Tiếng Việt | English

05/12/2017 - 02:35

Cần bảo vệ, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi

Các công trình thủy lợi không chỉ phục vụ sản xuất mà còn là đường giao thông nông thôn (GTNT) cần được bảo vệ, khai thác hiệu quả.

Thiếu nhân lực bảo vệ

Theo Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, hiện nay, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được phân cấp quản lý, trong đó, tỉnh quản lý công trình đê bao, cống lớn cặp theo sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây; các công trình đê bao còn lại và đê bao lửng giao cho cấp huyện quản lý.

Hiện nay, Chi cục Thủy lợi quản lý 201 cống lớn; tuy nhiên, chỉ có 41 cống có công nhân trực tiếp vận hành, bảo vệ, số còn lại chủ yếu giao cho các hộ dân gần cống; các cống do cấp huyện quản lý cũng một phần được giao trở về các xã phụ trách quản lý.

Khu vực cống Cần Đốt, mặc dù có biển cấm nhưng nhiều hộ dân vẫn vô tư xả rác, bày bán chậu kiểng và đậu đỗ ghe, tàu

Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Huỳnh Văn Nam, công tác quản lý, điều hành và bảo vệ công trình thủy lợi được thực hiện tốt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và địa phương cũng như với cấp cơ sở. Khi có sự cố hoặc tình trạng cấp bách ảnh hưởng công trình thủy lợi thì chi cục liên hệ chính quyền địa phương để chỉ đạo cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, hiện nay, một số tuyến đê bao dọc theo sông lớn như đê Trường Long (sông Cần Giuộc), một số đê dọc sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây xuất hiện nhiều bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng, xe chở đất, cát, đá hoạt động làm hư hỏng kết cấu hạ tầng, gây bức xúc đối với người dân sống cặp tuyến đê vì gây bụi và nguy cơ mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ công trình thủy lợi, cụ thể là lập bến trái phép dọc theo đê, lấn chiếm khu vực cống để đậu đỗ ghe, tàu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa,...

Cũng theo Chi cục Thủy lợi, hiện nay, các tuyến đê xây dựng đa mục tiêu, kể cả do tỉnh quản lý cũng chỉ có khả năng chịu tải 2,5 tấn trở xuống. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vận tải, nhất là chủ bãi cát, vật liệu xây dựng sử dụng loại xe tải lớn trên 5 tấn vận chuyển gây hư hỏng, sạt lở đê. Hơn nữa, các cấu tạo địa chất của vùng giáp sông đều yếu, vật liệu đắp đê chủ yếu là bùn đất nên tình trạng xâm thực, sạt lở, lún nền đê diễn ra trầm trọng.

Chính quyền một số địa phương vùng Đồng Tháp Mười do nôn nóng trong xây dựng nông thôn mới, sử dụng đê bao lửng làm đường GTNT, gây tình trạng phá vỡ quy hoạch và lãng phí vì phải nâng nền cao hơn mà hiệu quả sử dụng lâu dài không bảo đảm bởi nền yếu, không phục vụ nhu cầu vận tải.

Những cách làm hay

Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Long An - Huỳnh Văn Nam thông tin: Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp phối hợp tốt chính quyền và ngành chức năng bảo vệ, khai thác bền vững công trình thủy lợi đa mục tiêu. Cụ thể, doanh nghiệp Phạm Gia Hưng (khu vực cống Đôi Ma, xã Long Sơn, huyện Cần Đước) đầu tư xây dựng tuyến đường nhựa cặp đê bao sông Vàm Cỏ Đông, địa bàn xã Long Sơn. Công trình vừa góp phần bảo vệ đê, vừa tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện.

Cống Đôi Ma - công trình thủy lợi tiêu biểu được xã hội hóa trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng

Tại khu vực bến đò Bình Tịnh, thuộc xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, một doanh nghiệp cũng bỏ tiền đầu tư nhựa hóa một phần tuyến đê bao cặp sông Vàm Cỏ Tây, tạo điều kiện để người dân đi lại thuận tiện hơn.
Đặc biệt, để bảo vệ kết cấu hạ tầng các tuyến đê bao trên địa bàn huyện Cần Đước, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện tăng cường tuần tra, xử lý những trường hợp vi phạm chở hàng quá tải gây sạt lở, sụt lún đê. Đến nay, tình trạng này được kiềm chế, nhiều tuyến đê bao quan trọng được bảo vệ.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý

Ông Huỳnh Văn Nam cho biết thêm: Từ hiệu quả thiết thực của đầu tư công trình thủy lợi đa mục tiêu, sắp tới, tỉnh tiếp tục phân cấp mạnh mẽ, thực hiện Luật Thủy lợi tiếp tục đầu tư thêm nhiều công trình, thu hút nhiều nguồn vốn khác nhau phục vụ sản xuất, giao thông và nhất là ngăn mặn.

Hướng tới, tỉnh tiếp tục đầu tư 6 cống trên Quốc lộ 62 - cặp sông Vàm Cỏ Tây từ cầu bà Hai Màng đến cầu Bến Kè thuộc địa bàn huyện Thạnh Hóa. Công trình sẽ góp phần ngăn mặn, phục vụ tưới tiêu cho vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn của 2 tỉnh: Tiền Giang và Long An, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt của kênh Bắc Đông.

Đặc biệt, công trình các cống ngăn mặn trên sông Vàm Cỏ Tây sẽ giải quyết được bài toán vừa ngăn mặn, vừa kết nối giao thông thủy - bộ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, phục vụ sản xuất của nông dân.
Chi cục Thủy lợi Long An và Trung tâm Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, điều khiển tự động trong việc quản lý, điều hành hệ thống cống, vừa giảm bớt nhân lực, vừa phục vụ kịp thời việc vận hành cống phục vụ ngăn mặn, tưới tiêu và giao thông thủy - bộ.

Ngành Thủy lợi phối hợp chặt chẽ Chi cục Kiểm lâm tăng cường trồng các loại cây, cỏ giữ đất, chống ngập mặn và xâm thực trên một số tuyến đê bao để bảo vệ kết cấu hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão. Đặc biệt, người dân sống cặp công trình thủy lợi tăng cường ý thức bảo vệ công trình, liên hệ với cơ quan chức năng khi có sự cố và phát hiện hành vi phá hoại công trình nhằm kịp thời ngăn chặn, bảo vệ hiệu quả công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Long An./.

Theo phân cấp, cấp tỉnh quản lý 35 tuyến đê bao dọc sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông, chiều dài 291km và 201 cống, phục vụ tưới tiêu, ngăn mặn cho 65.000ha chủ yếu thuộc vùng hạ. Cấp huyện quản lý 329 tuyến đê bao chủ động, chiều dài 1.341km và 526 tuyến đê bao lửng (chủ yếu vùng Đồng Tháp Mười) chiều dài 796km. Ngoài ra, cấp huyện còn quản lý 668 cống lớn, nhỏ, 1.941km kênh cấp 1; 2.355 kênh cấp 2 và 677km kênh cấp 3 phục vụ tưới tiêu, giao thông thủy nội địa.

Minh Đăng 

Chia sẻ bài viết