Tiếng Việt | English

26/01/2017 - 22:14

Cảm xúc giao mùa

Ngày... tháng... năm...

Hôm nay, mình cũng “bon chen” đi mua sắm. Chợ hăm mấy tết bắt đầu nhộn nhịp, vừa đi, mình vừa ngắm không khí tết chung quanh, thấy cũng vui vui... Quầy bán kẹp có một chị chắc ở quê ra, đang tập trung vào mấy chiếc kẹp có gắn bông hoa lòe loẹt to tướng.

Mười móng tay sơn đỏ choét của chị trông lem nhem, lộm cộm không bóng bẩy, có lẽ chị mua nước sơn về nhà tự làm đẹp cho mình. Bên cạnh, một em bé chừng năm, sáu tuổi tay cầm nhánh hoa giả mẹ mua với đủ thứ màu “mi-nơ” chói lọi đến nỗi cách vài chục mét vẫn có thể nhìn thấy.

Cô bé đang say sưa nghiêng đầu qua lại, mắt chớp chớp, miệng lẩm nhẩm “nói chuyện” với mấy chiếc vòng đeo trên tay mới mua bằng inox bóng ngời. Chiếc áo đầm sát nách màu đọt chuối của nó làm nổi bật nước da đen nhem nhẻm và lộ ra cái cổ ba khoen “dây chuyền đất” cộng với mái tóc vàng khét nắng, khô quắc khô queo (hệt như mình và tụi bạn hồi nhỏ ham chơi ngoài trời bất kể mưa nắng, do người lớn không ai có thời gian để ý chăm lo).

Cô bé cười bẽn lẽn chạy lại gần mẹ khi thấy có người “bắt quả tang” em đang độc diễn, người mẹ ướm thử cái nơ màu hồng có đính kim tuyến lên đầu con, hai mẹ con gật gật tỏ vẻ rất hài lòng rồi trả tiền. Không đợi người bán gói hàng, bé kẹp luôn chiếc nơ lên đầu lắc qua, lắc lại ngắm nghía, hết gỡ xuống ve vuốt rồi lại kẹp lên. Tội nghiệp chiếc kẹp nơ xinh xắn cứ phập phều trên mớ tóc khô cháy của cô bé như sắp bị văng xuống đất, người mẹ trìu mến nhìn đứa con gái vui sướng đón nhận món quà tết tuy không có giá trị lớn về vật chất nhưng với nó là cả một trời yêu thương. Hình ảnh đó thật xúc động! Hạnh phúc đôi khi chỉ giản đơn là vậy...

Ngày... tháng... năm...

Tối nay, mình dắt hai đứa con gái đi mua quần áo mới. Chợ cuối năm ồn ào, tấp nập, nhiều nơi khách chen lấn nghẹt cả lối đi. Trong dòng người hối hả, đẩy xô nhau, theo cơn sóng ấy có đôi nam nữ khiếm thị tay trong tay cứ chậm rãi nhích từng bước một.

Cô gái hướng đôi mắt “vô hồn” về phía đối diện với giọng nhẹ nhàng: “Làm ơn cho em hỏi quầy bán quần áo có ở đây không ạ?”, mình nắm tay cô gái bảo: “Đi theo chị!”. Khó khăn lắm mới đưa được hai cô cậu tách khỏi đám đông đến quầy bán quần áo phía trước, mình nửa đùa nửa thật với chị bán hàng: “Hai người khách đặc biệt này chị phải bán với giá đặc biệt à nha!”, chị bán quần áo cười vui vẻ: “Em khỏi lo, chị biết mà!”.

Chị bán hàng đưa một số áo sơ mi họ cần mua, phù hợp vóc dáng hai người, cô gái sờ nắn từng chiếc áo để đánh giá đường may, chất lượng vải dày mỏng, mặc mát hay không hút mồ hôi,... tất cả đều chính xác như thể có “mười con mắt” trên những ngón tay gầy gầy ấy. Họ lựa chọn, mặc thử, sờ soạng để ước lượng độ dài rộng và tự ngắm mình trong... trí tưởng tượng. Dù họ không biết những chiếc áo mới có làm mình đẹp hơn hay không nhưng nụ cười hạnh phúc và đầy tự tin ấy mang chút nắng ấm mùa xuân về với trái tim yêu thương của hai người bạn trẻ tật nguyền...

Ngày... tháng... năm...

Sáng này, mình xách máy ảnh đi chụp chợ hoa. Dưới ánh nắng mai, màu sắc hoa càng rực rỡ hơn, mình quay phải, quay trái, lúc gần, lúc xa, bấm máy liên tục. Chỉ còn ngày cuối, những cuộc mua bán chạy đua với thời gian, người bán muốn hết nhanh để về nhà, nhiều người hiểu tâm lý đó nên đợi đến “giờ chót” mới mua, chờ giá rẻ, cũng vì thế nên không khí cuối ngày luôn sôi động.

Mình rút kinh nghiệm những năm trước nên lo mua sớm vài chậu hoa đẹp “dằn túi” dù giá hơi cao và không hợp với phong cách “trùm sò” của mình nhưng tự thấy quyết định này sáng suốt. Năm nào cũng lo mua thức ăn trước, đến ngày cuối mới mua hoa nên kết quả là lôi về một đám “tàn quân” bị người ta xô tới, đẩy lui lựa rồi... không chọn.

Chợ hoa nhộn nhịp dần, càng lúc người mua đến càng đông, những dãy màu xanh, vàng, đỏ trên sân biến mất dần, mất dần theo những chuyến xe dập dìu trên phố. Những chậu hoa nhiều ngày đội nắng, đội sương được về cùng chủ mới. Chúng sẽ được đặt ở những vị trí trang trọng trong mỗi nhà, hẳn là rất hạnh phúc khi được dịp khoe sắc, tỏa hương cho đời trước khi không còn hương sắc. Chỉ tội cho những cây bị héo, không may mắn được sống trọn kiếp hoa, và người chủ sau bao ngày dày công chăm bón, mưa nắng dãi dầu nhưng chỉ trong một thời gian ngắn không kịp quan tâm, dù rất xót công, tiếc của nhưng không thể cứu vãn nên đành bỏ lại nó bơ vơ, ngậm ngùi với cõi hoang vu...

Ngày... tháng... năm...

Năm nay, cả nhà mình thay đổi “chiến thuật” về quê đón giao thừa. Nhà ngoại đất rộng mênh mông, căn nhà ba gian thường ngày trống vắng, hôm nay rộn rã tiếng nói, tiếng cười, đám con cháu dường như rất hào hứng thưởng thức cái hương vị tết quê. Bà con hàng xóm ở đây thân thiết như người một nhà, ai có cây trái gì chưng tết đều đem chia cho khắp xóm. Tụi nhỏ trong xóm kéo tới chào những người bạn mới ở thành phố về và rủ nhau lên kế hoạch đón giao thừa cho “xôm tụ”.

Đã lâu, tết không còn được đốt pháo nên đám con nít ở đây tự sáng chế ra những “viên pháo sạch” (tức là có tiếng nổ nhưng không khói, không lửa, không văng xác). Mình nghe thằng Tèo con cậu Năm khoe như vậy nên cũng hiếu kỳ muốn xem. “Xưởng sản xuất pháo” của nó là cái chòi vịt bỏ không sau nhà ngoại, nguyên vật liệu gồm mấy cái dao nhỏ và một đống tàu chuối rọc sạch lá. Mỗi đứa lớn tự làm “viên pháo” của mình, thằng Tèo lãnh nhiệm vụ làm giùm mấy đứa nhỏ. “Viên pháo” sau khi hoàn tất là đoạn chuối dài chừng năm sáu tấc có bốn năm miếng mỏng dựng đứng, khi nào muốn “đốt pháo” thì đưa tay gạt mạnh, mấy miếng mỏng nằm rạp một lượt kêu cái “xoạch”, cứ dựng lên rồi gạt xuống liên tục, nó sẽ kêu như đốt pháo.

Trong nhà, nhóm khác lo thổi bong bóng đem treo lên mấy cây mận trước sân, những chiếc bóng đủ màu bay lơ lửng giữa tàn cây xanh trông rất vui mắt. Đám thanh niên cũng đi ra bờ rạch chặt bập dừa, gọt lấy phần ruột bên trong làm “pháo đại” góp phần nhộn nhịp tối nay. Hai anh em thằng Nhân hì hụi dán cho xong cái đầu lân để giao thừa múa chung với ông - Địa - chú - Ba. Người lớn tranh thủ nấu mâm cơm cúng, rước ông bà về ăn tết.

Cả xóm tập trung trước sân nhà ngoại chờ đón giao thừa. Đám con nít mỗi đứa cầm một “viên pháo” nôn nao, háo hức chạy ra, chạy vào,... Chiếc đồng hồ quả lắc treo trên vách gõ mười hai tiếng vừa dứt, bầy con nít “đốt pháo” liên hồi. Tiếng đập bẹ chuối loạch xoạch của đám trẻ thôn quê hòa cùng tiếng nổ bong bóng của tụi nhỏ thành thị, xen lẫn tiếng đập bập dừa xuống sân của mấy anh thanh niên nổ đoành đoạch như pháo vang dội khắp xóm làng, đám trẻ được một bữa cười no nê.

Đêm giao thừa thật đặc sắc với những trò chơi bình dị, dễ thương, gợi nhớ một thời, hình ảnh đó mình biết sẽ mãi không thể nào quên..../.

Kiều Oanh

Chia sẻ bài viết