Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Cần chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay-chân-miệng

Thời điểm hiện nay là lúc giao mùa, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan nhanh. Một số bệnh thường gặp là bệnh về đường hô hấp, sởi, rubella, tiêu chảy, thủy đậu, đặc biệt là bệnh tay-chân-miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH). Vì vậy, việc nâng cao ý thức, chủ động phòng, chống dịch bệnh ở mỗi người là điều hết sức quan trọng.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - Bác sĩ Ngô Văn Hoàng cho biết: Từ đầu năm đến tuần 20 (ngày 17-5-2015), toàn tỉnh ghi nhận 475 ca SXH, số ca mắc tăng 16% so với cùng kỳ và ghi nhận 1 ca tử vong ở huyện Cần Giuộc. Huyện có số ca mắc cao là Đức Hòa: 125 ca; TP.Tân An: 69 ca; Cần Đước: 66 ca; Bến Lức: 57 ca. Đồng thời, có 721 ca mắc bệnh TCM, số ca mắc giảm 32,6% so với cùng kỳ, không có ca tử vong do mắc bệnh TCM. Huyện có số ca mắc cao là Đức Hòa: 189 ca; Cần Giuộc: 83 ca; Bến Lức: 75 ca. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Tuy nhiên, mỗi người cần chủ động phòng, chống các bệnh thường gặp, nhất là bệnh SXH và TCM. Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống là rất quan trọng trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Người dân cần giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, rửa đồ chơi của trẻ mỗi tuần một lần với chất tẩy rửa thông thường. Với trẻ nhỏ cần tắm hàng ngày, tránh mồ hôi ứ đọng nhằm phòng, chống các bệnh ngoài da. Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, loại trừ mầm bệnh, kể cả người chăm sóc trẻ; các bà mẹ cũng phải vệ sinh tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ để phòng, chống bệnh TCM. Ruồi, muỗi là loài trung gian truyền dịch bệnh SXH, tiêu chảy, viêm não Nhật Bản,...

Đặc biệt, cần thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, không ăn những thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, thịt các loại nấu tái, trứng sống,... Thời tiết nắng nóng, thiếu nước sạch, nguy cơ dịch bệnh đường tiêu hóa sẽ tăng cao, cần uống nước đã được đun sôi để nguội, bảo đảm an toàn thực phẩm, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng phòng, chống các bệnh, chú ý ăn thêm các loại rau, củ, quả nhưng cần rửa sạch trước khi ăn, đề phòng các bệnh truyền nhiễm đường ruột, bệnh tiêu chảy,...

Nếu trong gia đình hoặc nơi sinh sống có người mắc bệnh dễ gây thành dịch, người dân cần thông báo với chính quyền địa phương hoặc cơ sở y tế gần nhất có biện pháp phòng, chống cũng như dập dịch kịp thời. Ngoài các bệnh như: Thủy đậu, rubella, sởi, viêm não-màng não,... đã có thuốc phòng ngừa thì bệnh TCM, SXH là bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh của mỗi người đóng vai trò hết sức quan trọng và là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám, hướng dẫn và điều trị kịp thời.

Quang Nguyên 

Chia sẻ bài viết