Tiếng Việt | English

29/03/2017 - 11:28

Cần có giải pháp tìm đầu ra cho cây mè

Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng vùng sản xuất 1.000ha cây công nghiệp ngắn ngày tại 3 xã biên giới; trong đó, cây mè được khuyến cáo để nông dân sản xuất.

Vụ mè Xuân Hè này, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An có kế hoạch xuống giống 750ha. Tuy nhiên, hiện nay, nông dân chỉ xuống giống được gần 250ha, đạt 30% kế hoạch, chủ yếu là mè đen và mè vàng, tập trung tại các xã: Hưng Hà 26ha, Hưng Điền B 105ha và Hưng Điền 110ha.

Cần có giải pháp tìm đầu ra sản phẩm mè 

Nhận định của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, diện tích mè vụ Xuân Hè năm nay khả năng không đạt kế hoạch, do chưa có doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nên đầu ra sản phẩm bấp bênh, giá cả thị trường không ổn định, vì vậy, nông dân không an tâm sản xuất.

Một số hộ dân sản xuất mè không áp dụng quy trình sản xuất được ngành chuyên môn tập huấn mà sản xuất theo tập quán cũ nên không đạt năng suất và lợi nhuận. Mặt khác, do giá lúa Đông Xuân 2016-2017 cao nên sau khi thu hoạch, nông dân tiếp tục gieo sạ lúa vụ tiếp theo mà không sản xuất cây mè.

Ông Huỳnh Văn Tiện đã 3 năm trồng mè ở ấp Ba Gò, xã Hưng Điền cho biết, cây mè phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao. Tuy nhiên, thời gian qua, nông dân trồng mè chủ yếu tự tìm thương lái để bán, giá cả không ổn định nên hiệu quả sản xuất không cao, nhiều hộ dân không tiếp tục trồng mè mà quay lại trồng lúa.

Chủ tịch UBND xã Hưng Hà - Vũ Kim Thành cho biết: Mặc dù địa phương có quy hoạch vùng để sản xuất cây mè theo kế hoạch của huyện nhưng do tình hình thời tiết khô hạn, năng suất mè đạt thấp, đầu ra bấp bênh nên nhiều hộ dân trồng mè thời gian qua bị thua lỗ.

Vụ mè năm nay, huyện giao cho địa phương gieo trồng 400ha nhưng đến thời điểm này, chỉ xuống giống được hơn 20ha, khả năng không đạt kế hoạch. Theo ông, để mở rộng phát triển cây mè thật sự bền vững thì việc chuyển giao kỹ thuật trồng mè cho nông dân cần được tăng cường; mặt khác, cần có sự gắn kết sản xuất với tiêu thụ, nhất là việc bao tiêu sản phẩm đối với cây mè.

Để cây mè phát triển bền vững, thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nhằm tạo ổn định đầu ra cho cây mè, giúp người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích mè, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương cũng như thực hiện thắng lợi nghị quyết của Huyện ủy.

Được biết, trên địa bàn huyện có khoảng 4.000ha đất gò cao ở các xã vùng cao của huyện có thể luân canh 1 vụ mè - 2 vụ lúa, vì diện tích này cho thu hoạch lúa Đông Xuân sớm, sau thu hoạch khoảng thời gian đất không trồng trọt từ 3 - 4 tháng mới gieo sạ lại lúa Hè Thu nên rất thuận lợi cho việc gieo trồng các loại cây rau màu ngắn ngày, trong đó, cây mè được khuyến cáo gieo trồng./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết