trung thực hiện giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI.

Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn

Theo công bố của VCCI, mặc dù tổng điểm số về các chỉ số thành phần của PCI năm 2016 Long An có giảm nhưng không nhiều - thứ hạng giảm 6 bậc. 7/10 chỉ số thành phần giảm số điểm (như chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý, cạnh tranh bình đẳng).

Hoạt động đào tạo nghề trong thời gian tới phải hướng đến nhu cầu của DN (ảnh: Lê Ngọc)

Thời gian qua, Long An đặc biệt quan tâm việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp (DN) đến đầu tư. Long An được DN đánh giá cao và lựa chọn là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Trong quí I, Long An có trên 270 DN thành lập mới; tỉnh cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án có vốn đầu tư từ nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 36 triệu USD. Đặc biệt, thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2016, hình ảnh về Long An được nhiều DN quan tâm và lựa chọn để đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, tại các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và đại diện DN, DN nêu lên nhiều bức xúc. Nhiều DN cho rằng, vẫn còn gặp những khó khăn nhất định trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Một chủ DN nước ngoài đóng tại địa bàn huyện Đức Hòa cho rằng, môi trường đầu tư tại Long An khá tốt, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường kết nối các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh và TP.HCM để tạo thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa. Thế nhưng, trong vấn đề tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, lao động có trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu công việc còn khó khăn. DN mong muốn tuyển lao động là người địa phương nhằm tránh sự dịch chuyển lao động.

Ý kiến này của DN cũng là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số thành phần “Đào tạo lao động” trong năm 2016 của Long An được đánh giá 5,4 điểm - sụt giảm 0,44 điểm so với năm 2015. Và điểm số này trong 12 năm qua chỉ dao động từ 4,75 đến 5,92 điểm.

Chi phí thời gian, chi phí không chính thức cũng là những điểm số tụt giảm trong năm 2016. Theo đánh giá của các ngành chức năng: Hải quan, Trung tâm Phục vụ hành chính công, thời gian qua, xuất hiện hiện tượng “cò” chạy việc các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Long An - Nguyễn Văn Khánh thông tin, hiện tượng “cò” thủ tục hải quan có xảy ra tại Long An bởi cùng một con người nhưng họ làm thủ tục, giấy tờ cho nhiều công ty, DN. Tuy nhiên, những trường hợp này đều hợp lệ bởi họ có tất cả giấy tờ hợp lệ, điển hình như giấy ủy quyền hợp pháp. Trong quá trình thực hiện các thủ tục hải quan đôi khi có những rắc rối, sai sót phát sinh sau thông quan,... Chính những “cò” này không trung thực, vòi vĩnh thêm chi phí từ DN và thường đổ lỗi cho phía cơ quan chức năng. Từ đó, chi phí phát sinh của DN tăng.

Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế - Trương Văn Triều nhận định, nhiều chủ đầu tư hạ tầng các KCN còn gặp khó khăn trong quá trình giải tỏa đền bù để xây dựng hạ tầng. Tranh chấp giữa nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp cũng xảy ra trong thời gian qua, gây khó khăn cho DN. Chính những nguyên nhân này làm điểm số và thứ hạng PCI của Long An tụt giảm.

Cải thiện cần đi vào chiều sâu

Long An hiện có 35 cơ sở dạy nghề (24 cơ sở công lập, 11 cơ sở ngoài công lập), trong đó có 3 trường cao đẳng nghề, 6 trường trung cấp nghề, 8 trung tâm dạy nghề, 16 đơn vị công lập và 2 DN có tham gia dạy nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 62,86%, đạt 101,39% kế hoạch; trong đó, qua đào tạo nghề là 42,43%.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phạm Văn Bốn thẳng thắn, sở dĩ chỉ số "Đào tạo lao động" tụt điểm và điểm số ở 12 năm qua không cao vì các trường nghề trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu của DN. Hầu hết khi tuyển dụng lao động, DN đều phải đào tạo lại mới đáp ứng nhu cầu công việc.

Các sở, ngành thực hiện tốt quy chế phối hợp khi thực hiện nhiệm vụ, chức năng trong quản lý nhà nước tại các khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh

Ông Phạm Văn Bốn cũng chia sẻ, lâu nay, các trường nghề chỉ đào tạo những nghề mà mình có, chưa gắn kết với DN để đào tạo những nghề mà họ cần. Hơn nữa, nhiều trang thiết bị, máy móc dành cho dạy nghề còn lạc hậu nên không thể theo kịp nhu cầu sử dụng của DN. Theo rà soát, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có vài trường nghề đào tạo có gắn kết với DN. Điển hình như Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa. Cách dạy của trường này là học viên học lý thuyết tại trường và hầu hết giờ thực hành đều được gửi đến các DN trên địa bàn huyện. Học viên của trường sau khi tốt nghiệp đều được DN mời về làm việc.

Theo ông Phạm Văn Bốn, Sở Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận những điểm yếu hiện tại và đang lên kế hoạch đào tạo nghề theo hình thức của Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa, tức đào tạo những ngành nghề DN cần. Sở sẽ rà soát nhu cầu lao động của DN thông qua 3 sàn giao dịch việc làm của tỉnh và lên kế hoạch đào tạo. Riêng nguồn nhân lực chất lượng cao, biết tiếng nước ngoài, sở phối hợp các đối tác đào tạo đáp ứng nhu cầu của DN.

Để giải quyết nạn “cò”, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Long An - Nguyễn Văn Khánh cho biết, giảm tình trạng “cò” thủ tục là phương án mà ngành đang hướng đến nhằm hướng DN hoạt động chuyên nghiệp trong khai báo hải quan. Cục Hải quan Long An thường xuyên tổ chức triển khai những chính sách mới, đối thoại DN và thông báo khi có vấn đề phát sinh trong thông quan, sau thông quan, cần liên hệ với Cục Hải quan để giải quyết.

Bên cạnh đó, Long An đang thử nghiệm xây dựng mối quan hệ đối tác giữa Hải quan và DN nhằm xây dựng kênh thông tin trao đổi, tìm hiểu, tư vấn những vấn đề liên quan. Hiện Cục Hải quan Long An chọn những DN điển hình để thực hiện nhằm xây dựng, sau đó sẽ triển khai rộng rãi hơn.

Ban Quản lý Khu kinh tế hiện cũng xây dựng kế hoạch thực hiện nâng cao chỉ số PCI theo nhiệm vụ của đơn vị với từng chỉ số thành phần. Theo đó, ban tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả các chỉ số. Riêng những vấn đề còn khó khăn: Tranh chấp giữa các DN trong KCN, giữa công ty hạ tầng và DN thứ cấp (tranh chấp về giá nước, phí hạ tầng), về giải tỏa đền bù,... làm mất nhiều thời gian và chi phí của nhà đầu tư, ban sẽ tích cực theo dõi, kịp thời hòa giải các tranh chấp để ổn định sản xuất.

Ông Trương Văn Triều cũng đề xuất, với vai trò là cơ quan đầu mối trong việc quản lý các KCN, ban đề nghị các sở, ngành thực hiện tốt quy chế phối hợp khi thực hiện nhiệm vụ, chức năng trong quản lý nhà nước tại các KCN. Sự phối hợp của các cơ quan liên quan khi giải quyết vấn đề phát sinh của DN cần nhanh chóng được thực hiện và có chiều sâu trong từng sự việc, tạo điều kiện cho DN ổn định sản xuất, kinh doanh và cùng tỉnh thực hiện tốt mục tiêu phát triển KT-XH.

"Nhiều chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp còn gặp khó khăn trong quá trình giải tỏa đền bù để xây dựng hạ tầng. Tranh chấp giữa nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp cũng xảy ra trong thời gian qua, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chính những nguyên nhân này làm điểm số và thứ hạng PCI của Long An tụt giảm", Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế- Trương Văn Triều cho biết./.

Gia Hân 

Chia sẻ bài viết