Tiếng Việt | English

16/05/2019 - 08:41

Cải tiến dụng cụ vạt vỏ dừa tươi

Sau nhiều ngày nghiên cứu, thử nghiệm, em Nguyễn Minh Thư - học sinh (HS) lớp 8A6 và Nguyễn Nhất Huy - HS lớp 8A5, Trường THCS Nguyễn Trung Trực (ngụ ấp Phước Tú, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), cho ra đời thành công dự án Cải tiến dụng cụ vạt vỏ dừa tươi. Với sản phẩm này, hai em vinh dự đoạt giải nhì cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho HS trung học cấp tỉnh, lần thứ 7 và giải đặc biệt cấp quốc gia khu vực phía Nam, năm học 2018-2019.

Nguyễn Minh Thư và Nguyễn Nhất Huy phác họa mô hình dự án Cải tiến dụng cụ vạt vỏ dừa tươi
Dự án Cải tiến dụng cụ vạt vỏ dừa tươi góp phần đỡ tốn sức, mất thời gian cho người kinh doanh nước giải khát.

Minh Thư chia sẻ: “Nhà em kinh doanh nước giải khát đã nhiều năm. Còn nhà bạn Huy trồng và cung cấp dừa sỉ cho các quán, vựa lớn trên địa bàn huyện, trong đó có nhà em. Em thấy, số lượng tiêu thụ dừa tươi của quán ngày càng nhiều, nhất là vào mùa nắng nóng (20-30 trái/ngày). Mẹ em phải vất vả dùng dao gọt vỏ để bán cho khách. Vì vậy, em chủ động bàn với bạn Huy cùng nhau nghiên cứu, thực hiện dựa án Cải tiến dụng cụ vạt vỏ dừa tươi”.

Sau khi thống nhất ý tưởng, Minh Thư và Nhất Huy nhanh chóng phác họa mô hình, tận dụng những thanh sắt vụn trong nhà rồi nhờ thợ (chú ruột của Minh Thư) hàn lại với nhau tạo thành khung máy và dao cắt. Máy hoạt động nhờ vào động cơ quay truyền lực qua bộ truyền xích làm trục chính quay đều. Dừa được định tâm bằng bàn chông, quay tay quay xuống chống tâm đỉnh dừa để cắt phần đầu dừa. So với vạt theo kiểu truyền thống thì dụng cụ vạt vỏ dừa tươi tiện lợi hơn. Minh Thư thổ lộ: “Trước đây, mẹ em phải mất 4-5 phút dùng dao vạt bề mặt trái dừa để giao cho khách. Từ khi sử dụng dụng cụ vạt vỏ dừa của tụi em cải tiến, mẹ chỉ cần mất 30 giây là có trái dừa tươi trông khá đẹp mắt, bảo đảm vệ sinh thực phẩm trong quá trình cắt mặt”.

Theo nhận định của Minh Thư, Nhất Huy, hiện nay, các nhà vườn, vựa dừa lớn trong nước phải vạt hàng trăm có khi lên đến hàng ngàn trái dừa trong một ngày. Nếu sử dụng phương pháp thủ công thông thường là dùng dao vạt vỏ thì lượng cung cấp không đáp ứng được yêu cầu và làm giảm năng suất. Vì vậy, với kết cấu khá đơn giản, dễ làm, giá thành thấp, dự án Cải tiến dụng cụ vạt vỏ dừa tươi ra đời gọn, dễ di chuyển, dễ sử dụng sẽ góp phần đỡ tốn sức, mất thời gian, tạo ra năng suất cao, phù hợp với cơ sở kinh doanh lớn.

Nguyễn Minh Thư và Nguyễn Nhất Huy phác họa mô hình dự án Cải tiến dụng cụ vạt vỏ dừa tươi

“Lúc mới cải tiến dụng cụ, chúng em gặp rất nhiều khó khăn, do máy không cố định được trái dừa khi vạt và dao cắt thường bị vướng bởi giá chữ V. Sau đó, chúng em tiếp tục nghiên cứu, cải tiến lại bằng cách tạo thêm một chốt nhọn để cố định trái dừa, giá đỡ ngang để tăng lực cắt của dao và dùng cơ cấu trục vít (đai ốc) để tạo khoảng cách sao cho phù hợp,... Qua 3 lần cải tiến và thử nghiệm, sản phẩm của chúng em mới thành công” - Nhất Huy bộc bạch.

Dừa (danh pháp khoa học: Cocos nucifera), nước chứa nhiều chất bổ dưỡng: Đường, đạm, vitamin, khoáng chất, là nguồn cung cấp và tạo ra cân bằng điện giải đẳng trương tốt. Nước dừa lấy ra khỏi trái sẽ bị mất khí vị, cho nên người sử dụng thường để nguyên trái mà uống. Dừa hiện được đông đảo khách hàng trong và ngoài nước (vùng nhiệt đới) ưa chuộng. “Chúng em đang thiết kế thêm đĩa quay dao tịnh tiến nhằm cắt phần vỏ ngoài và phần đít dừa. Qua đó, góp phần tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động trước thị trường tiêu thụ lượng dừa tươi ngày càng nhiều, nhất là tại các siêu thị, khu du lịch trong và ngoài nước” - Minh Thư thông tin./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết