Tiếng Việt | English

16/04/2017 - 07:49

Cảm nhận “xứ Cần”

Hơn 30 năm trước, tôi đi xuồng trên sông Cần Giuộc và nhận ra con sông chia huyện thành 2 vùng thượng - hạ rõ rệt. Vùng thượng (trên cao) đất đai mỡ màu, trồng lúa được lúa, trồng rau được rau, bốn mùa mát rượi vườn rau và vườn cây trái.

Đường thôn qua vùng trồng rau

Có đêm tôi nghỉ lại nhà Vân, anh bạn nhà vườn Long Thượng. Là con trai út, Vân được thừa kế ngôi từ đường cổ nằm giữa khu đất hơn 10.000m2 trồng nào xoài, nào mít đã thành cổ thụ vẫn ra trái đều đều. Vườn còn có ao nước rộng đủ tưới quanh năm cho 0,6ha rau. Trù phú là vậy mà vợ chồng anh sớm tối vẫn miệt mài ngoài vườn khi gánh nước tưới rau, khi nhổ rau bó từng bó, khiêng từng giỏ ra đường lớn để cân bán cho xe hàng từ TP.HCM xuống mua. Chuyên cần vậy, anh chị nuôi đủ 4 con ăn học. Về Mỹ Lộc, Phước Hậu, Phước Lâm, Phước Lý với những cánh đồng trồng đủ các loại rau, củ, quả mượt mà. Có những vợ chồng thức khuya dậy sớm để có sản phẩm tốt đưa ra thị trường.

Từ bao đời nay, người TP.HCM luôn là khách hàng truyền thống của các nhà vườn ở đây. Bây giờ, vùng thượng mang khuôn mặt nông thôn mới. Đến đâu cũng đường nhựa, đường bêtông, người dân đều có chỗ ở tốt và ổn định. Anh Trần Tiết Giao, ở xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có 5.000m2 đất vườn. Mỗi năm, anh trồng 8 đợt rau húng và hành, mỗi đợt thu 10 tấn, có người đến thu mua tại chỗ. Hỏi hiệu quả kinh tế, anh chỉ nói “trồng rau thu nhập gấp 10 lần lúa”. Ông Nguyễn Tấn Quốc trồng 1.500m2 hành, mỗi đợt 90 ngày thu lãi 30 triệu đồng. Ông Trần Văn Hai chỉ trồng 1.000m2 rau dấp cá, mỗi đợt cũng thu lãi 20 triệu đồng. Xã Phước Hậu cung cấp cho thị trường TP.HCM bình quân 20 tấn rau an toàn/ngày.

Anh Huỳnh Ngọc Hoàn thu hoạch cải xoong

Sang xã Phước Lâm, nông thôn mới cũng mang đến cho xã diện mạo khác. Anh Huỳnh Ngọc Hoàn “chơi” 1ha cây kiểng và hơn 0,3ha cải xà lách xoong. Anh khoe mới bán một cây kèn hồng 10 triệu đồng, trong vườn còn hơn 100 cây kèn hồng. Mỗi tháng, anh cắt cải xoong 2 đợt, đưa lên TP.HCM, thu 18-20 triệu đồng/đợt.

Vùng hạ - ở phía tả ngạn sông Cần Giuộc, trũng thấp, phèn mặn quanh năm, kênh, rạch chằng chịt. Anh bạn kiến trúc sư nói với tôi rằng, chỉ nhìn 10 đầu ngón tay chai sần là biết dân vùng hạ vì họ chuyên móc hang còng! Anh kể, mẹ anh cũng móc hang còng trên đầm lầy Long Hậu mà nuôi anh ăn học. Còn nhớ ngày ấy, tôi được Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Văn Núi (Ba Núi) - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Giuộc, rủ đi Trạm Y tế ấp 3, xã Long Hậu bằng xuồng máy do em trai ông - thương binh, gốc đặc công thủy Rừng Sác thời đánh Mỹ - lái. Xuồng luồn qua từng "mạng nhện" kênh, rạch len lỏi trong đầm dừa nước mất gần cả buổi mới đến ấp 3.

Ông Ba Núi bảo, những năm đầu mới giải phóng, bệnh sốt rét từ Rừng Sác lây sang Long Hậu, rồi sang Phước Vĩnh Đông, Tân Tập..., ông cùng mấy đệ tử mang dụng cụ băng đầm lầy sụp hố, sụp hầm, nước xộc vô miệng đắng chát, vẫn cứ nhắm nhà dân bươn tới để phun thuốc và tẩm mùng permétine diệt muỗi gây sốt rét bất kể ngày đêm. Lúc đó chưa có đường giao thông, nhiều chỗ thậm chí phải đi trên đầu bập dừa nước, lỡ trợt chân té xuống đầm, bùn ngập tới ngực.

Câu thành ngữ “Ra khỏi nhà là cởi quần vắt vai” là ở vùng này! Long Hậu một thời có tên “trọng điểm tệ nạn xã hội”. Do tiếp giáp với địa bàn TP.HCM, bọn hoạt động mại dâm, ma túy từ trên đó chạy xe máy ào xuống chỗ đầm lầy hẻo lánh Long Hậu để “đánh nhanh rút lẹ”, tạo nên “điểm đen” như thế!

Và bây giờ, đi trên Quốc lộ 50, rẽ sang xã Đông Thạnh, qua xã Phước Lại và Long Hậu, tuyến đường lầy lội ổ trâu, ổ voi thường bị ngập sâu khi có triều cường ngày nào giờ được láng nhựa kết nối với TP.HCM. Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thị Hồng Châu đưa chúng tôi đến tham quan mô hình trồng rau công nghệ cao.Trong mô hình, các loại rau đều xanh mướt, đu đủ trĩu trái,...

 Đường vào ấp 3 xã Long Hậu

Rẽ sang tuyến đường nhựa đi vào Khu công nghiệp Long Hậu, chạy xe chừng 5 phút tới ấp 3 mà trước đây đi xuồng máy mất cả buổi. Sang bên kia cầu Bà Đằng là vào Khu công nghiệp Long Hậu với 2 đường nhựa lớn: Đường Long Hậu và đường Trung Tâm với những hàng cây tỏa mát và những “tổng hành dinh” của các doanh nghiệp. Rất nhiều dãy quán bên đường có vẻ tạm thời, làm khu ẩm thực cho công nhân.

Qua khỏi cầu Long Hậu là địa phận huyện Nhà Bè (TP.HCM), rồi về xã Hiệp Phước, đến khỏi cầu Tắc Lầu một đỗi là hết đường nhựa, chỉ còn đường đất mới đắp chạy về bến phà Kinh Hàn. Từ đây ra cửa Soài Rạp - biển Đông khá gần. Qua phà Kinh Hàn lại phải đi thêm một lần phà nữa mới sang trung tâm xã Phước Vĩnh Đông có đường bêtông “độc đạo”. Phước Vĩnh Đông vẫn còn nhiều khu đầm lầy dừa nước. Tôi nhớ có lần về đây, thấy lúa đang trổ bông nằm liệt trên mặt đầm qua một đêm nước mặn tràn lên. Mất mùa, đói khát, người còn khỏe thì “tha hương cầu thực”, người yếu sức ở lại móc hang bắt còng, bắt cá thòi lòi đổi gạo, đổi nước ngọt sống qua ngày.

Khu nuôi tôm của tổ hợp tác nuôi tôm số 2 ấp Đông An, Phước Vĩnh Đông

Ở đây, nước ròng thì mặt đầm chi chít hang còng, hang cá thòi lòi. Nước lên thì cả cánh đồng loang loáng một màu nước bùn. Bây giờ, ở ấp Đông An qua trung tâm xã có mấy tổ hợp tác kinh tế nuôi tôm công nghiệp dọc 2 bên lộ Chống Mỹ chạy về kết nối Đường tỉnh 830 đi Cảng quốc tế Long An và bến đò Tân Tập - Vàm Sác. Hy vọng tương lai gần, xã “sâu” nhất xứ Cần - Phước Vĩnh Đông sẽ có cầu, đường nhựa kết nối với các khu công nghiệp và đô thị trong vùng, để tiếp cận và phát triển.../.

Bút ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết